Các thế lực thù địch không ngừng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt.

{keywords}
 

Để nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tác động từ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên cần tuân thủ 3 nguyên tắc sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Tăng cường quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, trong đó cần chú ý quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 34/CT-TW, ngày 17-4-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa”; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”…

Hai là, nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tham gia đấu tranh nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin sai trái, thù địch với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trong tuyên truyền đấu tranh, phải thực hiện nhất quán chủ trương “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “dùng tích cực để đẩy lùi tiêu cực”, lấy “xây” để “chống”. Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng dư luận, kiên quyết đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc khác, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc.

Ba là, nâng cao ý thức tự giác, kỷ luật trong quá trình tiếp xúc thông tin; nắm vững và chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, Luật Tiếp cận thông tin và Luật An ninh mạng. Khi tham gia mạng xã hội, mọi cán bộ, đảng viên cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn, chia sẻ thông tin, trước khi đưa ra ý kiến về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó, đảng viên cần có bản lĩnh, trí tuệ, thiện chí, tỉnh táo xem xét… không để bị cuốn theo cảm xúc của số đông, không phát ngôn cảm tính, không phán xét tùy tiện, không khơi mào ý kiến tiêu cực… Chỉ có như vậy, đảng viên mới có thể góp phần bảo vệ, giữ vững uy tín của Ðảng, bảo vệ và giữ vững uy tín của chính mình. Cán bộ, đảng viên có quyền tham gia mạng xã hội nhưng phải luôn nghiêm túc thực hiện điều lệ và quy định kỷ luật của Ðảng, của tổ chức mà mình là thành viên, đồng thời thể hiện là những công dân gương mẫu.

Mạng xã hội là một “mặt trận” ngày càng phức tạp mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để thúc đẩy chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam”.

Do đó phải nhìn nhận đúng đắn cả mặt tích cực và tiêu cực, nhận diện và quản lý những tác nhân gây ảnh hưởng để bảo vệ, phát huy những giá trị tiến bộ được xã hội thừa nhận.

Đồng thời hạn chế, đẩy lùi, triệt phá những tác động tiêu cực bằng những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, góp phần vào công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Bảo Phùng, Diệu Bình