Khi còn đi học ở nước Nga xa xôi, xứ trời Âu đầy tuyết, Thủy Liên luôn nhớ các món mẹ dạy nấu ăn. Mẹ dạy tỉ mỉ từ việc nhỏ.

Ngày còn nhỏ, mẹ dạy bằng cách để con ngồi xem mẹ nấu chè đường xôi vò, chè bà cốt có gừng. Rồi mẹ dạy từ cách bóc hành, rồi cách chưng hành nhỏ lửa dùng cho món bún riêu cua. 

Ngày tết có món bún riêu cua xì xụp khi đã ngán bánh chưng và thịt mỡ. Có hôm ba mươi, mẹ còn lụi hụi với túi vải đựng tôm khô ninh mở nắp cho nước dùng trong, để dành cho món bún thang. 

Mẹ dạy tỉ mỉ từ việc nhỏ như kiếm tôm khô giã ra làm ruốc, trứng thái chỉ, thịt gà thái nhỏ, trứng muối có một miếng thái lát.

{keywords}

Lần nào cũng vậy, mẹ dạy con từ cách làm bún thang đến món bún ốc nguội mẹ để dành nước mưa pha với dấm bỗng bằng chiếc môi gỗ cũ kỹ khi nếm thử nước dùng. Mẹ đều nhắc vị của bún ốc nguội là nước mưa pha dấm bỗng phải thanh và có vị ngọt của chút nước từ con ốc nhồi chắt ra. Vị của con ốc nhồi vừa giòn sần sật, vừa đủ ngọt. Bún của chuyên đề ngày Tết, ngoài cỗ Tết ra, vẫn cần có món ăn nhẹ khi đi chơi xa về: Món chè kho.

Giờ đã làm mẹ, làm vợ, Thủy Liên thấy con gái đi học về ghé vào tai bố: “Tin nhanh, hôm nay mẹ cho ăn nem, bố nhé”. Bố và con gái hí hửng ra mặt. Hôm thì cháo cá ám, hôm được ăn bún bò Huế mà mẹ cất công vào Huế học cho bằng được. 

Đã là món Huế hay Hà Nội thì đều ra hương và vị của món ăn dưới bàn tay trình bày đẹp mắt của mẹ Thủy Liên. Rồi một hôm, con gái của Thủy Liên thầm thì vào tai mẹ: “Mẹ ơi, bố có một món quà rất lạ, gói kín lắm bảo rằng con không được đụng vào”.

Bố nói có việc quan trọng, Thủy Liên cũng tò mò, nhưng ko dám hỏi. Phải chờ đến 29 Tết, đúng sinh nhật mẹ, bố mới đem ra bếp trao cho mẹ và nói: “Đây là món quà của em. Anh mang về từ châu Âu”. Hồi hộp lắm, khi mở ra xem, đó là 1 cái chảo xinh xinh, 1 cái nồi xinh xinh và đủ 3 chiếc thìa có môi, thìa múc canh xinh xinh. Thật tiện dụng khi làm bếp.

Bố nói với mẹ: “Anh phải cảm ơn em đã dạy con gái biết tới vị của món ăn, không chỉ là vị của ngày Tết mà còn là vị của cuộc sống thường ngày. Anh cũng mua một bộ tặng mẹ, để làm quà Tết cho mẹ nấu nướng ở quê. 

Khi mẹ cũng cần có những phút riêng tư của tuổi già, khi mẹ cần ăn những món mẹ thích. Em hãy mang quà tặng mẹ trước. Anh sẽ sang nhà tặng mẹ sau”.

Thủy Liên biết rất rõ tính chồng mình, anh hay mua quà riêng cho mẹ, anh sắm từ đôi dép đi trong nhà cho mẹ khi mùa Đông đến, anh còn lây tờ báo cắt đo chân mẹ, để mẹ đi vừa chân. Anh bảo nếu đi dép rộng, mẹ dễ vấp ngã. Anh dành cả thời gian đi xa mua chiếc khăn choàng, anh khéo chọn màu mẹ thích. 

Anh biết ơn mẹ vợ, coi mẹ như mẹ ruột, không phân biệt mẹ vợ, mẹ anh. Anh nói, nếu mẹ không dạy dỗ con gái kĩ càng, chăm chút từng tí, dễ gì anh có em, có em dạy con gái ngoan, hiếu thảo với gia đình lớn.

Ngàn xưa có câu “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”, anh nghĩ gia đình nhỏ của ta phần thưởng lớn nhất phải dành cho mẹ, cho em. 

Hương vị Tết của anh còn có cả trong không gian của ngôi nhà nhỏ mà mọi người gọi là tổ ấm gia đình để ai ai cũng muốn trở về. Đấy là vị Tết.

(Theo Lộc Vừng/ Báo Phụ nữ TP.HCM)