Từ nay đến năm 2025, tỉnh Bắc Kạn tập trung thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất tiên tiến, bền vững, thân thiện với môi trường.

Bắc Kạn có 13 tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn theo hình thức tập trung, trong đó có 2 doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị với giống ngoại thuần chủng cho hiệu quả kinh tế cao.

Về lâm nghiệp, tỉnh đang từng bước chuyển từ khai thác gỗ rừng tự nhiên là chủ yếu sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn. Nhờ đồng bộ nhiều giải pháp, Bắc Kạn dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng (73,4%) với diện tích rừng 372.665ha, trong đó rừng trồng là 99.336ha.

Tạo dấu ấn đặc biệt là đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, được triển khai tại từng thôn, bản. Sau 3 năm, Bắc Kạn vươn lên là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh có 131 sản phẩm đạt 3 sao OCOP trở lên, trong đó có 13 sản phẩm đạt 4 sao và 118 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao đã hoàn thiện hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP quốc gia.

{keywords}
Ảnh Văn Hùng

Trong quá trình thực hiện, 56 sản phẩm được đăng bán trên các sàn giao dịch điện tử lớn; 9 sản phẩm có hợp đồng tiêu thụ tại siêu thị BigC và 1 sản phẩm được xuất khẩu. Các sản phẩm địa phương được giới thiệu, quảng bá tới các vùng miền, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả cho người sản xuất.

Theo Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035, tỉnh Bắc Kạn lấy lâm nghiệp, chế biến gỗ và dược liệu là trọng tâm. Mục tiêu giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến gỗ đến năm 2025 (theo giá so sánh) đạt 2.099 tỷ đồng, trong đó lâm nghiệp tăng 2,09 lần so với hiện tại, chế biến tre, gỗ, nứa tăng thêm hơn 20 lần so với năm 2018. Đối với lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 giá trị tăng thêm đạt 2.380 tỷ đồng, tăng 1,29 lần so với hiện tại (hiện nay là 1.845 tỷ đồng). Giá trị tăng thêm trong lĩnh vực chăn nuôi đạt 1.161 tỷ đồng, tăng 1,61 lần so với hiện tại.

Bắc Kạn đặt mục tiêu đến năm 2025, 40% các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực (gỗ, dược liệu, cam, quýt, hồng không hạt, trâu, bò, lợn, miến dong, chè) có truy xuất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGap, tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững hoặc FSC; 30% sản phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ; 100% diện tích cây ăn quả đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó ít nhất 50% được cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ...

Với những giải pháp và lộ trình phù hợp, Bắc Kạn đang từng bước giúp người dân, doanh nghiệp có điều kiện, môi trường tốt hơn để phát triển kinh tế.

Hữu Duyên