UBND huyện Ba Bể vừa ban hành Kế hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025, nhằm cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi, tạo sự đột phá, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm theo chuỗi giá trị, đảm bảo phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

{keywords}
 

Huyện quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi trâu, bò tập trung tại các địa phương có lợi thế về tổng đàn và điều kiện để phát triển chăn nuôi như Thượng Giáo, Phúc Lộc, Cao Thượng, Bành Trạch, Quảng Khê.

Khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất ruộng, đất vườn kém hiệu quả sang trồng cỏ để chăn nuôi nhốt vỗ béo, chăn nuôi thương phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đối với đàn lợn, tập trung phát triển theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, phát triển thành vùng chăn nuôi giống lợn ngoại, lợn lai và vùng chăn nuôi giống lợn địa phương…

Hiện, các địa phương trong vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn đang triển khai rà soát, tuyên truyền và lồng ghép các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển chăn nuôi.

Chăn nuôi gia súc đã đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện Ba Bể, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.

Lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển biến, người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại, đặc biệt là chăn nuôi lợn.

Tuy nhiên, tổng đàn trâu bò trên địa bàn huyện giảm nhiều so với những năm trước.

Nguyên nhân do phần lớn người dân vẫn giữ thói quen chăn thả, trong khi diện tích chăn thả tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, người dân chưa chủ động dự trữ, sản xuất thức ăn xanh.

Chăn nuôi trâu, bò đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn… dẫn đến nhiều hộ không tiếp tục chăn nuôi nữa hoặc chuyển đổi sang cơ cấu vật nuôi khác. Chất lượng con giống, việc đầu tư chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi của người dân còn hạn chế.

Nếu như năm 2016, tổng đàn trâu, bò của huyện là 16.914 con thì đến năm 2020 chỉ còn 10.345 con, giảm 39%.

Phát triển đàn lợn những năm gần đây gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch, tác động lớn đến lĩnh vực chăn nuôi của huyện. Số lợn bị mắc bệnh phải tiêu hủy lớn, giá lợn giống tăng cao, việc tái đàn gặp nhiều khó khăn nên tổng đàn giảm mạnh.

Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún đang là rào cản lớn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật và phòng, chống dịch bệnh dẫn đến năng suất, chất lượng chăn nuôi thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2016 tổng đàn lợn của huyện là 36.729 con thì đến năm 2020 còn 28.112 con, giảm 24%.

Kế hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025 là cơ sở để huyện tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại từ quy mô nhỏ đến vừa, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Nằm trong vùng quy hoạch phát triển đàn trâu, bò của huyện, xã Thượng Giáo đang triển khai và tập trung rà soát những thôn, hộ gia đình có điều kiện về chăn nuôi để chỉ đạo thực hiện, trong đó ưu tiên phát triển chăn nuôi theo hình thức nhốt vỗ béo và trồng cỏ. 

Đồng chí Ma Thế Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thượng Giáo thông tin, năm 2021, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán chăn thả tự nhiên, thay vào đó là đầu tư chuồng trại để chăn nuôi nhốt theo hình thức vỗ béo, nuôi thương phẩm, đặc biệt là ở các thôn vùng trung tâm.

Đồng thời khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích trồng ngô, đất ruộng kém hiệu quả để trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn trâu, bò, từng bước hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả kinh tế. Hiện nay, người dân đã chuyển đổi được hơn 24ha đất trồng ngô sang trồng cỏ để phát triển chăn nuôi trâu, bò nuôi nhốt.

Ngoài ra, ông Ma Thế Tuấn khẳng định, để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển đàn trâu, bò, lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Việc rà soát, quy hoạch vùng, vận dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ là điều cần thiết để giúp người dân thay đổi tập quán chăn nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ và bảo vệ môi trường.

Tại thôn Nà Tạ - xã Thương Giáo, người dân đã chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ để nuôi trâu, bò nhốt. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu, bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chị Nông Thị Niệm, người dân trong thôn cho hay, gia đình chị thực hiện mô hình chăn nuôi trâu nhốt vỗ béo, trâu sinh sản từ năm 2020, đến nay đã có 6 con trâu và hơn 2000m2 đất vườn trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn trâu. Cuối năm ngoái, gia đình chị bán 5 con trâu, trị giá 150 triệu đồng.

Hiện ở thôn Nà Tạ có khoảng 7 hộ gia đình đã chuyển đổi sang thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo và sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, có hộ nuôi từ 20 - 30 con trâu, bò. Đến nay cả thôn có hơn 3ha chuyển đổi từ đất trồng ngô sang trồng cỏ voi, 1,8ha đất trồng lúa chuyển sang trồng cỏ nuôi trâu, bò.

Văn Điệp