Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến 31/7/2020, số người tham gia BHXH tự nguyện là trên 700 nghìn người.

Năm nay cũng là năm đầu tiên triển khai Quyết định số 1676/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội.

Theo đó, tháng 5 được chọn là tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. Hằng năm, tổ chức hoạt động này nhằm thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách BHXH; tuyên truyền, khuyến khích vận động nhân dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Nhân dịp này, Báo VietNamNet tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Điểm tựa an sinh”

Xin trân trọng giới thiệu, ông Lê Đình Quảng, Trưởng ban Quan hệ lao động  - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bà Đinh Mai Hạnh, Phó trưởng ban Thu - Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Xin cảm ơn hai vị khách mời đã dành thời gian tham dự chương trình!

{keywords}
Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Điểm tựa an sinh”

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Lê Đình Quảng, độc giả ở Thái Bình có câu hỏi dành cho ông như sau: Theo thống kê, những năm gần đây, số người tham gia BHXH gia tăng nhưng tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH vẫn còn phổ biến. Trong số nợ đọng BHXH, có khá nhiều nợ khó đòi nằm trong các DN đã phá sản, giải thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ). Vậy làm thế nào để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ khi các doanh nghiệp nợ đọng, chây ỳ thậm chí trốn đóng BHXH?

Ông Lê Đình Quảng: Trong thời gian qua, chúng ta triển khai nhiều hoạt động, chính sách an sinh xã hội rất lớn cho NLĐ nên số lượng đối tượng tham gia BHXH đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Theo số liệu chúng tôi nắm được, chúng ta có trên 15 triệu NLĐ tham gia BHXH, chiếm 31% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đây là con số hết sức ấn tượng. Tuy nhiên có một số doanh nghiệp chậm, nợ tiền BHXH ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quyền lợi NLĐ cũng còn tồn tại và có những diễn biến phức tạp.

Thời điểm hiện nay, có khoảng trên 20 ngàn tỷ tiền các doạnh nghiệm nợ chậm tiền BHXH phải tính lãi (trên 1 tháng) ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Đặc biệt có nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp bỏ trốn quyền NLĐ càng khó khăn và không được giải quyết. Chúng ta biết rằng, khi nợ tiền BHXH một trong nguyên tắc theo quy định BHXH là nguyên tắc đóng – hưởng nên doanh nghiệp nợ BHXH quyền lợi NLĐ tham gia BHXH là không được giải quyết như tiền ốm đau, thai sản, không được hưởng tiền lương hưu…

Có thể nói rằng khi DN chậm nợ tiền BHXH thì người lao động gánh chịu thiệt hại nhiều nhất.

{keywords}
Ông Lê Đình Quảng, Trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, chúng ta phải triệt tiêu việc các DN chậm hoặc nợ, trốn đóng BHXH bằng cách giải pháp đồng bộ.

Bên cạnh đó, trong quan hệ lao động chưa khi nào hết tình trạng DN chậm, nợ BHXH vì vậy chúng ta phải có giải pháp để giải quyết trường hợp NLĐ nằm trong bối cảnh đó được hưởng quyền lợi BHXH. Ví dụ chúng ta đã cho phép DN nợ có thể đóng số tiền họ nợ tương ứng số lao động cần phải giải quyết để giải quyết quyền lợi trước mắt.

Bằng nhiều giải pháp, chúng ta giảm thiểu tối đa việc thiệt hại quyền lợi cho NLĐ, còn lại chúng ta phải làm sao cho các DN thực hiện đúng, đáp ứng đúng quy định pháp luật về BHXH nhất không nợ chậm, trốn đóng BHXH.

Nhà báo Diệu Bình: Vậy thưa ông Lê Đình Quảng, ông có đánh giá như thế nào về nguyên nhân nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay?

Ông Lê Đình Quảng: Theo chúng tôi, có rất nhiều nguyên nhân. Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi cho rằng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH cho DN, NLĐ chúng ta đã làm nhiều nhưng chưa đạt được yêu cầu đặt ra.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về BHXH của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu, do số lượng DN nhiều nhưng công tác thanh tra kiểm tra hạn chế về nhân lực. Bên cạnh đó, việc xử lý hành vi vi phạm chưa nghiêm minh, kịp thời làm cho các DN vi phạm “nhờn”, chưa đủ sức răn đe.

