- Mức độ huy động thuế, phí của VN thuộc loại rất cao và là gánh nặng đè lên vai người dân.  TS Nguyễn Đức Thành cho rằng nên thay đổi cách thu và giảm thuế phí. 

Nhà báo Phạm Huyền: Thuế, phí nặng đè vai người dân, doanh nghiệp luôn là vấn đề đã được nhắc đến nhiều lần. Vừa qua, vấn đề này lại được hâm nóng thêm tại Quốc hội.

Góc nhìn thẳng mời TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội để trao đổi thêm về vấn đề này.



Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, trong số nhiều loại thuế phí hiện nay, điều dễ thấy nhất gánh nặng phí giao thông đường bộ. Trên thực tế, tuy người dân đã phải đóng phí bảo trì đường bộ nhưng khi lưu hành xe liên tỉnh, người dân vẫn phải đóng thêm cả trăm nghìn tiền phí cầu đường. Chỉ một đoạn 90km từ Hà Nội xuống Thái Bình chẳng hạn, chủ xe ô tô con sẽ mất thêm 125.000 nghìn tiền phí cầu đường- cao ngang tiền xăng. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?

TS Nguyễn Đức Thành: Hiện tượng chúng ta thấy phản ánh trạng thái về tài chính công cũng như cách xử lý tài chính công của chúng ta ở trong việc xử lý thu phí đường bộ rất là rõ. Trên một quãng đường ở đồng bằng Sông Hồng hoặc miền Đông Nam Bộ chẳng hạn, chỉ trong 100-150km, rất nhiều trạm thu phí lặt vặt, mỗi lượt khoảng 30-50 nghìn đồng, làm người tham gia giao thông rất khó chịu.

Nó cũng làm chậm tiến trình lưu thông lại. Điều đó phản ánh quyền lợi bị chia cắt giữa người thu phí và các địa phương ở đó. Họ duy trì trạng thái như vậy, vì đường sá hay các công trình giao thông khác được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn đầu tư khác, nên nguồn thu bị chia cắt như vậy.

Điều này không chỉ đúng với việc thu phí đường bộ mà còn đúng với hệ thống thu của Việt Nam. Nó làm cho người ta cảm thấy rất phiền hà, làm cho người dân cảm giác gánh nặng về thuế phí rất cao.

Trên thực tế, khía cạnh thu của chúng ta áp đặt cho người dân là không hề nhỏ, tạo ra trạng thái khiến doanh nghiệp cảm thấy hoạt động kinh doanh bị cản trở, hoạt động lưu thông sản xuất bị ảnh hưởng rất là nhiều.

Nhà báo Phạm Huyền: Nhìn vào tổng thể, ông thấy mức độ huy động từ thuế phí đối với người dân, doanh nghiệp hiện nay ở mức độ nào? Theo ông, mức độ này là cao là thấp hay là vừa phải phù hợp với thực lực nền kinh tế và thu nhập của người dân, doanh nghiệp hiện nay?

TS Nguyễn Đức Thành: Nếu nhìn từ góc độ kinh tế học, về thống kê tổng thể Việt Nam là một trong những nước mà Chính phủ, Trung ương có nguồn thu từ người dân tính trên tổng thu nhập của xã hội rất là cao, có thể nói là cao nhất so với các nước mức thu nhập và cùng trình độ phát triển, cao hơn tỷ lệ này ở Trung Quốc và chỉ kém một nước trong khu vực là Malaysia, nhưng Malaysia là nước có thu nhập trên đầu người rất là cao, với Việt Nam là cách rất xa rồi.

Với Việt Nam, gánh nặng về thu, bất kể là nguồn nào đối với xã hội là rất cao. Đó là sự thực về thống kê.

Nhưng nhìn vào các nguồn thu của chúng ta, có đặc điểm rất rõ là nguồn thu bị manh mún, bị phân ra nhiều loại. Nếu chỉ nhìn vào một số loại thu cơ bản thì thuế suất không phải là cao lắm.

Ví dụ nguồn thu ở thuế thu nhập doanh nghiệp chẳng hạn, hiện nay chủ trương của Chính phủ là hạ thuế suất tương đối thấp, để cạnh tranh với các nước trong khu vực, duy trì đầu tư vào Việt Nam, nếu không họ sẽ chạy đi các nước khác mất. Hoặc thuế thu nhập cá nhân tỷ lệ huy động chưa phải là cao.

