Phát huy lợi thế, khai phá tiềm năng

Không phải tự nhiên mà An Giang được Chính phủ chọn là một trong 4 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

An Giang với địa hình đồng bằng, đồi núi với hệ sinh thái môi trường phong phú, có dãy Thất Sơn huyền bí, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, nhiều danh thắng nổi tiếng, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng,… tạo ra sức hút rất lớn để phát triển các loại hình du lịch.

An Giang còn được xem là trung tâm kinh tế thương mại kết nối giữa 3 thành phố lớn: TPHCM, TP. Cần Thơ và TP. Phnom Penh (Campuchia), là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, của các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia và các nước thành viên ASEAN.

{keywords}
An Giang phấn đấu vào nhóm dẫn đầu về kinh tế vùng ĐBSCL

Nằm ở thượng nguồn sông Cửu Long, nước ngọt quanh năm, đất đai màu mỡ, An Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước; là tỉnh có sản lượng lúa đứng nhất, nhì cả nước, với diện tích canh tác trên 250.000 ha, sản lượng lúa đạt khoảng 3,89 triệu tấn/năm. Mô hình cánh đồng lớn đang được trồng 22.000 ha.

Với địa hình sông nước, thủy sản được xem là thế mạnh thứ hai của tỉnh sau cây lúa, trong đó chủ lực là cá tra, cá basa. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 2.700 ha, hàng năm cung cấp cho chế biến xuất khẩu trên 379.000 tấn/năm, với gần 50% diện tích nuôi đạt tiêu chuẩn GlobalGap, ASC, VietGAP…

Trong đó, cá tra và basa được xác định là sản phẩm chiến lược của tỉnh, với diện tích nuôi khoảng 1.734ha, sản lượng hơn 287.000 tấn/năm. Toàn tỉnh hiện có 17 doanh nghiệp, với 23 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, tổng công suất thiết kế 400.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn có hơn 100 cơ sở chế biến khô các loại với công suất tiêu thụ nguyên liệu thô trung bình 30.000 tấn/năm.

Lãnh đạo tỉnh khẳng định An Giang luôn ủng hộ và đồng hành với nhà đầu tư, doanh nghiệp theo phương châm: “Trách nhiệm, thân thiện, một cửa”; tạo môi trường đầu tư thông thoáng và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.

Danh mục 60 dự án với thông tin chi tiết và chính sách ưu đãi gắn với từng danh mục dự án mời gọi đầu tư sẽ được công bố, với mong muốn tiếp tục có những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại An Giang.

Dọn đường” để tạo ra những bứt phá quan trọng

Theo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nét nổi bật trong sản xuất nông nghiệp là tỉnh đã tìm giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển, nhất là về thủ tục hành chính, khuyến khích tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn, mời gọi đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh gắn với nhà đầu tư lớn, từng bước giải quyết bài toán giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Thời gian qua, chương trình phát triển nông nghiệp, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai theo phương châm lấy thị trường làm mục tiêu, định hướng cho sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa.

{keywords}
Độc đáo làng nổi cá bè vùng Châu Đốc.

Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng đang mang lại nhiều hiệu quả, giảm dần diện tích trồng lúa hiệu quả thấp, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ; các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng, giá trị sản xuất được nâng lên.

An Giang đã và đang thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, bước đầu đạt được kết quả khả quan.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã thu hút 60 dự án đầu tư vào nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký 22.860 tỷ đồng, chiếm trên 24,9% tổng số dự án và chiếm 36,52% tổng vốn đăng ký đầu tư toàn tỉnh. Nhiều dự án quy mô vốn lớn đã và đang triển khai đầu tư 

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản của tỉnh.

Là tỉnh có thế mạnh nông nghiệp, nhưng để trở thành “con tuấn mã dẫn dắt cả vùng”, An Giang cần quyết liệt đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, có chất lượng và hiệu quả cao, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Như lãnh đạo tỉnh An Giang đã khẳng định, nông nghiệp là nền tảng của kinh tế địa phương. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, có chất lượng và hiệu quả cao, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó tỉnh cũn khuyến khích phát triển các loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh, như lúa, cá, cây ăn quả, chăn nuôi; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, tập trung sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh về nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); chủ động tham gia chuỗi liên kết quốc tế, khu vực, trong nước để mở rộng thị trường.

Xem ra, với tiềm năng có sẵn, mục tiêu rõ ràng, bằng quyết tâm chính trị rất cao, An Giang- quê hương bác Tôn chắc chắn sẽ bước vào nhóm dẫn đầu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước như Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đã đặt ra.

Bình Thủy