Theo đó,

Chữ G đầu tiên Giao: Phải dành nguồn lực, tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thuỷ lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự liên kết, kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu.

Nghị quyết 120 đưa ra tinh thần là thuận thiên - là thích ứng nhưng không phải chúng ta giao cho trời đất tác động thế nào cũng được. Mà cái chính là các công trình giao thông thuỷ lợi phải được quan tâm, nơi sạt lở, gây mất mát cho đồng bào phải được quan tâm.

{keywords}
Ảnh minh họa

Chữ G thứ hai là Giáo: Đó là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Giáo dục là chìa khoá vàng của phát triển bền vững cho ĐBSCL. Giáo dục vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Hệ thống giáo dục của vùng cần chú trọng nội hàm mô típ giáo dục, giáo dục và giáo dục.

Giáo dục thứ nhất là giáo dục cơ bản, đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em cần phải học hết bậc phổ thông, không được phép để trẻ em nào không được đến trường vì điều kiện tài chính.

Giáo dục phổ thông là nhân tố rất quan trọng để đưa ĐBSCL tiến bước, sánh vai cùng các vùng khác.

Giáo dục thứ hai là giáo dục nghề, đảm bảo người dân có cơ hội tiếp cận việc làm cơ bản.

Giáo dục thứ ba là giáo dục trình độ cao, là cơ sở chuyển đổi bậc cao hơn về năng suất và thu nhập, bao gồm cả quản lý cao cấp.

Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề giáo dục đào tạo chưa được nổi bật và sắc nét trong Nghị quyết 120, đề nghị bổ sung một số nội dung trọng tâm về vấn đề này vào Nghị quyết.

Chữ G thứ 3 Giang (sông):ĐBSCL là vùng sông nước, kinh tế và sinh kế người dân nơi đây đều gắn liền với sông như Tiền, Hậu.

Chiến lược phát triển cần tận dụng lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông, đặc biệt là hệ logistics đường sông mới thành công. 

Thủ tướng đề nghị nghiên cứu khái niệm "kinh tế sông", giao thông thuỷ nội địa ĐBSCL là vấn đề lớn, cần nghiên cứu hệ thống hơn để phát triển. “Kinh tế sông” cần bổ sung vào tinh thần mới của Nghị quyết 120 sửa đổi tới đây.

Chữ G thứ 4 Gắn, là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, giữa Nhà nước với thị trường, giữa người dân với doanh nghiệp, giữa trong nước với quốc tế, đặc biệt gắn với liên kết vùng để cùng phát triển bền vững. 

Chữ G thứ 5 “Giàu”. Tích cực thu hút được những người giàu, người khá giả, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Để có nguồn lực phát triển cần phải xây tổ đón ‘đại bàng”. Muốn vậy cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi địa phương.

Chữ G thứ 6 “Giỏi”, tích cực thu hút những tài năng đóng góp chất xám, trí tuệ cho sự phát triển ĐBSCL. Do đó, cần có chính sách chung thu hút giới tài năng trở về hoặc đến đóng góp vì sự phát triển của vùng đất Chín Rồng này. Vấn đề này vẫn chưa được đề cập trong Nghị quyết 120, đây là một thiếu sót, Thủ tướng đề nghị phải phát huy vai trò, thu hút tốt hơn nữa những tài năng đến với ĐBSCL.

Chữ G thứ 7 “Già”. ĐBSCL có mức độ dân số già hóa cao hơn bình quân cả nước. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về mặt kinh tế xã hội lẫn môi trường.

Do đó, ĐBSCL cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để nâng đỡ phúc lợi cho người già và những người yếu thế. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120 chúng ta thấy vấn đề già hóa dân số đang nổi lên nhưng nội hàm này vẫn còn thiếu trong Nghị quyết, cần được bổ sung, hoàn thiện.

Chữ G thứ 8 “Giới”, là thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ. Thủ tướng đề nghị đưa vấn đề này vào Nghị quyết 120.

Tư Giang