Thế nhưng, chúng ta lại có rất nhiều khoản thu khác để tái bổ sung nguồn thu như phí môi trường, phí đường bộ, hay kể cả là một hiện tượng rất không hay, là phí bảo hiểm xã hội thu rất cao, hơn 30%. Nguồn sử dụng như thế nào thì chưa rõ. Nhưng rõ ràng, có khuynh hướng bù đắp.

Nhà báo Phạm Huyền: Trong hàng chục loại thuế, phí, cá nhân ông thấy những loại thuế, phí nào nên giảm và có thể giảm như việc Chính phủ vừa bỏ phí bảo trì đường bộ đối với xe gắn máy kể từ 1/1/2016 tới?

TS Nguyễn Đức Thành: Hiện nay, thuế, phí hiện nay nhiều, bạt ngàn như vậy, tính tổng lại rất là cao. Làm thế nào để giảm xuống, đảm bảo quyền lợi của nhân dân. Tôi nghĩ trước khi tìm ra loại thuế, phí nào để giảm thì phải tính việc thu các khoản đó về một mối lớn để quản lý, thay vì cách thu số lượng tràn lan hiện nay.

Ví dụ, đơn giản thôi, giống như thu phí đường bộ, trên con đường dài 100-150km, không dài, có thể chỉ cần 1 trạm thu phí, nhưng phải thu cao, có thể là 120 -130 ngàn để phù hợp với nền kinh tế, thu hồi vốn cho con đường đó. Thay vì chúng ta có 7 trạm thu phí, mỗi trạm 15-20 ngàn, rải rác thì làm cho tâm lý người lái xe rất ức chế.

Các loại thuế phí khác cũng như vậy, thay vì thu tràn lan, khắp nơi thì ta thu lại về số lượng đã, vừa làm cho người dân dễ chịu hơn, vừa dễ quản lý cho cơ quan quản lý Nhà nước hơn.

Sau đó, chúng ta mới tính toán việc giảm hay thay đổi, hoặc có thể là tăng một số khoản khác, làm sao để hướng tới tăng hiệu quả việc thu và sử dụng đồng tiền Ngân sách. Đó là cái chúng ta phải làm hiện nay.

Nhà báo Phạm Huyền: Hiện nay ngân sách nhà nước đang ở giai đoạn khó khăn, vậy theo ông nên làm thế nào để một mặt đảm bảo ngân sách nhưng mặt khác, vẫn phải khoan sức, để người dân, doanh nghiệp cảm thấy dễ thở hơn với trách nhiệm đóng thuế phí, có nguồn lực để triển sản xuất kinh doanh?

TS Nguyễn Đức Thành: Tôi nghĩ đây không phải là một cách nhìn mà là một nhu cầu mà Chính phủ cần nghiêm túc xem xét lâu dài cho đất nước. Nếu không, người dân và doanh nghiệp phải chịu quá nhiều khoản thu thì khả năng sản xuất sẽ bị thu hẹp lại, cơ sở đánh thuế bị thu hẹp lại. Như vậy, nguồn thu cũng giảm đi mà phúc lợi của người dân cũng bị giảm đi.

Chúng ta phải có chiến lược rất rõ về cải cách lại nguồn thu, giảm những nguồn thu thực, không phải là danh nghĩa. Vì nhìn vào danh nghĩa, chúng ta có thể không phải là nước có nhiều khoản thu nặng như các nước khác, như tỷ lệ thuế suất chẳng hạn, nhưng nguồn thu phí chính thức, làm phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp cũng là nguồn thu, hay những nguồn thu khác của Nhà nước thu gián tiếp như thuế môi trường xăng dầu, phí đường bộ, cuối cùng cũng chạy vào ngân sách để bù đắp cho việc giảm thuế xuất nhập khẩu khi chúng ta hội nhập sâu, hay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh, dù là về danh nghĩa, thì đều không đạt được mục đích.

Cuối cùng, chúng ta phải làm sao cải cách để giảm thưc sự đóng góp thuế phí cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp được giảm mức thuế phí thì có thể, sản xuất kinh doanh của họ mạnh lên, nguồn thu sẽ tăng lên chứ không giảm đi do giảm thuế suất.

Bên cạnh đó, bên cạnh việc cải cách tài chính công, chúng ta cải cách về thể chế, về hành chính để doanh nghiệp bớt chi phí giao dịch trong quá trình sản xuất đi, họ càng sản xuất tốt hơn, mở rộng tốt hơn, thì đất nước phồn thịnh hơn, theo đó, nguồn thu sẽ tốt đẹp hơn, mọi người sẽ vui vẻ hơn.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông Nguyễn Đức Thành về cuộc trao đổi. Kính chào quý vị và hẹn gặp lại. 

VietNamNet