Với cú sập sàn của chứng khoán Trung Quốc hôm 4/1 vừa qua, thị trường chứng khoán toàn cầu lại một phen chao đảo ngay tuần làm việc trở lại đầu tiên của năm mới 2016. Liệu những diễn biến khó lường này có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

Xin kính mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe ý kiến trao đổi của Ths Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và nghiên cứu, công ty chứng khoán SSI với Góc nhìn thẳng của VietnamNet về hiện tượng này.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, thị trường chứng khoán Trung Quốc mới đầu năm đã sụt giảm nghiêm trọng, giảm 7% nhưng 2 ngày vừa qua, chứng khoán nước này cũng có chút hồi phục nhẹ. Ông đánh giá thế nào về điều này và ông có so sánh sự sụt giảm lần này so với các đợt sụt giảm trước của chứng khoán Trung Quốc?

Ths Nguyễn Đức Hùng Linh: Dường như chúng ta, hoặc là thị trường đang có những phản ứng thái quá. Với thị trường chứng khoán Trung Quốc, với các giới nhà đầu tư, chỉ một lượng tiền nhỏ được bỏ vào thị trường chứng khoán Trung Quốc và ngay cả khi trong trường hợp thị trường chứng khoán giảm rất mạnh, cũng ảnh hưởng không nhiều đến mức độ tài sản của người dân và nó cũng không làm cho nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng sâu.

{keywords}

Ngày 24/8/2015, thị trường Trung Quốc giảm 8,5%, ngày 25/8/2015, chỉ số này giảm khoảng 7,6%. Đây là mức giảm rất sâu. Và ngày 24/8, thị trường chứng khoán thế giới giảm cũng rất là mạnh, cũng rất hoang mang với vấn đề Trung Quốc. Chỉ số MSCI của thế giới giảm khoảng 4,3% trong ngày 24/8, rất giống với những gì đã xảy ra trong ngày 4/1/2016 vừa rồi.

Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, các thị trường chứng khoán thế giới, cụ thể là thị trường châu Âu đã tăng trở lại. Thị trường Mỹ 2 ngày sau đó cũng tăng trở lại với mức tăng rất là cao. Nghĩa là, thị trường có những phản ứng nhất thời và sau đó, sẽ điều chỉnh theo hướng nêu giảm quá thì sẽ tăng trở lại và nếu tăng quá thì sẽ giảm trở lại.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, tháng 8 năm ngoái, chứng khoán Trung Quốc đã có một đợt sụt giảm rất là mạnh. Và có những ước tính rằng, chứng khoán Trung Quốc đã giảm gần 50%, giá trị vốn hoá mất gần 5.000 tỷ USD. Thêm một cú sập sàn như vậy ngay ở ngày đầu tiên đi làm trở lại, nhiều nhà đầu tư lo ngại đây là chỉ dấu cho năm khủng hoảng kinh tế Trung Quốc. Theo ông, liệu lo ngại này có cơ sở không?

Ths Nguyễn Đức Hùng Linh: Kể cả phiên giảm rất mạnh hôm 4/1 vừa rồi, chỉ số Shanghai Composite Index mới chỉ giảm xuống ngang mức của đầu năm 2015. Như vậy, toàn bộ phần tăng của năm 2015 đã giảm và chỉ số trở lại coi như cân bằng.

Về định giá của thị trường chứng khoán Trung Quốc, theo chỉ số Shanghai composite Index, mức P/E hiện tại đang là 14. Mức 14 vẫn cao hơn khoảng 30-40% so với mức P/E nhiều năm trước đó của thị trường Trung Quốc. Trước đó, P/E của Trung Quốc giao dịch khoảng 10-11.

Như vậy, thị trường Trung Quốc có điều chỉnh, theo hướng giảm lại những cái gì đã tăng trước đó, chứ không phải là dấu hiệu cho thấy sẽ khủng khoảng. Ngay cả việc thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể giảm thêm 20-30% nữa, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại không có nghĩa là kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng. Hiện tại, tăng trưởng Trung Quốc vẫn là mức cao, trên 6%.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc có một dư địa rất là lớn để tránh việc kinh tế Trung Quốc có thể rơi vào khủng hoảng hay chúng ta thường gọi là hạ cánh cứng. Mặc dù là có giảm, nhưng chúng ta không nên quá lo ngại.

Nhà báo Phạm Huyền: Như ông nói, ông có niềm tin lạc quan vào khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế Trung Quốc. Đó cũng là một dự báo. Nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn có những dự báo rằng, khả năng nền kinh tế Trung Quốc vẫn rơi vào khủng hoảng.

Đặc biệt, sáng 6/1, hãng Bloomberg đã đưa ra dự báo chứng khoán Trung Quốc giảm gần 30% vào năm 2016. Kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp vấn đề về mô hình tăng trưởng hay nợ công. Nếu như những tình huống xấu như vậy xảy ra ở Trung Quốc thì sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam và làm thế nào để giảm thiểu các tác động tiêu cực?

{keywords}

Ths Nguyễn Đức Hùng Linh: Chúng ta nhập siêu từ Trung Quốc. Như tôi nói, khi giá hàng hoá Trung Quốc giảm, sẽ cạnh tranh rất mạnh tới hàng hoá Việt Nam và ảnh hưởng đến sản xuất của Việt Nam. Biện pháp để hạn chế, chúng ta phải dùng hàng rào về kỹ thuật, thuế quan và các biện pháp khác để hạn chế ảnh hưởng từ phía Trung Quốc như vậy.

Việc chúng ta ký kết TPP cũng là một bước đi rất quan trọng để theo hướng chuyển dịch sang các thị trường, tăng cường được sản xuất của Việt Nam trong thời gian tới.

Nói về thị trường chứng khoán, tôi chắc chắn một điều là, thị trường chứng khoán luôn luôn có những xao động trong ngắn hạn, bởi đó là thị trường của đám đông. Tâm lý đám đông rất đặc thù. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ lại những năm vừa rồi, yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán nhiều nhất lại là tăng trưởng kinh tế.

Nếu như tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không giảm quá sâu, vẫn duy trì ở mức ổn định 6-7%, như vậy, nhu cầu hàng hoá vẫn có, có thể vẫn có tăng trưởng ổn định, nó giảm so với trước nhưng sau đó nó đi vào ổn định thì mức độ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam sẽ không quá lớn.

Thị trường chứng khoán bất kỳ quốc gia nào phụ thuộc vào yếu tố nội tại là cơ bản nhất, lớn nhất. Thay vì nhìn quá nhiều vào Trung Quốc, như tôi nói, Trung Quốc không quá xấu, chúng ta phải nhìn kỹ vào tình hình của Việt Nam, nội tai của Việt Nam có những rủi ro gì, rủi ro lớn đến đâu mới có thể dự báo được xu hướng của thị trường chứng khoán.

Xin cảm ơn ông!

VietNamNet