Trao quyền để địa phương triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tế

Về định hướng giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở giữ nguyên 19 Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ có những điều chỉnh bổ sung, khắc phục những hạn chế nhằm phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù từng vùng miền. Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 thống nhất có 3 cấp độ tiêu chí NTM: Bộ tiêu chí xã NTM, Bộ tiêu chí huyện NTM, Bộ tiêu chí tỉnh NTM. Đối với xã và huyện mỗi cấp sẽ có 3 mức độ NTM: Đạt chuẩn, nâng cao và kiểu mẫu. Đối với cấp tỉnh, trước mắt chỉ tập trung xây dựng Bộ tiêu chí tỉnh đạt chuẩn NTM.

{keywords}
Mới đây, đại biểu của các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ đã có những góp ý thiết thực về Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp, giai đoạn 2021-2025. Ảnh minh họa

Điểm nổi bật trong mục tiêu xây dựng Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 là nâng cao đời sống người dân nông thôn. Trong đó nhắm tới các mục tiêu: Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội nông thôn đồng bộ, kết nối với đô thị; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM để hình thành nền nông nghiệp hiện đại; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các thiết chế văn hóa, thể thao; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.

Bàn sâu đến việc nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn, các đại biểu nhấn mạnh, đời sống của người dân các tỉnh Tây Nguyên còn rất khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao nên việc đáp ứng bộ tiêu chí NTM gặp không ít trở ngại. Cụ thể, trong tiêu chí về giao thông, ngoài quy định chung về cấp độ xây dựng đường giao thông còn bắt buộc phải làm rãnh thoát nước, trồng cây xanh dọc 2 bên đường sẽ rất khó thực hiện, vì địa hình phần lớn là đồi núi, có những con đường nông thôn dài vài chục km sẽ rất tốn kém kinh phí. Vì vậy, riêng với tiêu chí về giao thông, nên để UBND tỉnh quy định cụ thể về tiêu chuẩn xây dựng, trồng cây xanh để cho phù hợp với địa phương.

Về tiêu chí thu nhập, có một số ý kiến cho rằng, chỉ tiêu 41 triệu đồng/người/năm áp dụng cho các tỉnh Tây Nguyên sẽ khó thực hiện. Với tiêu chí về điện, việc phải ngầm hóa nguồn điện trên các tuyến đường nông thôn xem ra khó khả thi. Vì điều đó đối với những tuyến đường ở các đô thị lớn cũng còn khó khăn.

Các đại biểu đề xuất, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 ở vùng khó khăn, thì cần mạnh dạn trao quyền cho các địa phương, để triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tế.

Gian nan tiêu chí thu nhập, giáo dục

Theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM, đến năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 38 triệu đồng, trong khi kế hoạch đề ra của huyện chỉ 21 triệu đồng (năm 2018 chỉ đạt 14 triệu đồng). Nguyên nhân tiêu chí thu nhập chưa đạt xuất phát từ hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua tương đối thấp, giá cả các mặt hàng ở mức thấp, đầu ra không ổn định…

Kế đến là tiêu chí về chất lượng giáo dục, vì con em trên địa bàn huyện sau khi học THCS xong hầu hết sẽ đi học tại các trường trung cấp nghề, còn học lên nữa rất hạn chế, chỉ được khoảng 16 - 17%, trong khi chỉ tiêu đưa ra là 70% - rất khó đạt được.

Tương tự, tại các xã vùng cao biên giới phía Bắc, tuy đạt được một số thành tựu nhưng xây dựng NTM vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ví dụ như tại xã Pải Lủng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang: Với sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền và người dân cùng phương châm “việc dễ làm trước, việc khó làm sau”, xã đã đạt nhiều tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

“Nút thắt” lớn nhất đối với xã vùng cao này là thực hiện các tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo, nguyên nhân xuất phát từ điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Là xã thuần nông, nhưng diện tích đất tự nhiên toàn núi đá, khí hậu khắc nghiệt trong mùa đông và đặc biệt là tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất nhiều tháng trong năm. Do đó, người dân chỉ dựa vào một vụ ngô trong năm, dù đưa giống mới vào gieo trồng cũng chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực ăn trong năm.

Vì thế, những tiêu chí đường giao thông nông thôn, thu nhập bình quân của người dân, giảm hộ nghèo… chính là những khó khăn, thách thức người dân xã này cũng như người dân miền núi nói chung phải vượt qua để xây dựng thành công NTM.   

Phạm Thiện
Ảnh: Diệu Thúy