Về phía tổ chức NLĐ, tổ chức công đoàn, NLĐ hiện nay về ý thức hiểu biết chính sách pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổ chức công đoàn có trách nhiệm lớn trong giám sát, kiểm tra và đảm bảo việc thực hiện các chế độ chính sách BHXH cho NLĐ cũng chưa làm chưa hết sức mình nên chưa phản ánh kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình.

Đặc biệt về phía người sử dụng lao động, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH của một số DN chưa cao. Họ đang chây lỳ, lợi dụng chính sách này để hưởng lợi. Bên cạnh đó, một số DN gặp khó khăn, đặc biệt trong đại dịch Covid 19, nhiều DN khó khăn nên nợ đọng BHXH. Ngoài ra, một số quy định pháp luật đã sửa đổi rất nhiều tuy nhiên nhiều quy định pháp luật chưa hướng đến đảm bảo được tuân thủ quyền lợi.

Vừa rồi chúng ta bổ sung 3 tội danh liên quan BHXH, BH y tế, BH thất nghiệp ở điều 214, 215, 216 tuy nhiên những quy định đó cũng chưa hết được tất cả quy định liên quan đến thực thi chính sách BHXH theo cơ chế thị trường cũng như trong bối cảnh hiện nay, chưa phát huy hết tác dụng, giảm tình trọng nợ đọng BHXH.

Nhà báo Diệu Bình: Một độc giả ở Ninh Thuận hỏi ông Lê Đình Quảng: Trước tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Vậy là đơn vị bảo về quyền lợi hợp pháp cho người lao động, Tổng liên đoàn đã có những giải pháp gì để giải quyết tình trạng này, thưa ông?

Ông Lê Đình Quảng: Chúng tôi tham gia dựa vào chức năng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, đặc biệt quy định cho tổ chức công đoàn tại điều 14 luật BHXh năm 2014.

Đầu tiên chúng tôi tham gia xây dựng chính sách pháp luật. Chúng tôi tham gia nhiều việc hoàn thiện chính sách pháp luật đảm bảo cho quyền lợi NLĐ một cách tốt nhất. Kể cả việc chúng tôi cùng với BHXH, cơ quan chức năng kiến nghị đưa việc luật hóa hình sự các việc vi phạm về BHXH vào bộ luật hình sự năm 2015, có hiệu lực 1/1/2018.

Chúng tôi cũng tham gia với các cơ quan chức năng để có chính sách cụ thể giúp cho NLĐ mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Đấy là giải pháp giúp chúng ta giảm thiểu các trường hợp vi phạm pháp luật về BHXH. Chúng tôi phối hợp BHXH, các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về BHXH giúp cho NLĐ nắm bắt được các quy định của BHXH. Đầu tiên là họ tự bảo vệ quyền lợi của mình. Tổ chức công đoàn cũng bảo vệ quyền lợi của họ, giúp cho việc thực hiện, quyền nghĩa vụ về BHXH tốt hơn.

Chúng tôi phối hợp các cơ quan chức năng, BHXH, Bộ LĐTB & XH giám sát, tham gia kiểm tra đảm bảo việc tuân thủ, kiến nghị hỗ trợ DN khó khăn để họ tham gia BHXH cũng như giải quyết trường hợp khó khăn do DN nợ đọng BHXH gây ra cho NLĐ.

Bằng nhiều hoạt động, mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ tốt nhất cho NLĐ khi tham gia BHXH.

Nhà báo Diệu Bình: Tôi xin phép chuyển câu hỏi của độc giả ở Hải Phòng cho bà Đinh Mai Hạnh. Thưa bà, trong đợt dịch làn sóng Covid-19 thứ hai này, nhiều người lao động và doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn. Bảo hiểm xã hội đã phát huy vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp? Xin Bà cho biết những con số cụ thể?.

Độc giả Tuấn Anh muốn hỏi thêm bà Mai Hạnh: Tính đến hết ngày 30/6/2020, các doanh nghiệp tại các tỉnh đơn vị đã nộp hồ sơ được phê duyệt xin: Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 1.519 đơn vị.

Tương ứng với 130.794 lao động và ước số tiền khoảng 475 tỷ đồng. Số tiền này có ảnh hưởng đến việc chi trả Qũy BHXH hay không thưa Bà? Bà có kiến nghị cũng như giải pháp như thế nào giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho tránh tình trạng lạm dụng trục lợi Qũy BHXH?

