Phát triển hạ tầng giao thông để tăng kết nối, khẳng định diện mạo mới

Trò chuyện với VietnamNet, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang Nguyễn Phú Tân cho hay, An Giang là 1 trong 4 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, có lợi thế về địa lý với gần 100km đường đường biên giới giáp 2 tỉnh Kandal và Tàkeo (Vương quốc Campuchia), 2 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên và Vĩnh Xương), 2 cửa khẩu quốc gia (Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông) và nhiều cửa khẩu phụ dọc biên giới hai nước.

An Giang cũng là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL với Campuchia và các nước thành viên ASEAN.

Theo ông Tân, xác định tập trung phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh.

{keywords}
Hạ tầng giao thông An Giang đang được đầu tư, phát triển từ đó tạo sức bật phát triển kinh tế của tỉnh

Trong những năm qua, An Giang đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

An Giang có 153Km quốc lộ (QL 91, QL 91C, QLN1); 19 tuyến đường tỉnh với chiều dài 530Km và hệ thống đường giao thông nông thôn hiện có 4.270Km.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường thủy của An Giang có 314 tuyến, với tổng chiều dài là 2.708Km. Trong đó, Trung ương quản lý có 14 tuyến; Sở GTVT hiện đang G quản lý 22 tuyến dài 512Km; các huyện, thị xã, thành phố quản lý 278 tuyến dài 1.824Km.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, triển khai thực hiện các Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, An Giang đã huy động được nhiều nguồn vốn đầu như: nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn ngoài ngân sách xã hội hóa thông qua mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư; từ các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với các chương trình khác và sự đóng góp của nhân dân để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Kết quả đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới tỉnh, tạo lập được sự kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL và với quốc tế. 

{keywords}
 
{keywords}
Cầu Vàm Cống thông xe, hàng hóa, đặc biệt là nông - thủy sản của An Giang sẽ tỏa đi các tỉnh, thành phố nhanh hơn, giá thành sẽ hạ, sức cạnh tranh nhờ đó gia tăng, mở ra cơ hội đón làn sóng đầu tư trong và ngoài nước

Cụ thể, về đầu tư xây dựng các công trình, dự án từ nguồn vốn Trung ương và tỉnh, An Giang đã hoàn thành các dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn gồm: dự án cầu Vàm Cống thay thế bến phà Vàm Cống; dự án xây dựng mới thay thế 14 cầu yếu trên QL 91; dự án kiên cố hóa sạt lở QL91, dự án Lramp (xây dựng 39 cây cầu dân sinh), dự án xây dựng cầu Long Bình…

Bên cạnh đó, An Giang còn được Trung ương hỗ trợ vốn để xây dựng các công trình trọng điểm như: dự án nâng cấp đường tỉnh 955A; 948; 945; 957 và Cầu Tân An...

Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hàng chục dự án trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế xã hội cho địa phương bằng nguồn ngân sách tỉnh như: nâng cấp các đường tỉnh: 941; 942 ; 943; 944; 960...

Hoàn thành việc gia cố mở rộng Cầu Tôn Đức Thắng. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương chuyển các tuyến ĐT 848 (Đồng Tháp); ĐT.942; ĐT.954; ĐT.952 lên QL80B.

Phối hợp với Campuchia vận hành khai thác cầu Long Bình - huyện An Phú. Thực hiện đầu tư xây dựng các công trình, dự án từ nguồn vốn ngoài ngân sách thông qua mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư 2 dự án gồm: BOT cầu Vĩnh Lộc - An Phú kết nối hệ thống giao thông địa phương với QL91C và dự án Nâng cấp Bến Khách Đa Phước - Châu Phong với tổng kinh phí đã huy động được 235 tỷ đồng từ nguồn vốn của doanh nghiệp và vốn vay.

Giám đốc Sở GTVT An Giang cho biết thêm, một số các dự án trọng điểm của tỉnh đang tiếp tục được triên khai như: dự án cầu Châu Đốc bằng hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 821 tỷ đồng, đã thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; dự án tuyến nối QL 91 và đường tránh Long Xuyên có tổng chiều dài 17,3km, quy mô xây dựng đường cấp III đồng bằng với 2 làn xe, tổng kinh phí dự kiến 2.200 tỷ đồng, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Đối với công tác duy tu sửa chữa An Giang cũng đã triển khai công tác duy tu, sửa chữa cho 2 Quốc lộ 91C và N1 và 18 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 513Km, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, kịp thời.

Ngoài ra, còn thực hiện việc lặp lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ ở các huyện An Phú, Tịnh Biên, Tri tôn.

Trong 5 năm qua, về quản lý chất lượng và thẩm định công trình giao thông, An Giang đã thẩm định tổng số 307 hồ sơ, sau thẩm định đã giảm trừ theo tiêu chuẩn, định mức, tiết kiệm cho ngân sách hhà nước gần 213 tỷ đồng.

