- Lê Yên Thanh, sinh viên năm 3, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) được xem là “vua” săn giải thưởng khi sở hữu hàng chục giải thưởng về công nghệ thông tin.

Sinh ra và lớn lên ở An Giang, bố mẹ đều là giáo viên dạy Toán. Ngoài thừa hưởng kĩ năng học giỏi Toán từ bố mẹ - Thanh tự nhận mình có khả năng học tin học rất nhanh.

Thanh cho biết, cơ duyên đến với tin học từ năm em học lớp 3. Lúc ấy trong nhà có máy tính bàn để bố mẹ làm việc nên em có cơ hội sử dụng nó mỗi ngày. Lúc đầu, em chủ yếu mượn máy của bố mẹ để chơi game, xem hoạt hình nhưng dần em thích khám phá nó rồi niềm đam mê cứ đến lúc nào không hay.

  {keywords}

Lê Yên Thanh trong lễ trao giải quả cầu vàng (Ảnh nhân vật cung cấp)

Dù vậy, cơ hội chỉ đến khi Thanh vào học lớp 10 tại Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, An Giang. Tại đây, tất cả học sinh cấp 3 đều được học tin học, là điều kiện cho Thanh có cơ hội học và tiếp xúc với máy tính nhiều hơn. Thấy học trò đam mê tin học các giáo viên cũng tạo điều kiện nhiều hơn. Từ niềm đam mê và sự mày mò thành quả đầu tiên của Yên Thanh là các phần mềm có tính ứng dụng như phần mềm quản lý nề nếp, quản lý thư viện và quản lý tuyển sinh cho trường.

Cũng trong thời gian học phổ thông, Yên Thanh mang về cho mình hàng loạt giải thưởng tin học như Giải nhì Tin học trẻ toàn quốc năm lớp 11; HCV Olympic 30/4 môn Tin học năm lớp 11; Hai năm liền giải nhất học sinh giỏi môn Tin học; giải nhất Tin học trẻ tỉnh An Giang; Giải thưởng Hoa trạng nguyên năm lớp 12; Giải nhất học sinh Quốc gia môn Tin học năm lớp 12, giải ba năm lớp 11; Top 10 Đoàn viên tiêu biểu nhận giải thưởng Lý Tự Trọng của Trung ương Đoàn…

Với những thành tích nổi bật, sau tốt nghiệp, Yên Thanh được tuyển thẳng vào học chương trình tiên tiến khoa Công nghệ - Thông tin (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.)

Từ đây, hành trình săn giải thưởng của cậu sinh viên Yên Thanh tiếp tục được mở rộng không chỉ trong nước mà còn ngoài nước. Cơn mưa giải thưởng tin học lại tiếp tục đến với Thanh: Giải Hornorable Mention (giải thưởng danh dự) cuộc thi lập trình sinh viên Quốc tế, vòng vô địch thế giới năm 2014; Giải nhất cuộc thi lập trình sinh viên Quốc tế vòng khu vực Châu Á năm 2014; Đoạt giải nhất cuộc thi lập trình sinh viên Quốc tế vòng online năm 2014; Huy chương đồng cuộc thi lập trình sinh viên Quốc tế khu vực Châu Á năm 2014, Đoạt Giải thưởng Khoa học Kỹ thuật Thanh niên Quả cầu vàng năm 2013.

Dù chỉ mới là sinh viên năm 3 nhưng Yên Thanh đã tích trong tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và đã có hai bài báo khoa học ngay từ khi còn là sinh viên năm 2…

Viết ra phần mềm busmap

Lê Yên Thanh là một trong hai sinh viên viết ra phần mềm và thực hiện chuyển giao phần mềm “Busmap – Xe buýt thành phố” cho trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM.

  {keywords}
Lê Yên Thanh

Về phần mềm có tính ứng dụng này, Yên Thanh cho biết “Phần mềm đó em làm ra vì lí do cá nhân. Hai năm trước khi từ tỉnh lên thành phố học tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên em phải đi xe buýt tới trường. Nhưng em thường rất ngại khi phải đi nhiều xe buýt lạ và không biết đường đi nên nhiều lúc không biết lên xuống xe ở đâu. Lúc đang đi nên em đã nảy ra ý tưởng viết ứng dụng giúp em tra cứu đường đi và thông báo hướng dẫn cho em đi xe buýt”

Phần mềm Busmap được Yên Thanh (cùng bạn Tô Hữu Quân – sinh viên khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) viết ra lúc hết năm thứ nhất sinh viên. Ứng dụng này đoạt giải Nhất dành cho khối sinh viên ĐH Hội thi Tin học trẻ TP.HCM lần 22. Năm 2013 cũng được chuyển giao cho Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM.)

Nhờ phần mềm này người đi xe buýt có thể tra cứu thông tin của tất cả các tuyến xe buýt trong thành phố, thông tin sẽ được hiển thị trực quan tuyến xe trên bản đồ, tìm kiếm lộ trình đi tối ưu bằng xe buýt, theo dõi lộ trình đi xe buýt và thông báo nhắc nhở mỗi khi gần tới trạm dừng, tìm kiếm trạm dừng xe buýt…

Sáng tạo phải gắn với thực tế

Say mê tin học, nhưng Thanh cho rằng tin học không khô khan như mọi người nói. Để giỏi IT đòi hỏi bản thân phải rất sáng tạo, năng động và tự tin.”

Để ra đời một phần mềm, Yên Thanh quan niệm phải đặt tính ứng dụng lên trên hết. “Tiêu chí quan trọng nhất là tính thực tiễn, phần mềm xuất phát từ nhu cầu thực thế và có thể ứng dụng được. Nhưng để làm phần mềm ứng dụng khó khăn duy nhất là kiến thức. Do xuất phát từ nhu cầu thực tế đòi hỏi mình phải học đủ kiến thức để giải quyết bài toán từ nhu cầu đó.”

“Tùy phần mềm mà phải đầu tư thời gian khác nhau” – Yên Thanh nói. Để hoàn thành một phần mềm tùy vào bài toán mà phần mềm phải giải quyết và em có bao nhiêu thời gian rảnh. Thanh ví von “Nó cũng giống như làm thơ thôi, có bài dài, bài ngắn, có khi người viết thơ có cảm xúc thì làm nhanh, không thì làm chậm.”

Ước mơ của Thanh sau khi học xong đại học sẽ xin học bổng và du học Mỹ - sau đó sẽ học lên tiến sĩ. Khi có cơ hội và ý tưởng em sẽ startup một cái gì đó cho riêng mình.

Lê Huyền