Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đưa ra tại Hội thảo trực tuyến “Kinh tế tuần hoàn tại các thị trường mới nổi: Tiềm năng phục hồi xanh tại khu vực châu Á đang phát triển," diễn ra chiều 2/6.

Tại phiên thảo luận có chủ đề “Từ tuyến tính tới tuần hoàn-điều gì sẽ xảy ra?," Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu, thay đổi nhận thức của người dân trên toàn thế giới, càng làm sâu sắc thêm yêu cầu về thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững.

{keywords}
Mục tiêu của Việt Nam khi chuyển dịch từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn tập trung vào 3 trụ cột: thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái." Ảnh minh họa

Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21. Đây là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái Đất.

Thực hiện kinh tế tuần hoàn là cách thức để Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng, đồng thời tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân, cộng đồng và thế giới tự nhiên.

Việt Nam đã thể chế hóa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường. Mục tiêu của Việt Nam khi chuyển dịch từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn tập trung vào 3 trụ cột: thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái.

Đối với mục tiêu thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu, Việt Nam tập trung vào thiết kế sản phẩm và quy trình công nghệ tạo ra sản phẩm nhằm hạn chế tối đa khai thác nguyên liệu thô, á kim, phi kim, năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, sinh khối; đồng thời loại bỏ chất thải và chất ô nhiễm trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm từ thiết kế, khai thác, chế biến, sản xuất, phân phối, tiêu dùng, thu gom, phân loại, xử lý chất thải, và khai thác lại chất thải.

Thiết kế được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá quyết định 80% chất thải tạo ra trong nền kinh tế, do đó, Việt Nam cho rằng đây là khâu đột phá quyết định.

Đối với mục tiêu giảm rác thải, phát thải, Việt Nam hướng tới giữ cho các sản phẩm và vật liệu được lưu dùng tối đa trong nền kinh tế thông qua chiến lược 9R (từ chối, tiết giảm, tái phân phối/tái sử dụng, tu sửa, tân trang, tái sản xuất, thay đổi mục đích, tái chế, thu hồi năng lượng và tái khai thác rác thải).

Với mục tiêu khôi phục hệ sinh thái, Việt Nam hướng tới thúc đẩy tái tạo và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên.

Khi thực hiện kinh tế tuần hoàn, Việt Nam không chỉ hướng tới mục tiêu giảm thiểu khai thác nguyên liệu thô, nhiên liệu hóa thạch, rừng nguyên sinh, nguồn nước tự nhiên và giảm thiểu rác thải, phát thải khí nhà kính, giảm thiểu chôn rác và đốt rác không thu hồi năng lượng... mà còn đặt mục tiêu tái tạo hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ, bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên đất, nước, rừng, biển và đa dạng sinh học, bảo vệ sinh vật sống trên cạn, dưới nước.

Đây cũng là mục tiêu của Liên hợp quốc và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc thực hiện một Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái từ 2021 tới 2030, được phát động trong tháng 6, nhân ngày Môi trường thế giới 5/6.

“Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, trong tháng Hành động vì môi trường và một thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái này, chúng tôi đã và đang phát động nhiều chương trình cung cấp thông tin và khuyến khích thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhằm mục tiêu thúc đẩy thiết kế sinh thái, thúc đẩy các quy trình kinh tế tuần hoàn, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững và nhằm đảm bảo rằng chất thải và ô nhiễm được ngăn chặn, các nguồn lực vốn tự nhiên được lưu giữ và sử dụng tối đa trong nền kinh tế," Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn, cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác...

Hằng Nga