Bà Mai Hạnh: Đại dịch Covid -19 diễn ra tại Việt Nam từ đầu năm, ngay từ tháng 3, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều DN, NLĐ thiếu việc, mất việc, giảm lương, tạm hoãn hợp đồng, BHXH Việt Nam cũng vận dụng hết quy định pháp luật cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn về trường hợp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

{keywords}
Bà Đinh Mai Hạnh, Phó trưởng ban Thu - Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Căn cứ văn bản quy định đấy, ngay từ tháng 3, BHXH Việt Nam đã ban hành công văn 860 để hướng dẫn các đơn vị DN có ảnh hưởng bởi dịch được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với điều kiện đã quy định ở luật như đơn vị tạm ngừng sản xuất trên 1 tháng, giảm trên 50% số lao động hoặc giảm 50% thu nhập kinh doanh thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Ngay tháng 3, BHXH Việt Nam đã hướng dẫn các địa phương tiếp nhận những hồ sơ của đơn vị đề nghị lên tạm dừng cho những đơn vị đang gặp khó khăn do dịch bệnh, không phải đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Theo là căn cứ chỉ thị như chỉ thị số 11, quyết định số 42 của chính phủ về giải pháp tháo dỡ khó khăn cho DN cũng như người dân BHXH Việt Nam tiếp tục có công văn số 1391 hướng dẫn các địa phương, trong đó hướng dẫn hồ sơ về tạm dừng đóng hoặc xác nhận những trường hợp NLĐ tạm dừng hợp đồng lao động do dịch bệnh để xác nhận chuyển qua chính quyền trình UBND ra quyết định để NLĐ dc hưởng chính sách hỗ trợ 62 nghìn tỷ của chính phủ.

Tính đến hết tháng 6, do dịch bệnh có trên 1 triệu NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, 462 nghìn NLĐ bị tạm dừng, nghỉ không lương, 22 nghìn lao động tạm ngừng đóng do bị tạm hoãn hợp đồng lao động. Trong đó cơ quan BHXH xác nhận, giải quyết và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho các đơn vị đủ điều kiện.

Theo như hương dẫn, đơn vị tạm dừng đóng đến hết tháng 6. Nếu dịch tiếp tục kéo dài, chúng tôi tiếp tục đề nghị tạm dừng đóng vào quy hữu trí, tử tuất đến tháng 12/2020.

Việc này chỉ tạm dừng đóng, hết thời hạn tạm dừng, đơn vị DN lại tiếp tục phải đóng tiền tạm dừng vào quỹ BHXH do vậy quyền lợi NLĐ không bị ảnh hưởng gì. Số tiền đơn vị tạm dừng cũng không bị tính lãi.

Nhà báo Diệu Bình: Bà có thể chia sẻ tình trạng tháo gỡ khó khăn và tránh trục lợi quỹ BHXH?

Bà Mai Hạnh: Trong đại dịch, các đơn vị DN kiến nghị lên BHXH Việt Nam cũng như kiến nghị Bộ LĐTB&XH đề nghị cho phép tháo gỡ khó khăn vướng mắc với NLĐ: tạm dừng hoãn hợp đồng (chưa chấm dứt) được ham gia BHXH tự nguyện. Vì DN vẫn muốn giữ chân NLĐ, sau khi sản xuất hồi phục họ không muốn tìm kiếm, nhân viên.

BHXH Việt Nam kiến nghị với Bộ LĐTB&XH cho các DN có thể đối với những đối tượng tạm dừng hoãn hợp đồng không tham gia tại các DN khác hợp đồng trên 1 tháng sẽ được đóng tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để đảm bảo quyền lợi của NLĐ không bị ngắt quãng.

Nhà báo Diệu Bình:  Tôi xin trở lại với ông Lê Đình Quảng. Thưa ông, độc giả Phương Linh có hỏi:  Thời gian qua, Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm xã hội đã có sự phối hợp như thế nào góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp? Kết quả của hoạt động này như thế nào?

Ông Lê Đình Quảng: Chúng tôi đánh giá đây là sự phối hợp rất hiệu quả đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Chúng tôi phối hợp BHXH tập trung vào một số mảng công việc chính sau đây:

Tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách về BHXH, BH y tế, BH thất nghiệp cho người lao động. Đây là hoạt động chúng tôi duy trì thường xuyên trong nhiều năm và có nhiều hình thức. Mặc dù chúng tôi biết rằng, so với yêu cầu có thể chưa đáp ứng được nhưng đây là sự cố gắng rất lớn nên NLĐ cơ bản nắm bắt được quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia bảo hiểm.

