Báo cáo của ngành Y tế địa Bạc Liêu cho biết, từ ngày 27/4/2021 đến 4/9/2021, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 183 ca bệnh COVID-19.

Theo đánh giá của Tổ công tác Bộ Y tế, tính đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh nói chung, Thành phố Bạc Liêu nói riêng cơ bản đã được kiểm soát tốt. Tổ công tác cũng đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện công tác tầm soát COVID-19 diện rộng trong cộng đồng đối với những vùng có nguy cơ cao.

Với kết quả này, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, các lực lượng trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh quan điểm của tỉnh là quyết liệt bảo vệ chặt vòng ngoài, kiểm soát tốt vòng trong.

{keywords}
Bạc Liêu: Thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” phục vụ sản xuất, nhất là đang vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu

 

Bảo vệ nghiêm ngặt "vùng xanh"

Để thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” phục vụ sản xuất, nhất là đang vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu, UBND huyện Hòa Bình đã huy động được 94 máy gặt đập liên hợp. Số máy này có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu thu hoạch lúa cho nông dân.

Theo lãnh đạo huyện, cái khó của huyện tại thời điểm này là trong số 290 ghe vận chuyển lúa, chỉ có 5 ghe trong tỉnh, 285 ghe đến từ ngoài tỉnh. Kéo theo đó, nhân công bốc vác lúa dự kiến gần 800 người thì có trên 500 người đến từ tỉnh ngoài. Ông Mã Thanh Phương cho biết, phương án chỉ đạo của huyện là sau khi đáp ứng các điều kiện về y tế, người đi theo ghe lúa (kể cả lực lượng bốc vác) chỉ ở dưới ghe, không được lên bờ đến khi rời khỏi huyện. Mỗi máy gặt đập liên hợp đến từ ngoài tỉnh chỉ cho 2 người đi cùng. Các địa phương trong huyện đều phải bố trí dự phòng khu vực cách ly dành cho số thương lái và người điều khiển máy gặt đập khi có tình huống xảy ra.

Huyện Hồng Dân có hơn 40km đường thủy, đường bộ giáp ranh với tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng. Hiện nay cả 3 tỉnh bạn đang bùng phát mạnh dịch bệnh COVID-19. Do đó, Ban Chỉ đạo PCD bệnh của huyện cho rằng, xây dựng “vùng xanh” thì dễ, nhưng để bảo vệ “vùng xanh” là vô cùng khó.

Trên địa bàn huyện Hồng Dân trong những ngày này, lực lượng chốt chặn ở cả đường bộ và đường thủy canh giữ nghiêm ngặt 24/24 giờ. Đến thời điểm này, Hồng Dân là huyện duy nhất trong tỉnh thành lập 2 tổ giám sát hoạt động thu mua, vận chuyển nông sản. Lý do, phương tiện vận chuyển nông sản phần lớn đến từ ngoài tỉnh.

Nỗ lực để sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới"

Thời gian qua, để chủ động phòng, chống, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới", tỉnh Bạc Liêu đã ban hành công văn yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tăng cường thực hiện các biện pháp mở rộng những khu vực an toàn, ít có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và nơi chưa có ca nhiễm trong cộng đồng (gọi tắt là vùng xanh).

Mục tiêu cao nhất của việc làm này nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhất “mục tiêu kép” vừa PCD hiệu quả, đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Để sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới", UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động bao vây, thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”; tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng; hạn chế số ca F0 tăng nhanh; giảm thiểu thấp nhất tử vong để đưa các hoạt động trở về trạng thái bình thường mới. “Vùng xanh” được thiết lập theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện - vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Ở mỗi “vùng xanh” đều có quy định điều kiện an toàn PCD ở mức cao nhất; quy định đối tượng ra - vào khu vực. Quyền và trách nhiệm của người dân ở mỗi “vùng xanh” là chấp hành yêu cầu, thông báo của lực lượng thi hành công vụ, không được chứa chấp, cho lưu trú đối với người từ bên ngoài vào “vùng xanh”, kể cả người thân, bạn bè… Người không có trách nhiệm và người giao hàng… bị cấm vào khu vực này.   

“Vùng xanh” sẽ có đầy đủ cơ chế bảo vệ, lực lượng tham gia bảo vệ để kiểm soát ra - vào. Các đường phụ, lối nhỏ, hẻm ra - vào khu vực thuộc “vùng xanh” đều phải “phong tỏa cứng”, không cho ra - vào kể cả người và phương tiện.

Điểm cung ứng lương thực, thực phẩm thuộc khu vực nào thì cung ứng cho người dân ở khu vực đó. Lực lượng chức năng được chỉ đạo bố trí các điểm cung ứng lương thực, thực phẩm bên trong các khu vực thuộc “vùng xanh”. Hạn chế tối đa việc bố trí lương thực, thực phẩm ở các mặt tiền đường phố giáp ranh giữa các khu vực với nhau để người dân không phải ra đường và tránh việc người vãng lai ghé mua hàng làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19. Hàng tuần, chính quyền địa phương tổ chức phát thẻ, phiếu đi mua thực phẩm theo hộ gia đình.

Bên cạnh đó, các hoạt động y tế tại “vùng xanh” sẽ ưu tiên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân. Người dân “vùng xanh” phải được xét nghiệm ngẫu nhiên định kỳ hoặc khi có yếu tố dịch tễ. Nếu có người nghi nhiễm COVID-19 trong khu vực “vùng xanh” thì phải nhanh chóng khoanh vùng, cô lập và đưa người nhiễm, những người tiếp xúc đi cách ly tập trung bên ngoài “vùng xanh”.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Trung Kiên