Trong trường hợp bạn chưa thể sắp xếp gặp các chuyên gia tư vấn tâm lý, một số việc nhỏ dưới đây có thể giúp bạn giảm căng thẳng.

Đi dạo

Ngồi trong văn phòng cả ngày, nghe tiếng gõ bàn phím đôi khi khiến bạn “chán phát điên”. Ngồi một chỗ trong thời gian dài cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, huyết áp cao và cholesterol cao.

Vì vậy, bạn nên tranh thủ đi dạo và hít thở không khí trong lành một lúc nào đó trong ngày. Đôi khi, bạn chỉ cần đi dạo 1 vòng quanh khu nhà trong giờ nghỉ trưa hoặc ngay khi về đến nhà là có thể giải tỏa được căng thẳng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, đi bộ có thể giải phóng một số endorphin tích cực, giúp cải thiện tâm trạng.

{keywords}
 

Nghỉ 5 phút

Bạn đã bao giờ bị đắm chìm trong công việc, thậm chí không nhận ra vài giờ đã trôi qua? Bận rộn giúp một ngày trôi qua nhanh hơn. Nhưng dành hàng giờ trước màn hình có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn. Cứ mỗi 60 - 90 phút, bạn nên dành 5 phút để duỗi chân và cho mắt nghỉ ngơi.

Bạn có thể đặt hẹn giờ trên điện thoại, đồng hồ hoặc máy tính để được thông báo tự động. Sau đó, uống một ly nước, đi vệ sinh hoặc đứng lên làm bài thể dục nhẹ... giúp bạn cảm thấy sảng khoái hơn.

Đừng ăn tại bàn làm việc

Nếu bạn không nghỉ ngơi “đúng nghĩa” ít nhất 1 lần trong giờ làm việc, năng suất của bạn sẽ giảm đi, kém tập trung.

Vì vậy, bạn cần bước ra khỏi bàn làm việc để ăn trưa. Ra ngoài ăn trưa có thể làm bạn mất 30 phút - 1 tiếng nhưng bạn sẽ nhận lại sự thoải mái, thêm năng lượng để làm việc và cảm thấy buổi chiều không kéo dài quá lâu.

Tập luyện kỹ thuật thở

Không phải lúc nào bạn cũng có thể rời khỏi bàn làm việc để “F5” bản thân, có thể vì deadline, họp… Lúc này, để “thoát” khỏi sự căng thẳng, áp lực, bạn cần áp dụng các kỹ thuật thở sau: hãy hít một hơi thật sâu - giữ khoảng 3 phút; sau đó, thở ra cũng trong vòng 3 phút. Bạn nên làm vài lần liên tiếp để cảm thấy thư giãn hơn.

“Bỏ lại” công việc trước cửa nhà

Đôi khi bạn có một ngày làm việc tồi tệ và những “dư chấn” từ công việc không dứt, dù đã về đến nhà. Nếu bạn chỉ băn khoăn về điều gì đó trong công việc hôm nay sẽ khiến công việc ngày hôm sau trở nên khó khăn hơn.

Để bảo vệ sức khỏe tinh thần, khi bạn rời khỏi văn phòng, bạn cần “để lại” công việc ở đó. Khi về đến nhà, bạn cần chăm sóc bản thân, nghĩ về những điều bạn hạnh phúc, gaiir trí như: xem chương trình yêu thích, suy nghĩ về những dự định cho cuối tuần... Cuộc sống còn nhiều điều có giá trị hơn những bực bội trong công việc và đó là những điều bạn nên tập trung.

{keywords}
 

Tìm sở thích

Một cách tuyệt vời để tách khỏi công việc căng thẳng là tập trung vào một thứ khác thú vị hơn. Bạn nên tìm hiểu điều gì đó có thể giúp bạn thư giãn sau một ngày dài, khiến bạn thấy thích thú. Bạn có thể thử nhiều thứ để tìm thấy đáp án đúng nhất cho bản thân.

Tuy vậy, bạn nên hạn chế những sở thích, công việc quá khó khăn - thứ thậm chí khiến bạn còn căng thẳng hơn nếu không hoàn thành.

Trò chuyện

Nếu bạn đã có một ngày tồi tệ, đừng giữ nó trong lòng mà hay trò chuyện với người bạn tin tưởng. Bạn có thể đi ăn uống với người thân thiết để giải tỏa căng thẳng. Lúc này, họ có thể có cách nhìn mà bạn chưa từng nghĩ đến, hoặc đơn giản xoa dịu cảm xúc của bạn.

Nếu bỏ qua và xem nhẹ những cảm xúc tiêu cực của bản thân, bạn có thể rơi vào “cái bẫy” trầm cảm. Đến lúc đó, một vài thay đổi trong thói quen hàng ngày là không đủ để bạn đấu tranh với áp lực, căng thẳng.

Đừng ngại nhìn vào những điều mình đang gặp phải và tìm cách giải tỏa với bạn bè, người thân, chuyên gia tâm lý trị liệu, hay bác sĩ.

(Nguồn: Careerbuilder.vn)