Vì vậy họ là người tự hiểu biết, chủ động thực hiện, tham gia bảo vệ quyền lợi của mình. Đây là hoạt động chúng tôi đánh giá cao trong thời gian vừa qua.

Thứ 2 chúng tôi phối hợp tham gia kiểm tra, giám sát đặc biệt giám sát các cấp công đoàn. Về trung ương là giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam; ở địa phương là cấp tỉnh và cấp huyện…

Chúng tôi phối hợp tham gia xây dựng các chính sách về BHXH. Có thể nói, từ khi việc tham gia bộ luật hình sự, quy định khởi kiện phối hợp chặt chẽ kể cả đảm bảo quyền lợi người lao động trong dịch covid -19.

Với sự phối hợp như vậy, thờ gian qua, đối tượng tham gia bảo hiểm phát triển mạnh mẽ. Tình trạng thực thi về BH y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tốt hơn. Chúng ta biết rằng số nợ BHXH có thể vẫn còn cao nhưng do số lượng DN tham gia BHXH ngày càng nhiều và có những giai đoạn họ khó khăn nhưng đánh giá chung, chúng tôi thấy việc thực hiện chính sách anh sinh xã hội ngày càng tốt.

Trong đó có đóng góp phối hợp chặt chẽ giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn, hệ thống BHXH Việt Nam.

Việc phối hợp với BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động có gặp khó khăn gì không thưa ông?

Ông Lê Đình Quảng: ­­Quá trình phối hợp nảy sinh nhiều khó khăn. Đó là sức ì, sự quan tâm của cấp ủy địa phương chưa đúng mức đến chính sách BHXH. Nhiều địa phương muốn thu hút vốn, bảo vệ DN nên họ nương tay, không kiên quyết trong việc xử lý các hành vi vi phạm với quan niệm nếu mình xử lý nghiêm các DN không tồn tại, địa phương không có các khoản thu.

Khó khăn nữa là nhận thức của NLĐ, NLĐ có đời sống khó khăn.

Nhiều trường hợp bản thân NLĐ đồng hành cùng người sử dụng lao động để trốn không tham gia BHXH - họ chỉ nhìn thấy lợi trước mắt mà không thấy lợi lâu dài.

Cuối cùng là nhiều chế độ chính sách chúng tôi tham gia cùng BHXH không giải quyết được vì vướng mắc quy định của pháp luật.

Ví dụ chúng ta bàn về chủ đề nợ BHXH ảnh hưởng quyền lợi NLĐ, đặc biệt trường hợp DN phá sản, giải thể, chủ người nước ngoài bỏ trốn…

Chúng ta xây dựng nghị định khoản 7 điều 10 của luật BHXH. Về quy định có thể áp dụng trong trường hợp này, quyền lợi của NLĐ có thể lấy nguồn ngân sách nhà nước, các DN chậm đóng hoặc vi phạm để mà chi cho DN có chủ bỏ trốn… nhưng vướng quy định pháp luật khác không cho phép. Luật phá sản, luật DN… đều quy định khi DN phá sản, tiền nợ đọng BHXH không phải là khoản đầu tiên được ưu tiên giải quyết.

Khi DN phá sản, lại ưu tiên giải quyết các vấn đề khác nên quyền lợi NLĐ về BHXH chưa được giải quyết. Bởi vậy việc giải quyết cho NLĐ và các DN nghiệp nợ đọng gặp rất niều khó khăn.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa bà Mai Hạnh, độc giả Ngọc Anh thắc mắc: Năm 2020, được coi là năm bản lề để BHXH tự nguyện tăng tốc. Tuy nhiên, hiện nay dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến kinh tế - xã hội của nước ta. Vậy điều này ảnh hưởng gì tới mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH?

{keywords}
 

Bà Mai Hạnh: Năm 2020, ngành bảo hiểm đặt mục tiêu tăng tốc số lượng người dân tham gia BHXH tự nguyện. Đến hết năm 2019, có khoảng 574 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện và năm 2020, chúng tôi đặt kế hoạch là khoảng 1,2 triệu người tam gia – đây là mục tiêu cao hơn chỉ tiêu Thủ tướng chính phủ giao cho ngành BHXH.

