- Những chủ đề chia sẻ phương pháp dạy con từ khi còn là một bào thai mọc lên ngày càng nhiều trên các diễn đàn trẻ thơ. Hàng loạt khóa học cho biết sẽ nói với cha mẹ cách làm con họ thông minh hơn đang diễn ra. Đặc biệt, không chỉ là các công ty tư nhân mà về phía nhà nước, Viện nghiên cứu và phát triển tiềm năng con người (IPD) thuộc Hội chăm sóc sức khỏe cộng đồng được thành lập khiến cho giáo dục sớm (GDS) ngày càng có sức thu hút mạnh mẽ.

Mạch nguồn dẫn dắt

GDS ở Việt Nam được khơi nguồn không phải từ một nhà khoa học bỗng nhiên phát hiện cách làm cho trẻ thông minh vượt trội ngay từ lúc sơ sinh mà từ một bà mẹ có con bị chứng tự kỷ nặng, bà Lê Thị Phương Nga. Hiện bà đang sống tại TP. Hồ Chí Minh.

Bà Phương Nga là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Đưa con trở lại thiên đường” tái hiện lại hành trình gian khổ của người mẹ ròng rã cả chục năm trời đi học hỏi, rèn luyện để trở thành người thầy đưa con vượt qua chứng tự kỷ để trở lại cuộc sống bình thường. Để có được thành quả đó, bà Nga đã tự mình trực tiếp qua Mỹ học hai khóa cơ bản và 12 khóa nâng cao của các bác sỹ dành riêng đào tạo phụ huynh có con tự kỷ.

Vào thời điểm chương trình “Người xây tổ ấm” nói về thành quả của bà và cuốn sách ra đời năm 2008, phương pháp mà bà Phương Nga sử dụng đã trở thành niềm hi vọng mạnh mẽ cho các gia đình có con bị tổn thương não. Từ đó, bà Nga trở thành người chuyển giao kinh nghiệm cho họ bằng chương trình “Bé yêu, bé giỏi”.

Bà Phương Nga và hành trình cùng ba cô giáo chăm sóc, dạy dỗ, trị liệu cho con trai bị tự kỷ đã khơi nguồn cho GDS phát triển. Tuy nhiên, chỉ đến khi một topic của một cô giáo từng tiếp nhận chương trình “Bé yêu, bé giỏi” xuất hiện trên Webtretho năm 2009, làn sóng GDS mới bắt đầu lan tỏa.

{keywords}

Một diễn đàn được các bố mẹ theo sát để học hỏi phương pháp dạy con.

MePPMM, nickname của cô giáo trên Webtretho đã dành thời gian của mình chia sẻ với các bà mẹ có con nhỏ khác về những kiến thức mà chị tiếp nhận về GDS. Vốn là một cộng đồng mạng khá uy tín và là địa chỉ lui tới thường xuyên của các bố mẹ, topic của mePPMM nhanh chóng thu hút rất nhiều thành viên tham gia bàn luận sôi nổi. Cùng với những chia sẻ cá nhân về kinh nghiệm dạy con của một thành viên là meTomTedVic, những thành viên đam mê GDS đã cùng nhau lập trang web riêng để thảo luận. Hội cha mẹ giáo dục con từ sớm (P.E.E Club) ra đời từ đó.

Sức lan tỏa của GDS khiến giới kinh doanh nhanh chóng nhận ra thị trường này. Điểm dừng chân đầu tiên của thị trường này là những cuốn sách giới thiệu các phương pháp giáo dục sớm trên thế giới. Và khi các phụ huynh đang ngày càng có nhu cầu hiểu biết về GDS một cách tường tận thì các nhà xuất bản đã nhanh chóng đáp ứng thị trường này bằng các đầu sách tương ứng như “Phương án 0 tuổi”, bộ sách về phương pháp kích hoạt não bộ của Glenn Doman, Dạy con kiểu Nhật, Phương pháp dạy con của người Do Thái, phương pháp giáo dục Montessori…v.v..

Hành trình lập viện IPD của ông bố yêu con

{keywords} 

Thạc sỹ Nguyễn Đình Hiếu chụp cùng GS Phùng Đức Toàn ( người khởi xướng Phương án 0 tuổi ở Trung Quốc) trong buổi ký kết chuyển giao bản quyền Phương án 0 tuổi cho Việt Nam tại Viện nghiên cứu giáo dục trẻ em Phùng Đức Toàn, TP Vũ Hán, Trung Quốc.

Để có một thị trường GDS với đủ các loại hình dịch vụ từ sách vở đến học liệu và các khóa học, các trường học như hiện nay, không thể không nhắc đến một thanh niên trẻ đã đưa bản quyền của Phương án 0 tuổi và Glenn Doman về Việt Nam.

