- Vị trí 12 mà Việt Nam có trong bảng xếp hạng của OECD vừa có ý nghĩa quan trọng lại vừa không hề quan trọng. Nó vừa đúng mà lại vừa không đúng.

Quan trọng vì đây là một xếp hạng độc lập mang tính quốc tế và có sự tham dự của nhiều nước trong đó có cả các nước tư bản phát triển của phương Tây và cả các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Nó cũng phần nào cho thấy khả năng và tiềm năng học Toán và Khoa học của học sinh Việt Nam.

Đây là xếp hạng "vui là chính" của OECD - một tổ chức đại diện cho một nhóm các nước không mạnh về lĩnh vực họ khảo sát. Nếu đây là một khảo sát của Đại học Cambridge chẳng hạn thì câu chuyện sẽ khác đi rất nhiều.

{keywords}
Xếp hàng chờ mua hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1 trường nổi tiếng ở Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đúng là học sinh Việt Nam đã thể hiện khả năng tốt của mình trong các khảo sát của OECD.

Không hề có sự gian dối hay "mua giải" ở đây. Nó có trong đó một phần sự thật. Sai là nằm ở cả phương pháp khảo sát của cả OECD và sai cả ở phía Việt Nam. Tôi xin được nói rõ hơn.

Phương pháp của OECD phần lớn dựa vào kỳ thi PISA và bài test của Mỹ đều là các bài test thuần túy lý thuyết và nặng về kỹ thuật làm bài thi chứ không phải dựa trên thực hành hay ứng dụng và sản phẩm.

Rất nhiều học sinh của nhiều nước không biết đến kỳ thi này và không quan tâm tới việc tham gia.

Chỉ là 1 kỳ thi nhỏ PISA hay kể cả IMO không thể nào cho thấy chất lượng giáo dục của cả 1 hệ thống giáo dục và đào tạo.

Nếu chỉ nhờ IMO và nhờ PISA hay bảng xếp hạng của OECD mà chúng ta cho rằng mình giỏi toán và giỏi khoa học thì rất nguy hiểm. Đó là sự ảo tưởng về chính mình và không biết mình là ai.

{keywords}
Ông Nguyễn Tuấn Hải, tốt nghiệp ĐH Priceton (Mỹ)

Kết quả này không cho thấy điểm mạnh gì của nền giáo dục Việt Nam. Đó chỉ là kết quả của một bộ phận nhỏ học sinh Việt Nam ở các thành phố lớn và ở các trường tốt thôi.

Để tạo đột phá, giáo dục Việt Nam phải đoạn tuyệt hoàn toàn với các loại hình đánh giá kiểu này để đi vào thực chất của giáo dục: đào tạo ra những con người biết nghĩ và biết làm chứ không phải những con người chỉ biết nhét đầy kiến thức vào đầu để chăm chăm luyện bài đi thi lấy giải như hiện nay.

  • Nguyễn Tuấn Hải (Nhà sáng lập và Giám đốc chiến lược của hệ thống Anh ngữ Eton Grammar và Trường tiểu học Reggio Emilia Hà Nội)
  • Văn Chung - Ghi