Thời gian gần đây, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thường xuyên phải đối phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, khiến nông dân ở nhiều địa phương lao đao, thua lỗ nặng nề, thậm chí không hiếm trường hợp bị lâm vào nợ nần do không trả được vốn vay sản xuất.

Nhằm hỗ trợ người nông dân ổn định sản xuất và giảm bớt rủi ro, vừa qua, ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 522/QĐ - ủy ban nhân dân về công bố địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với trâu, bò.

{keywords}
Bảo hiểm nông nghiệp: Chỗ dựa để người nông dân yên tâm làm ăn. 

Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với trâu, bò cho 57 xã, thị trấn thuộc tám huyện, thành phố. Trong đó, có năm xã thuộc huyện Vĩnh Tường; năm xã huyện Yên Lạc; 19 xã, thị trấn huyện Lập Thạch; bốn xã huyện Sông Lô; 11 xã, thị trấn huyện Tam Dương; tám xã huyện Tam Đảo; ba xã huyện Bình Xuyên và hai xã của thành phố Phúc Yên.

Có thể khẳng định, quyết định của ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc được coi là chỗ dựa để người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Thực tế, vốn đầu tư nuôi một con bò sữa khá lớn, khoảng từ 50 đến 60 triệu đồng/con. Trong quá trình nuôi nhiều khi không tránh khỏi rủi ro, nên hầu hết các hộ gia đình đều muốn tham gia mua bảo hiểm, để nếu không may bò bị chết thì một tháng sau công ty bảo hiểm sẽ hoàn trả đầy đủ số tiền bảo hiểm, còn không sẽ mất trắng.

Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều địa phương khác vẫn chưa có chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm, trong khi không phải hộ dân nào cũng đủ điều kiện chi trả toàn bộ mức phí, cho nên nhiều hộ vẫn đánh liều không mua và nơm nớp lo âu nếu rủi ro xảy ra. Tình cảnh nhiều hộ sạt nghiệp vì trâu, bò chết đã xảy ra ở không ít địa phương, nhất là vùng bà con còn khó khăn.

Chính vì vậy, chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với trâu, bò nói riêng và nông nghiệp nói chung như tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện là rất hữu ích, được bà con chờ đón. Đây cũng là chính sách nên được nhân rộng để tạo điều kiện cho nông dân từng bước tiếp cận với bảo hiểm nông nghiệp.

Qua đó, nâng cao nhận thức của mỗi hộ nông dân về vai trò của bảo hiểm nông nghiệp trong sản xuất, chăn nuôi, để dần dần những nguồi nông dân có sự chủ động đầu tư đầy đủ và bài bản vào lĩnh vực này.

Duy Khánh