Đó là thạc sỹ Nguyễn Đình Hiếu, một giảng viên trẻ của ĐH. Anh đến với GDS cũng vì mong muốn phát triển trí tuệ cho con cái. Như giới phụ huynh trẻ bây giờ, anh lang thang trên mạng và phát hiện phương án 0 tuổi. Phát hiện mới mẻ này khiến anh lập tức say mê nó. Từ đó, con gái đầu lòng sinh năm 2008 của anh được thụ hưởng giáo dục sớm từ tất cả các thành viên trong gia đình. Không dừng lại ở đó, anh cho rằng, đây chính là tài nguyên để nâng cao chất lượng dân số và ý nghĩ đó thôi thúc anh phải đưa được Phương án 0 tuổi về Việt Nam.

Thạc sỹ Nguyễn Đình Hiếu cùng gia đình mang theo bầu nhiệt huyết từ Việt Nam sang Trung Quốc tìm gặp giáo sư Phùng Đức Toàn, người đang nắm giữ và phát triển Phương án 0 tuổi tại các trường mẫu giáo và trường hàm thụ GDS ở Trung Quốc. Cản trở ngôn ngữ không cản trở được tâm huyết, sau hai ngày đàm phán, anh đã khiến GS Phùng Đức Toàn đồng ý chuyển giao Phương án 0 tuổi về Việt Nam và được ông miễn phí hoàn toàn. Với phương pháp Glenn Doman, hiện nay, anh cũng là đại diện độc quyền ký và chuyển giao phương pháp này tại Việt Nam.

{keywords}

Anh Nguyễn Đình Hiếu và con gái Mỹ Anh đang tìm hiểu về cây xấu hổ trong buổi dã ngoại ở Đại học Nông nghiệp I của Câu lạc bộ cha mẹ dạy con từ sớm

Trong khi thế giới mạng đang âm thầm trao đổi về GDS, thạc sỹ Nguyễn Đình Hiếu đã cùng gia đình đưa GDS đến với đông đảo mọi người. Vào những năm 2009, 2010, anh và gia đình cô Nguyễn Thị Nhỏ, nguyên là giảng viên trường Học viện quản lý Giáo dục, xây dựng, định hình GDS ở Việt Nam cùng với những nhà giáo nhiều kinh nghiệm của chuyên ngành mầm non như NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, cô Kim Tuyến, cô Kim Chi,…Không có nguồn kinh phí nào để tài trợ cho họ mở những cuộc hội thảo hay những khóa đào tạo, những thành viên đầu tiên của Viện IPD về sau này đã sẵn sàng đi phát tờ rơi để giới thiệu về GDS bằng số tiền túi ít ỏi. Và cuối cùng họ đã kết nối được với những người có tiềm lực kinh tế và cả những thành viên tích cực trên các diễn đàn mạng để phát triển GDS.

Từ đó, trường VSK ra đời để áp dụng chương trình GDS theo Phương án 0 tuổi. Khi phương pháp Glenn Doman có mặt ở Việt Nam, Công ty GKs được thành lập để thực hiện chuyển giao chương trình này đến các gia đình có nguyện vọng. Sau này, khi thực tế đòi hỏi cần sự nghiên cứu ở mức cao hơn, Viện IPD đã ra đời để thực hiện nhiệm vụ này.

Thế nhưng, sự hợp tác giữa doanh nhân với người làm chuyên môn không phải lúc nào cũng ngọt ngào. Một thị trường đang còn bỏ ngỏ tiềm năng như GDS cũng đang khiến các công ty kinh doanh “mặt hàng” này vội vã thúc đẩy nó phát triển để chiếm thị phần.

Trên thực tế, từ khi có bản quyền của GDS đến nay, các thành viên của viện IPD vẫn bước rất thận trọng trong nghiên cứu và ứng dụng. Bản thân họ chưa được có một quyền lợi nào như lương bổng. Những bất đồng giữa phương pháp làm việc và lợi ích, cách ứng xử khác nhau đối với GDS tạo nên sự bất hòa đã khiến cộng đồng này bị phân tán. Các thành viên ra đi thiết lập những cộng đồng riêng, các tổ chức trên thực tế không còn sự hợp tác…

Cho đến nay, những người nhiệt tình và dẫn dầu trong việc thổi bùng lên ước muốn phát triển tiềm năng của trẻ nhỏ từ sớm không còn cùng nhau cầm lái những con thuyền cũ nhưng đây vẫn là những địa chỉ hữu ích đối với nhiều phụ huynh mới. Những thuyền trưởng cũ này đang lái những con thuyền mới to hơn: những trường mầm non áp dụng GDS, những công ty kinh doanh GDS, những trang Facebook có lượng truy cập lớn. Tất nhiên, sự phân tán này đã ảnh hưởng không nhỏ đến những khóa học mà họ mang đến cho phụ huynh trong thời gian qua…

  • Nguyễn Hường
Bài 2: Cơn khát giáo dục sớm và những cái giá ngất ngưởng