Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã được thông qua nêu rõ, để phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới về nông nghiệp tỉnh sẽ đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản An Giang.

{keywords}
Thời gian qua, Nông Nghiệp An Giang đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: C.M

Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp với phương châm "thị trường hóa hoạt động nông nghiệp để ổn định đầu ra cho nông sản; công nghiệp hóa và công nghệ hóa nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng; dịch vụ hóa nông nghiệp để tăng cường chuyên môn hóa và cải thiện hiệu quả; nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững".

Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả Kết luận số 81-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về "Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030".

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo giá trị sản xuất cao gắn với thị trường. Phát triển các loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Thu nhập của nông dân tăng lên

Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của An Giang đạt 29 triệu đồng/người, nhưng đến năm 2020, ước tăng lên 49 triệu đồng/người. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 192 triệu đồng/ha, tăng 63 triệu đồng so với năm 2015.

Điều này cho thấy, những nỗ lực trong tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thời gian qua của tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực.

Thực tế cho thấy, trong 5 năm qua, An Giang đã chuyển đổi được gần 22.600 ha từ lúa sang rau màu và cây ăn trái, thực hiện cải tạo vườn tạp, kém hiệu quả sang cây trồng mới theo hướng chuyên canh, tăng hiệu quả kinh tế.

Các mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với mô hình sản xuất lúa ba vụ hiện nay. Đơn cử, lợi nhuận từ sản xuất 3 vụ lúa chỉ mang lại thu nhập cho người nông dân bình quân từ 40 triệu – 45 triệu đồng/ha, thì mô hình sản xuất các loại rau ăn lá cho lợi nhuận dao động từ 120 - 150 triệu đồng/ha/năm. Hay, mô hình cây ăn trái sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu cũng đem lại lợi nhuận gấp 3-5 lần so với trồng lúa.

Cùng đó, các mô hình như trồng bưởi tại An Giang cũng đạt 700-800 triệu đồng/ha sau 3 năm đầu tư; trồng nhãn cho lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng/ha sau 2 năm đầu tư.

{keywords}
 
{keywords}
Nỗ lực trong tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thời gian qua của tỉnh An Giang đã mang lại hiệu quả tích cực. Ảnh: C.M

Ngoài ra, An Giang cũng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn như: trái cây tại Tri Tôn, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú…; rau màu ở Châu Phú, Chợ Mới, An Phú…; lúa nếp Phú Tân, Châu Phú gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo chất lượng và nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp An Giang cũng mạnh dạn chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung. Đến nay, toàn tỉnh có 9 doanh nghiệp thực hiện đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi lợn, gà, bò với hàng chục ngàn con. Lợi nhuận từ các mô hình chăn nuôi trang trại tập trung cao hơn lợi nhuận thu được từ mô hình chăn nuôi nông hộ khoảng 7 – 8%.

Song, theo đánh giá những kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của nông nghiệp An Giang. Một trong những nguyên nhân là do công tác dự báo nhu cầu thị trường đối với các mặt hàng nông sản còn hạn chế, việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn khiêm tốn, hạ tầng cho nông nghiệp chưa được đầu tư đúng mức.

Tiềm năng của ngành nông nghiệp 

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ, là tỉnh đầu nguồn nên điều kiện tự nhiên của An Giang thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh đã mời gọi đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống thủy sản như cá nàng hai, cá lăng nha, chạch lấu, lươn, cá chép … mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao cho người nuôi.

Hiện, An Giang cũng là tỉnh sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực độc quyền cung cấp cho vệ tinh ương tại các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Kiên Giang... Cũng là tỉnh chuyên sản xuất, cung cấp các giống thủy sản cho vùng ĐBSCL.

An Giang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung, công nghệ cao, được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế.

Riêng Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang đạt được một số kết quả nhất định, góp phần gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp nuôi, cung cấp cá giống chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 81, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, thời gian tới, An Giang đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần diện tích lúa ở những vùng canh tác không hiệu quả; tạo giá trị sản xuất cao hơn gắn với nhu cầu thị trường; khuyến khích phát triển các loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khép kín trên các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh như: lúa, cá, rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi...

{keywords}

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống thủy sản cũng mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao cho người nuôi ở An Giang. Ảnh: C.M

 

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh có kế hoạch đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ để nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản.

Cụ thể, An Giang sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực, tập trung vào 3 nhóm sản phẩm là gạo - nếp, thủy sản và cây ăn quả, gắn với thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; tăng cường năng lực dự báo, xúc tiến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản nông sản của địa phương.

Định hướng phát triển kinh tế trong 5 năm tới, An Giang sẽ tập trung đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp theo trục thủy sản - trái cây - lúa gạo, phát triển các ngành hàng có lợi thế, trong số đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm.

Sở NN&PTNT An Giang cũng đề ra mục tiêu quyết tâm trong 5 năm tới phấn đấu tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp bình quân 2,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người nông thôn đến năm 2025 đạt 68 triệu đồng/người/năm; số xã đạt chất nông thôn mới tăng thêm ít nhất 28 xã; diện tích sử dụng giống lúa xác nhận đạt trên 80%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 95%...

T.Chí