Do đó, đẩy mạnh việc cải cách, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội sẽ góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.

Cần một hệ thống hưu trí đa tầng 

Trong hệ thống an sinh xã hội, hệ thống bảo hiểm xã hội giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất. Việc rút bảo hiểm xã hội một lần cũng như tình trạng già hóa dân số nhanh đang gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam. Để đảm bảo “lưới an sinh” cho người dân, một hệ thống hưu trí đa tầng là giải pháp được các chuyên gia khuyến nghị.

Chỉ hai năm sau cuộc tổng điều tra dân số 2019 đến nay, tổng dân số Việt Nam tăng thêm gần 2,1 triệu người thì dân số cao tuổi cũng tăng thêm gần 1,2 triệu, chiếm 56%. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam ngày càng lớn và rất cao so với những nước có mức thu nhập tương đương.

Cả nước hiện có 12,6 triệu người cao tuổi (chiếm 12,8% tổng dân số), nhưng dự báo đến năm 2049 sẽ có 28,6 triệu người (chiếm gần 25% dân số), tức là cứ 4 người thì có 1 người cao tuổi.

Việt Nam hiện có trên 12,8 triệu người cao tuổi, chiếm gần 13% dân số. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2049 Việt Nam sẽ có 28,6 triệu người cao tuổi (chiếm gần 25% dân số), tức là cứ 4 người thì có 1 người cao tuổi, thuộc nước có tốc độ già hóa dân số top đầu thế giới. Với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng như hiện nay, nguy cơ “già trước khi giàu” là rất hiện hữu.

Lương hưu là yếu tố cần thiết đảm bảo cuộc sống cho mỗi người khi về già, tránh sự phụ thuộc vào con cháu và gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, hệ thống hưu trí Việt Nam hiện được thiết kế đơn tầng, độ bao phủ còn hạn chế với 2 chế độ hưu trí: một là, dựa trên đóng góp của người lao động, doanh nghiệp (thuộc bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc; BHXH tự nguyện); hai là, không dựa trên đóng góp (hưu trí xã hội, do ngân sách nhà nước chi trả, dành cho người trên 80 tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH khác và cho người 60 - 79 tuổi dựa trên gia cảnh). Tính chung 2 chế độ hưu trí này chỉ đảm bảo chế độ cho khoảng 40% người cao tuổi, số còn lại không có lương hưu và trợ cấp. Già hóa dân số nhanh và hệ thống hưu trí đơn tầng có thể coi là 2 yếu tố cộng hưởng gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.

Để mở rộng độ bao phủ BHXH, cùng với việc phát triển người tham gia mới, việc “giữ chân” người lao động đang tham gia ở lại trong hệ thống là rất quan trọng. Việc nhận BHXH một lần gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được coi là thách thức không nhỏ trong quá trình hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội. Bởi Việt Nam mới chỉ có gần 34% lực lượng lao động tham gia BHXH, nếu số người rút BHXH nhiều hơn số người đóng, sẽ làm ảnh hưởng đến an sinh sau này. Tình trạng này gia tăng trong bối cảnh bao phủ BHXH chậm còn dẫn đến nguy cơ mất an ninh thu nhập tuổi già, làm tăng gánh nặng ngân sách chi trợ cấp hỗ trợ cho người già sau này.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề trên, PGS.TS Giang Thanh Long - Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Việt Nam nên thiết kế hệ thống hưu trí đa tầng, linh hoạt độ tuổi hưởng lương hưu để giải quyết vấn đề rút BHXH một lần và già hóa dân số.

Bước chuyển từ chính sách đến thực tiễn

Nhìn lại mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, các chính sách an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hoàn thiện và đổi mới cho phù hợp từng thời kỳ. Nhờ đó, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trong thực hiện chính sách ASXH. Cụ thể:

Chính sách BHXH đã được thể chế hóa theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Đã hình thành hệ thống chính sách BHXH khá đồng bộ, bao quát hầu hết các chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế, gồm cả loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; đối với cả người có quan hệ lao động và người không có quan hệ lao động; đối với cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức. Hệ thống chính sách BHXH, các quan hệ BHXH được thiết kế, điều chỉnh và vận hành ngày càng phù hợp hơn.

{keywords}
Bảo hiểm xã hội đa tầng góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh minh họa.

Với vai trò chủ đạo của Nhà nước, sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động, Quỹ BHXH đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia BHXH.

Bên cạnh đó, cơ hội cho người lao động tham gia hệ thống chính sách BHXH, BHTN ngày càng rộng mở. Hệ thống ASXH đã có tác động tích cực, góp phần giảm thiểu rủi ro cho con người, khi bản thân không tự khắc phục được, như thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập thấp, người già, người tàn tật, trẻ mồ côi, người nghèo nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội...

{keywords}
BHXH ngày càng làm tốt vai trò là chỗ dựa tin cậy cho người già.

BHXH ngày càng làm tốt vai trò là chỗ dựa tin cậy, hỗ trợ thường xuyên đối với người có hoàn cảnh đặc thù và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp các rủi ro không lường trước hoặc vượt quá khả năng kiểm soát (mất mùa, thiên tai, đói nghèo...) thông qua các khoản tiền mặt hoặc hiện vật từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ bao phủ và chất lượng dịch vụ BHXH, BHTN còn thấp, Quỹ BHXH chưa bền vững. Nguyên nhân của những hạn chế trên bắt nguồn trước hết từ việc nhận thức về vai trò của ASXH chưa cao, chưa thống nhất, thậm chí coi ASXH đơn thuần là sự cứu trợ, trợ giúp, ưu đãi khiến cho việc huy động nguồn lực cũng như việc xây dựng và vận hành hệ thống ASXH còn thiếu và kém hiệu quả.

Bê cạnh đó, công tác xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, chính sách trợ giúp xã hội, ưu đãi xã hội còn nhiều hạn chế. Hiện tượng bất bình đẳng về thu nhập và mức sống giữa các vùng, các tầng lớp dân cư còn lớn và có xu hướng gia tăng...

Linh hoạt truyền thông để thu hút người tham gia

Bởi thế, BHXH Việt Nam luôn xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy người dân tích cực tham gia BHXH, BHYT.

{keywords}
Lễ ra quân có chủ đề: “Cả nước chung tay thực hiện BHXH, BHYT toàn dân”.

Vừa mới đây, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bưu điện Việt Nam triển khai Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân là nhằm tạo ra một điểm nhấn mạnh mẽ trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện; tuyên truyền, khuyến khích vận động người dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; truyền thông, phổ biến, giáo dục, động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia BHXH cho người lao động.

Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, trong các mục tiêu được nêu tại Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH đến năm 2025, 2030 là 100% cán bộ, đảng viên được tuyên truyền về những nội dung cải cách chính sách BHXH. Trước mắt, cần tập trung truyền thông tới nhóm cán bộ, đảng viên cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó lan tỏa đến người lao động.

Ngoài ra, các cơ quan BHXH phải tăng cường hình thức tuyên truyền hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ với các sản phẩm truyền thông có chất lượng về nội dung, hình thức như video clip, mega story, infographics; tiếp tục phát triển, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hình thức tuyên truyền miệng, trực tiếp; phối hợp đồng bộ các hình thức tuyên truyền trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó công nghệ là công cụ để truyền tải, nội dung truyền thông là yếu tố mang tính cốt lõi, không ngừng sáng tạo để có sự đa dạng trong nội dung và hình thức truyền thông.

Thị Thiện, Thanh Bình, Vũ Điệp