Định nghĩa về môi trường làm việc “độc hại” là: nơi làm việc chuyên môn nhưng rối loạn về vai trò - nhiệm vụ, căng thẳng, không năng suất, có sự bắt nạt, chèn ép, sếp và đồng nghiệp xấu tính, văn hóa công ty tập trung vào việc ganh đua bằng mọi giá…

Trong môi trường làm việc hiện đại, căng thẳng (stress) được coi là vấn đề sức khỏe cần quan tâm hàng đầu. Vì vậy, “mắc kẹt” ở nơi làm việc “độc hại” sẽ là thứ cản trở cho sức khỏe, tinh thần, chuyên môn của bạn. Do đó, bạn cần tinh ý nhận ra những dấu hiệu về một nơi làm việc như vậy, đặc biệt trong quá trình phỏng vấn xin việc.

Chú ý những cụm từ đặc biệt trong mô tả công việc

Học cách “giải mã” các quảng cáo tuyển dụng là điều quan trọng đối với ứng viên. Khi bạn hiểu các từ thông dụng có ý nghĩa như thế nào, bạn có thể nhìn ra một phần văn hóa, giá trị và kỳ vọng của công ty, từ đó bạn xác định có thực sự muốn làm việc ở đó hay không.

Textio - một công ty phần mềm từng sử dụng công cụ dự đoán của mình để phân tích các từ thông dụng trong các quảng cáo tuyển dụng. Kết quả cho thấy một góc nhìn bất ngờ về văn hóa doanh nghiệp. Ví dụ: các cụm từ phổ biến của Amazon bao gồm "môi trường có nhịp độ nhanh" và "điên cuồng"; trong khi của Slack là "mối quan hệ lâu dài" và "quan tâm sâu sắc."

Phân loại sự “độc hại” từ các thuật ngữ thông dụng vẫn chưa thể đảm bảo đánh giá một công ty một cách toàn diện. Bạn cần chú ý đến cách các công ty nói về: danh sách công việc, mô tả trách nhiệm, và môi trường làm việc. Cách doanh nghiệp nhìn nhận về “bản thân” có thể nói lên phần nào cách tổ chức đó sẽ đối xử với bạn.

{keywords}
 

Cẩn trọng với các “món đồ” miễn phí

Khi các quyền lợi của nhân viên không thực sự mang lại lợi ích cho bạn thì đó có thể là 1 “cái bẫy”. Đồ ăn vặt miễn phí, vé xe hàng tháng được hỗ trợ, trò chơi điện tử và bi lắc trong phòng giải lao… nghe rất lý tưởng, nhưng trên thực tế, những quyền lợi này thường được tính toán chỉ để giữ chân nhân viên ở lại văn phòng lâu hơn.

Ví dụ: Bạn sẽ khó tập trung làm việc nếu đường huyết giảm; hoặc nếu giá vé gửi xe tăng lên gấp đôi sau 6h chiều, bạn tự động sẽ muốn về đúng giờ; và ngược lại, bạn sẽ cảm thấy không việc gì phải về sớm nếu không mất tiền gửi xe.

Nếu các công ty thực lòng muốn giúp cuộc sống của bạn tốt hơn, họ sẽ trả cho bạn đủ tiền để mua đồ ăn nhẹ và các hình thức giải trí khác; sau đó để bạn về nhà tận hưởng chúng.

Lực lượng lao động trẻ đông đảo

“Môi trường làm việc trẻ trung” - cụm từ này hứa hẹn một không gian nhiều niềm vui. Thế nhưng, bạn cần đặt ra câu hỏi vì sao và cẩn trọng với điều này.

Một trong những nhược điểm ở một doanh nghiệp nhiều người trẻ là không có sự đa dạng về kinh nghiệm. Điều đó có nghĩa, nếu bạn cũng là nhân sự trẻ, bạn sẽ khó tìm được người để học hỏi và dễ bị rối loạn về nhiệm vụ được giao. Nếu bạn là nhân sự có kinh nghiệm, có khả năng bạn sẽ phải kiêm nhiệm những việc mà số đông đồng nghiệp không gánh nổi.

Một khả năng khác là công ty đó đang tìm cách tiết kiệm chi phí. Người lao động có ít kinh nghiệm thường được trả lương thấp hơn so với mặt bằng chung. Kể cả khi đến thời điểm đàm phán tăng lương, thì nhu cầu đó cũng chưa chắc được đáp ứng với lý do “Kinh nghiệm chưa đáp ứng đủ”.

Một điều cần lưu ý nữa, một đội ngũ trẻ cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo: nhà tuyển dụng đang tìm người không phải chịu các chi phí cấp thiết để đòi lương cao, ví dụ con cái hoặc cha mẹ già cần phải chăm sóc. Công ty có thể sẽ không thông cảm nếu bạn có các trách nhiệm trên, hoặc lúc bạn cần tăng thêm thu nhập khi có gia đình riêng.

Một công ty chỉ “chăm chăm” tìm kiếm những nhân viên độc thân, luôn sẵn sàng làm việc mọi lúc mọi nơi sẽ không phù hợp nếu bạn muốn đi du lịch, tập luyện, hay có cuộc sống riêng.

Nhân viên có vẻ mệt mỏi, chán nản hoặc lo lắng

Bạn nên đề nghị được tham quan văn phòng khi phỏng vấn trực tiếp. Nếu bạn đang phỏng vấn online, hãy cố gắng đánh giá thái độ của những người bạn trò chuyện.

Khi đó, bạn nên chú ý đến cảm giác, năng lượng từ nhân viên công ty đó. Mọi người trông có vẻ chán nản, mệt mỏi không? Nếu họ bị kiệt sức vì làm việc trong không gian văn phòng “độc hại”, họ sẽ thường ủ rũ, chán nản.

{keywords}
 

Nhiều lượt nhân viên ra vào công ty

Trước khi phỏng vấn, hãy tìm đọc đánh giá về công ty từ các nhân viên cũ nếu có. Bạn cần tìm hiểu xem công ty có nhiều nhân viên lâu năm không, hay họ thường bỏ việc ngay khi có thể. Nếu quá nhiều lượt nhân viên ra vào công ty có thể là dấu hiệu cảnh báo một nơi làm việc “độc hại”.

Thời gian công tác trung bình của một nhân viên thường trong khoảng 3 - 5 năm. Nếu bạn thấy nhiều người rời đi trong thời gian ngắn hơn, hãy xem điều đó có thể nói lên điều gì về tổ chức.

Một vị sếp tham vọng luôn tự hào về... khó khăn

Đôi khi, nhà tuyển dụng thẳng thắn: họ cần nhân viên phải luôn chăm chỉ, vượt khó… vì họ có những mục tiêu lớn. Ví dụ, “công ty có những tiêu chuẩn cao về khả năng cống hiến” hoặc "tôi luôn yêu cầu khả năng vượt khó từ bản thân cũng như các thành viên trong team".

Tuy nhiên, bạn cần đặt ra câu hỏi: Nếu một nhà quản lý mặc định rằng, bạn luôn phải thể hiện hết sức mình bất kể điều gì thì liệu họ có phải người có lòng trắc ẩn không? Cùng với đó, việc họ lảng tránh các câu hỏi về quyền lợi cũng là một tín hiệu xấu.

Linh cảm của bạn nói “Không”

Một phần của việc phỏng vấn chính là lắng nghe linh cảm, trực giác của mình. Đôi khi trực giác của bạn đúng. Bạn cần hiểu “tiếng lòng” của mình để chọn nơi làm việc thực sự phù hợp.

(Nguồn: Careerbuilder.vn)