Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thịt động vật tăng cao, Sở NN&PTNT An Giang đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc nhằm giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi. Đồng thời khuyến khích các cơ sở chăn nuôi thúc đẩy việc tái đàn theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học.

Theo thống kê, hiện tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh gần 69 ngàn con, lợn trên 58 ngàn con. Sau khi được nới lỏng giãn cách xã hội, ngành thú y tập trung hướng dẫn, khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh.

{keywords}
 

Chi cục Chăn nuôi và Thú y giao nhiệm vụ cho các trạm chăn nuôi và thú y phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các hộ chăn nuôi quy mô tập trung theo kiểu trang trại từ vùng mật độ dân số cao, chuyển đến nơi có mật độ dân số thấp và hình thành các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xa khu dân cư theo quy hoạch.

Đồng thời chủ động thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc từ cơ sở để kịp thời phát hiện và tổ chức phòng, chống dịch kịp thời khi còn ở diện hẹp, số lượng ít.

Đến nay, các dịch bệnh nguy hiểm như: Lở mồm long móng, heo tai xanh, dịch bệnh dại chưa xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ngành thú y luôn chủ động khuyến cáo và đã vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc xin trên đàn trâu, bò.

Chủ động kiểm soát tốt và phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, ngành thú y tỉnh xây dựng kế hoạch tiêm phòng bổ sung cho đàn trâu, bò của tỉnh đạt 100% trong diện tiêm. Tăng cường công tác vận động tiêm phòng vắc xin, lở mồm long móng, dại…, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan. Bên cạnh đó, ngành chức nặng tỉnh tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò ra vào địa bàn tỉnh và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc vận chuyển gia súc xuất, nhập.

Song song với phòng chống dịch bệnh cho gia súc, tỉnh An Giang đặc biệt chú trọng việc phát triển lĩnh vực chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo mô hình trang trại và ứng dụng các thành tựu khoa học vào chăn nuôi.

Để phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực chăn nuôi, từng bước hướng đến mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và an toàn dịch bệnh, tỉnh An Giang yêu cầu ngành chuyên môn tiếp tục phối hợp tốt với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của người chăn nuôi trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Đặc biệt là khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành chăn nuôi theo quy mô trang trại, bán công nghiệp, công nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao. Sử dụng công nghệ chuồng kín có hệ thống làm mát; hệ thống ăn uống tự động. Sử dụng chế phẩm sinh học; ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải bằng hầm biogas, đệm lót sinh học và công nghệ phòng, chống dịch bệnh. Từng bước xây dựng đại trà mô hình chăn nuôi theo hướng VietGap, an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các vùng chăn nuôi ở địa phương.

Thanh Hùng