Tiềm năng, lợi thế vùng

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những năm gần đây, huyện Bắc Quang, Hà Giang đã hình thành và phát triển các sản phẩm đặc trưng, từng bước chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng.

Năm 2020, UBND huyện Bắc Quang đã chỉ đạo các xã, thị trấn căn cứ vào điều kiện, thế mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực của từng xã.

{keywords}
Người dân đi hái chè ở Hà Giang

Trên địa bàn huyện có một số mô hình phát triển sản xuất điển hình cho thu nhập cao. Đó là mô hình chăn nuôi gà trên 8.000 con tại xã Tân Quang, thu lãi từ 200-250 triệu đồng/năm. Mô hình chăn nuôi bò, trồng cây dược liệu lá khôi tại xã Kim Ngọc, tổng doanh thu đạt 180-190 triệu đồng/năm...

Về phát triển rau, hoa ứng dụng công nghệ mới, tổng diện tích rau an toàn của toàn huyện năm 2020 là 55,4 ha. Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm OCOP, có 10 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.

Bắc Quang là huyện có nhiều lợi thế về phát triển nông lâm nghiệp, có các vùng sản xuất tương đối tập trung, như: Vùng sản xuất cam (trên 4.000 ha, sản lượng hơn 40.000 tấn/năm); sản xuất chè (5.000 ha với sản lượng chè búp tươi đạt 25.000 tấn/năm); vùng sản xuất lạc hàng hóa (2.000 ha, sản lượng đạt 6.300 tấn/năm); vùng trồng rừng kinh tế tập trung bằng giống tốt (gần 3,5 nghìn ha) và vùng gỗ nguyên liệu cung cấp cho thị trường khoảng 40.000 m3/năm, trữ lượng đạt trên 80 m3/ha...

Đẩy mạnh sản phẩm chủ lực

Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và ổn định, giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã ban hành Nghị quyết số 07 về phát triển sản xuất hàng hóa đối với 5 sản phẩm chủ lực có thế mạnh, gồm: Cam, chè, lạc, gỗ nguyên liệu, chăn nuôi (trâu, lợn).

Theo Nghị quyết số 07, các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện phát triển mạnh theo xu hướng sản xuất an toàn gắn với nhu cầu thị trường.

Người dân đã chú trọng đưa cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm.

Các sản phẩm chủ lực của huyện như cam, chè, lạc, thịt lợn qua chế biến, đạt từ 3 – 4 sao cấp tỉnh khi tham gia Chương trình OCOP. Không những vậy, cam Sành, chè Shan tuyết còn được xây dựng và công nhận Chỉ dẫn địa lý, dán tem truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, toàn huyện đã có 35 trang trại chăn nuôi phát triển tập trung với quy mô vừa...

Tiếp theo đó, Nghị quyết 05 của huyện Bắc Quang về phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực có thế mạnh của huyện theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2021 – 2025 được kỳ vọng tạo bước chuyển mạnh mẽ đối với sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện.

Huyện tập trung rà soát, xác định lại vùng sản xuất, quy mô, số lượng cho từng sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng đã được xác phù hợp, thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng sản xuất và nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Đồng thời, huyện xây dựng các nhóm giải pháp về kỹ thuật canh tác, tiêu chuẩn sản xuất an toàn để nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã cho từng sản phẩm. Kết nối với các kênh bao tiêu sản phẩm uy tín, bền vững nhằm hỗ trợ thông tin về nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, giới thiệu cho người sản xuất tham gia cung ứng sản phẩm một cách ổn định.

Bên cạnh đó huyện có giải pháp cụ thể liên kết vùng sản xuất giữa xã với xã đối với sản phẩm cùng loại trên cơ sở thống nhất chung một quy trình, tiêu chuẩn sản xuất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm và có sản phẩm đủ lớn để cung cấp cho thị trường...

Phấn đấu đến năm 2025, huyện Bắc Quang có trên 50% sản phẩm chủ lực được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các tiêu chuẩn khác phù hợp với thị trường). Huyện Bắc Quang cũng hướng tới xây dựng các sản phẩm đặc trưng trở thành sản phẩm OCOP đạt tiêu chí từ 3 sao trở lên…

Thu Hà