Là vùng canh tác nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, TX Đông Triều có nhiều giải pháp áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, như: Khuyến khích các HTX, hộ dân đầu tư các loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất để phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện; tích cực dồn điền đổi thửa; liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất... 

{keywords}
Bà con nông dân Quảng Ninh hưởng lợi nhờ áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp.

Theo thống kê của thị xã, đến nay trên địa bàn thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất sản xuất nông nghiệp đạt gần 100%, khâu thu hoạch đạt trên 80%. Việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện đúng lịch thời vụ, giải phóng sức lao động cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất. Các biện pháp thâm canh sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng đã giảm được 15% chi phí, năng suất mùa vụ của huyện cũng tăng từ 10-15%.

Cùng với TX Đông Triều, những năm gần đây các địa phương trong tỉnh cũng chú trọng áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, tốc độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây tương đối cao, bước đầu đã tạo sự chuyển biến lớn trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng.

Có thể thấy, để tạo điều kiện cho người nông dân đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất, Tỉnh ủy đã chỉ đạo quyết liệt bằng việc ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Cùng với đó, xây dựng đề án cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp và có cơ chế hỗ trợ cho chương trình cơ giới hoá đồng bộ (thuỷ lợi, làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch...). Đây là cơ sở, động lực đẩy nhanh việc ứng dụng máy móc trong sản xuất, tạo bước phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, từ Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh “Về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020” cũng tạo tiền đề mạnh mẽ để ngành nông nghiệp của tỉnh tăng tốc trong tái cơ cấu, nâng cao giá trị. Theo đó, các địa phương đã chủ động hỗ trợ phát triển sản phẩm có lợi thế; chỉ đạo bố trí nguồn lực tập trung, tăng hỗ trợ lãi suất và hỗ trợ máy móc, nhà xưởng, thiết bị sản xuất; hỗ trợ hạ tầng vùng sản xuất tập trung...

Từ cơ chế này, số lượng máy và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 7.000 máy làm đất các loại, đáp ứng 90% diện tích canh tác; trên 2.500 máy tuốt đập, 3.000 máy xay xát đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất; toàn tỉnh cũng có trên 700 máy gieo sạ đáp ứng khoảng 40% diện tích cấy lúa...

Một số mô hình ứng dụng cơ giới hoá trong chế biến thức ăn chăn nuôi, tự động cho ăn, uống, máy vắt sữa, nghiền thức ăn... được thực hiện, đầu tư cơ bản ở các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi bằng nguồn kinh phí tự có của đơn vị.

Theo ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, việc ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Đơn cử như: Cơ giới hoá khâu làm đất đã nâng cao chất lượng làm đất, tạo tầng đế cày sâu hơn, tăng khả năng giữ nước, giữ phân bón của đất, xử lý tàn dư sâu bệnh, cỏ dại, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Hiện nay, việc cơ giới hoá trong nông nghiệp đã giúp giảm công lao động, rút ngắn chu kỳ sản xuất, giảm chi phí từ 20-30% so với làm đất thủ công. Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi lên khoảng 10-15%, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, từ đó tăng thu nhập cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp.

Diệu Bình