Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, một trong những vấn đề đang đặt ra hiện nay là khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển chung của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong nhiều năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn duy trì là một trong 5 địa phương có mức đóng góp cao nhất đối với quốc gia về GDP và thu ngân sách nhà nước. Để tiếp tục duy trì vai trò và vị trí của tỉnh, tỉnh xác định sẽ tiếp tục tập trung vào các ngành kinh tế trụ cột là công nghiệp, hệ thống cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

{keywords}
Bà Rịa - Vũng Tàu luôn duy trì là một trong 5 địa phương có mức đóng góp cao nhất đối với quốc gia về GDP và thu ngân sách nhà nước. Ảnh minh họa.

Trong đó, vấn đề khai thác và phát huy hệ thống cảng biển, tăng cường kết nối với TPHCM, tỉnh Đồng Nai và các địa phương khác trong vùng, để tạo động lực tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa... được tỉnh coi là vấn đề then chốt trong giai đoạn tới, ông Thọ khẳng định.

Theo các quy hoạch về phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và nhóm cảng biển số 5 đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, hệ thống cảng Bà Rịa – Vũng Tàu được quy hoạch là cụm cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò của cảng trung chuyển quốc tế. Trên địa bàn tỉnh có 69 dự án cảng biển được quy hoạch tập trung chính trên 02 luồng hàng hải là Vũng Tàu - Thị Vải và Sông Dinh (riêng khu vực Cái Mép - Thị Vải có 35 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 22 bến). Hiện đã đưa vào khai thác 48/69 dự án cảng biển với tổng công suất khoảng 141,5 triệu tấn/năm, tổng chiều dài cầu bến khoảng 14 km (riêng khu vực Cái Mép - Thị Vải có chiều dài bến khoảng 12 km với công suất khoảng 130 triệu tấn/năm).

Với lợi thế cảng nước sâu, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn với trọng tải đến 214.000 tấn. Tuy nhiên, công suất khai thác cảng chỉ tăng từ 40% năm 2015 lên 53% năm 2020.

Hệ thống giao thông kết nối cảng trong thời quan vừa qua đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ thực hiện dự án cầu Phước An, dự án đường 991B. Về phía tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai cùng với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ... có nhiều giải pháp thúc đẩy các dự án giao thông kết nối theo định hướng quy hoạch, cũng như theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các kết luận trước đây (Thông báo số 386/TB-VPCP ngày 21/8/2017), đặc biệt là đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

“Song đến nay yêu cầu đầu tư hạ tầng kết nối cảng với các trung tâm kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn là vấn đề cần tiếp tục đặc biệt quan tâm. Từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Tây Nam Bộ chỉ có duy nhất tuyến đường bộ Quốc lộ 51, dẫn đến tình trạng thường xuyên quá tải”, ông Thọ nêu rõ.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT nhìn nhận, đây là cụm cảng biển sâu có mức tăng trưởng hàng hóa cao hàng đầu khu vực và được kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ giao thương phía Nam.

Nếu năm 2013, tại Cái Mép - Thị Vải mới thiết lập được 8 tuyến vận tải, năm 2019 là 23 tuyến vận tải thì đến nay đã hình thành 32 tuyến. Trong đó có 25 tuyến quốc tế và 7 tuyến nội địa. Tháng 10/2020, cảng đã đón tàu container Margrethe Maersk (trọng tải trên 214.000 tấn, sức chở hơn 18.300 TEU) - một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, trở thành một trong số khoảng 20 cảng lớn trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu kích cỡ này.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng, hiện nay Cái Mép-Thị Vải đang có quá nhiều nhà đầu tư, 22 cảng đang hoạt động, sự phân chia thiếu đồng bộ hiện nay dẫ đến việc đầu tư thiết bị hạn chế, ảnh hưởng đến việc tổ chức Cái Mép-Thị Vải thành cụm cảng tầm cỡ quốc tế. Thêm vào đó, khu hậu cảng do phân chia nhỏ nên không có đủ đất để tập trung hàng hoá, khu logistics, ngoại quan… Hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ với hệ thống cảng dẫn đến chi phí logistics với hàng hoá tương đối cao.

“Chưa kể đến luồng của Cái Mép-Thị Vải độ sâu chưa đáp ứng cho các tàu quốc tế sức chở 12.000 TEU đầy tải trở lên dẫn đến tình trạng các tàu lớn vừa rồi khi vào cảng phải hạ tải bớt”, ông Nguyễn Nhật cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam cùng hai Tổng công ty bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc, miền Nam khắc phục những khó khăn trong thủ tục, nỗ lực phối hợp với địa phương tìm vị trí đổ thải phù hợp, sớm khơi thông các tuyến luồng quan trọng, bảo đảm hoạt động hành hải của tàu, thuyền được xuyên suốt.

“Riêng với cảng nước sâu như Cái Mép - Thị Vải, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải đẩy nhanh triển khai các thủ tục theo quy định, sớm nâng cấp luồng xuống độ sâu âm 15,5m để đáp ứng cỡ tàu ngày càng gia tăng cập cảng làm hàng. Cảng biển Việt Nam phải khắc phục những yếu kém về luồng lạch kém để trở thành các cảng đầu mối quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.

Thêm vào đó, ông Nhật cho rằng, Bộ GTVT cũng như các cơ quan liên quan, địa phương cần rút kinh nghiệm trong việc lập quy hoạch cũng như cấp đất cho nhà đầu tư khi xây dựng cảng, tránh tình trạng manh mún như hiện nay.

Hằng Nga