An Giang hiện có 101 bến thủy nội địa được công bố giấy phép hoạt động thuộc phạm vi quản lý của Cảng vụ Đường thủy nội địa Cái Dầu; Cảng vụ Đường thủy nội địa Long Xuyên là 187 bến. Bến thủy nội địa do tỉnh quản lý đã cấp phép hoạt động cho 20 bến thủy nội địa.

83/119 xã ở An Giang đã hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; 61/119 xã được công nhận xã nông thôn mới. Về đề án của UBND tỉnh xã hội hoá cầu giao thông nông thôn giai đoạn 2016 -2020, đã cơ bản hoàn thành, với tổng kinh phí huy dộng được là 806 tỷ đồng.

Đến nay, giao thông nông thôn toàn tỉnh An Giang nhìn chung đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp được 1.212Km; tổng vốn đầu tư 1.714 tỷ đồng.

Gỡ điểm nghẽn giao thông để phát triển

Giám đốc Sở GTVT An Giang đánh giá, trong thời gian qua dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, song hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, bất cập.

Đơn cử như, hệ thống đường bộ cao tốc chưa được hình thành, hệ thống đường thủy nội địa, đường biển chưa được khai thác hiệu quả.

Trong đó nguyên nhân chính là khó khăn về nguồn lực, khiến cho công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông triển khai chậm so với yêu cầu, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu cũng chưa có điều kiện duy tu, bảo dưỡng đầy đủ, kịp thời, làm hạn chế năng lực khai thác.

{keywords}

Lãnh đạo tỉnh An Giang Lãnh đạo tỉnh An Giang và chủ đầu tư tại lễ hoàn thành và bàn giao mặt bằng dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên - một dự án rất quan trọng với giao thông An Giang 

Bởi vậy, để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực đột phá phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới An Giang sẽ ưu tiên đầu tư hoàn thành các dự án giải quyết các điểm nghẽn, dự án động lực tạo bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, các công trình có tính lan tỏa, góp phần hoàn thiện các trục giao thông kết nối liên vùng, quốc gia và quốc tế.

Cụ thể, đối với các dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT sẽ cho UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT triển khai đầu tư xây dựng hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm như: cầu Châu Đốc, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên; nâng cấp tuyến N1 (đoạn Châu Đốc – Tân Châu), nâng cấp bến phà Tân Châu – Hồng Ngự.

Đối với các dự án do tỉnh đầu tư sẽ kiến nghị UBND tỉnh cân đối nguồn vốn để thực hiện hoàn thành nhằm phát triển kinh tế và phát triển hạ tầng du lịch như: đường tỉnh 945, 955A, 948, 947, 949; xây dựng tuyến tránh đoạn Km11 đến Km15 và cầu Mương Khai, cầu Nguyễn Thái Học; cầu Phú Hòa; cầu Mướp Văn, cầu Vĩnh Lộc - An Phú; nâng cấp mở rộng ĐT.947; cầu Kênh Xáng; cầu Sắt Giữa và mời gọi đầu tư cầu Năng Gù.

Đầu tư, duy tu, sửa chữa kịp thời các tuyến đường xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân; thực hiện phân luồng, phân tuyến đảm bảo an toàn giao thông các tuyến đường đang đầu tư, nâng cấp và bảo đảm sự an toàn, thuận tiện cho nhân dân và khách du lịch khi đi lại, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông; chủ động phòng, chống sạt lở các tuyến đường ven sông, kênh rạch.

Khảo sát, lập danh mục các tuyến đường thủy nội địa có khả năng hoạt động vận tải thủy nội đia do địa phương quản lý để công bố và tổ chức hoạt động vận tải nhằm giảm tải cho hoạt động vận tải đường bộ. Hoàn thành các dự án nạo vét thông luồng nhằm đảm bảo giao thông thủy trên các đoạn sông như: Xép Khánh Hòa; Sông Hậu (đoạn từ Cồn Cóc đến bến đò Chợ Mới), dự án kinh Vĩnh Tế.

Từng bước tạo ra một hệ thống giao thông vận tải đồng bộ và liên hoàn, có khả năng phát triển bền vững. Đảm bảo lưu thông thuận tiện và an toàn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng gia tăng và đa dạng hóa phục vụ chiến lược phát triển về kinh tế-xã hội của tỉnh, đảm bảo quốc phòng an ninh.

“Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, địa phương, ngành GTVT sẽ nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, kết nối các điểm tập trung dân cư, các vùng sản xuất nông nghiệp, các khu công nghiệp, đầu mối giao thông, khu du lịch và đảm bảo quốc phòng an ninh. Xây dựng hệ thống giao thông đường bộ và đường thuỷ liên hoàn kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường liên tỉnh với các đường liên huyện”, ông Nguyễn Phú Tân nhấn mạnh. 

Thiện Chí