- Do quan niệm phải mang lộc về nhà của người dân, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở không dám chắc sẽ không có phản cảm cướp ấn đền Trần nhưng hi vọng sẽ không xảy ra, bà chia sẻ với Góc nhìn thẳng ngay trước chuyến đi giám sát lễ hội đền Trần chiều nay, 10/2.


Đêm nay (10/2 tức ngày 14/1 Âm lịch), lễ khai ấn đền Trần sẽ diễn ra và một câu hỏi thời sự luôn được đặt ra là, liệu có xảy những hỗn loạn cướp ấn đền Trần?

Bởi, đi lễ hội đầu năm là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Nhưng dường như năm nào mùa lễ hội cũng xảy ra nhiều vấn đề như quá tải, hỗn loạn... Gần đây nhất là câu chuyện tranh lộc chùa Hương, đền Gióng.

Làm thế nào để không xảy ra tình trạng này trong mùa lễ hội?

Ngay trước chuyến đi Nam Định để kiểm tra, giám sát lễ hội đền Trần, bà Trịnh Thị Thuỷ, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch đã trao đổi với chuyên mục Góc nhìn thẳng của VietNamNet về vấn đề trên.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại video sau:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, ngay từ trước Tết, các sở ngành văn hóa đã có các động thái chấn chỉnh quản lý hoạt động lễ hội nhưng thực tế, vẫn xảy ra những hỗn loạn như tranh cướp lộc. Bà lý giải ra sao về tình trạng này?

Bà Trịnh Thị Thủy: Vâng, đúng là ngay từ đầu mùa lễ hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có chỉ đạo và quán triệt các địa phương về vấn đề này. Ngành văn hóa các địa phương cũng đã vào cuộc rất quyết liệt với mong muốn chấn chỉnh các hoạt động lễ hội, đảm bảo văn minh và trật tự.

Tuy nhiên, từ đầu mùa lễ hội đến nay, chúng ta vẫn thấy còn có những vấn đề phản cảm, lộn xộn trong hoạt động lễ hội. Nổi bật nhất là việc tranh cướp lộc, việc chen lấn xô đẩy, việc đặt lễ không đúng nơi quy định như ném tiền xuống giềng, nhét tiền vào tay tượng Phật...

Ở đây, một phần là do nguyên nhân khách quan, có thể công tác chuẩn bị rất tốt rồi, nhưng vẫn có những vấn đề phát sinh mới. Ví dụ như tại Chùa Hương, từ hành động bột phát của nhà sư đã dẫn đến việc lộn xộn khi phát lộc. Hay như tại lễ hội đền Gióng, lộn xộn xảy ra do tranh cướp lộc hoa tre.

Tâm lý của người Việt Nam chúng ta là đầu năm đi lễ hội với mong muốn sau việc thực hành nghi lễ, có được lộc mang về cho mình trong cả năm.

Tôi cho rằng tâm lý như vậy sẽ chi phối hành vi của người ta, khi nghe nói rằng có lộc thì chắc chắn xảy ra hiệu ứng đám đông và hành vi xô cướp. Từ phía cơ quan quản lý và từ góc độ nghiên cứu, tôi cho rằng, cần tuyên truyền vận động để thuyết phục người dân nhận thức được rằng không phải cứ tranh giành, cướp cho bằng được mới gọi là có lộc.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, hoạt động lễ hội gắn liền với những phong tục tập quán, những tín ngưỡng dân gian của người dân. Cũng vì những tín ngưỡng này, nhiều người dân đã tham gia cầu khấn và có nhiều hành động phản cảm dẫn tới sự quá tải, hỗn loạn, đặc biệt là tình trạng tranh cướp lộc. Theo bà, làm sao để thay đổi được điều này mà vẫn gìn giữ được những tập quán, tín ngưỡng của người dân?

{keywords}
Bà Trịnh Thị Thuỷ, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở trao đổi với Góc nhìn thẳng về hoạt động lễ hội năm 2017 (ảnh: VietNamNet)

Bà Trịnh Thị Thủy: Trên thực tế, hoạt động lễ hội cũng như ứng xử trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi.

Những năm trước đây dư luận cũng đã từng phản ánh rất nhiều tập tục, ví dụ như tục đốt nhiều vàng mã trong các mùa lễ hội, ngày lễ, hoặc thắp rất nhiều hương khi đi đền, đi chùa, hoặc như việc đặt tiền lễ, tiền giọt dầu với nhiều biểu hiện lộn xộn.

Trong những năm gần đây, với sự tuyên truyền và bằng những văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước, những hoạt động đó đã thấy nhiều thay đổi, điều chỉnh. Vì vậy tôi cho rằng sự thay đổi, điều chỉnh là hoàn toàn có thể.

Tuy nhiên, chúng ta cũng biết để thay đổi một thói quen, quan điểm, nhận thức về tín ngưỡng của con người cần cả một quá trình. Việc này đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền địa phương nơi diễn ra các hoạt động lễ hội.

Cần nhiều biện pháp, hình thức tuyên truyền vận động để cộng đồng hiểu được giá trị văn hóa của lễ hội để có cách ứng xử và thực hành tín ngưỡng đúng đắn nhất, đảm bảo tính thành kính, trang nghiêm của lễ hội.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, từ nay cho đến tháng Ba sẽ có rất nhiều lễ hội diễn ra, theo bà, chúng ta cần phải ngay điều gì để mùa lễ hội này không xảy ra những hiện tượng phản cảm như vừa nêu?

Bà Trịnh Thị Thủy: Thực ra để có những hành động ngay lập tức thì rất khó, vì chúng tôi cần cả một quá trình chuẩn bị. Nhưng cần gấp nhất là việc chính quyền địa phương, đặc biệt là địa bàn có diễn ra hoạt động lễ hội cần nâng cao trách nhiệm, cũng như phải quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra giám sát và xử lý sai phạm.

Tôi cho rằng như vậy các vấn đề tiêu cực phát sinh trong lễ hội sẽ dần dần giảm đi. Ðặc biệt, cần xây dựng trước các kịch bản đối với những vấn đề nổi cộm trong lễ hội để chủ động đối phó, không để bị động, lúng túng trong thực tế.

Nhà báo Phạm Huyền: Ðược biết là chiều nay, bà sẽ tham gia một đoàn công tác của Bộ Văn hoá- Thể thao và du lịch tới tham dự lễ hội đền Trần diễn ra vào tối và đêm nay, bà hy vọng điều gì ở lễ hội này?

Bà Trịnh Thị Thủy: Ngay chiều nay, Cục sẽ có đoàn công tác xuống Nam Ðịnh tháp tùng lãnh đạo Bộ, buổi chiều đoàn sẽ kiểm tra công tác chuẩn bị, còn tối thì ở đó giám sát các hoạt động tại lễ hội đền Trần.

Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, điều chúng tôi mong muốn nhất là giảm thiểu được những vấn đề nổi cộm như ném tiền vào kiệu trong lễ rước kiệu, hay việc tranh cướp lộc khi lễ khai ấn vừa tiến hành xong.

Giảm thiểu những phản cảm ở lễ khai ấn này là một hi vọng của chúng tôi. Tuy nhiên, thực tế thì có thể, chưa chắc những phản cảm ấy sẽ không diễn ra nhưng tôi hi vọng rằng, nó sẽ không diễn ra trong lễ khai ấn đềm nay. Tôi hi vọng là như vậy.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn bà!

Xem thêm: Tết tiết kiệm là người dân nên chia sẻ khó khăn với đất nước

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Huy Phúc, Đức Yên, Bạt Tuấn

Email: gocnhinthang@vietnamnet.vn