Tuy nhiên ngay từ đầu năm 2020, do đại dịch Covid -19 nên từ tháng 1, 2, 3, 4 hầu như không phát triển thêm đối tượng tham gia tham gia BHXH tự nguyện.

Nguy cơ số tham gia phải tạm dừng cho dịch họ không có việc và thu nhập nên không có tiền tham gia tiếp.

Tuy nhiên đến tháng 5, tình hình dịch bệnh được kiểm soát ngành bảo hiểm quyết tâm nỗ lực dù năm 2020 có nhiều khó khăn vẫn tiếp tục phát triển.

Tháng 5, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp như: tiếp tục tuyền truyền, vận động người dân tham gia, tổ chức lễ ra quân trong tháng 5 hưởng ứng tham gia BHXH toàn dân, từ địa phương đến trung ương.

Sau lễ ra quân, kết quả đạt được khá khả quan: Ngay trong ngày đầu tiên, có hàng chục nghìn người tham gia BHXH tự nguyện. Đến hết tháng 7, có 737 nghìn người tham gia. Chúng tôi vẫn đặt mục tiêu năm 2020 quyết tâm đạt được kế hoạch: 1,2 triệu người tham gia.

Chúng ta biết rằng lực lượng lao động trong khu vực lao động phi chính thức tiềm năng lớn. Trong những năm trước, người dân chưa được tiếp cận đến loại hình BHXH tự nguyện này. Chúng tôi đặt ra mục tiêu không chỉ trong năm 2020 mà trong thời gian tới sẽ tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu khai thác đối tượng tham gia BHXH tự nguyện này, chúng ta mới tiến tới được mục tiêu BHXH toàn dân.

Nhà báo Diệu Bình: Tính đến thời điểm ngày 30/6/2020, số người tham gia BHXH tự nguyện là 670,8 nghìn người, đạt 55,9% kế hoạch giao, tăng 96,8 nghìn người. Con số này cho thấy số người tham gia BHXH tự nguyện đều sụt giảm so với năm 2019.

Bà có thể cho biết một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm số người tham gia BHXH này?

Bà Mai Hạnh: Trong 6 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn ra, số người tham gia BHXH tự nguyện mất thu nhập, rời khỏi thị trường BHXH tự nguyện. Tuy nhiên chúng tôi cũng đã triển khai phối hợp với các cấp ủy chính quyền địa phương để tiếp tục chỉ đạo triển khai chế độ BHXH tự nguyện trên địa bàn.

Hiện nay thực hiện nghị quyết số 28 của hội nghị lần 7 Ban chấp hành TƯ lần 12 của Đảng, các cấp ủy chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu phát triển BHXH cũng như BH y tế vào chỉ tiêu phát triển kinh tế địa phương nên chúng tôi dựa vào địa phương để tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương ủng hộ ngành bảo hiểm tạo điều kiện, cơ sở vật chất để ngành BHXH có thể triển khai.

Đó là phối hợp với bưu điện tổ chức hội nghị tuyên truyền vận động người dân. Mỗi hội nghị hơn 100 người tham gia, người dân lại vận động người thân của họ để hiểu biết quyền lợi  khi tham gia BHXH.

Đến giờ có 737 nghìn người tham gia, đến tháng 7 - nhân ngày BH y tế toàn dân (1/7), chúng tôi lại tổ chức lễ ra quân. Sau ngày ra quân, số lượng tham gia phát triển một con số đáng kể.

Nhà báo Diệu Bình: Độc giả Diệu Linh muốn biết những mục tiêu trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH trong thời gian tới thưa bà?

Bà Mai Hạnh: Năm 2020 là năm khó khăn đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu không chỉ với ngành BHXH mà còn các bộ ngành khác. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2020 dù đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chắc chắn bị sụt giảm so với kế hoạch đầu năm.

Chúng tôi sẽ đặt mục tiêu phát triển đối tượng BHXH tự nguyện để bù đắp vào số lượng tham gia BHXH bắt buộc bị sụt giảm.

Để triển khai nghị quyết số 28 (từ năm 2021, theo nghị quyết 28 là phải đạt 25% số người trong lực lượng lao động tham gia BHXH, năm 2025 phải là 45% lực lượng lao động tham gia BHXH, chúng ta xây dựng kế hoạch 5 năm.

Dù khó khăn do dịch bệnh nhưng trong kế hoạch của chúng tôi vẫn đặt ra về việc phát triển đối tượng tam gia BHXH bắt buộc lẫn tự nguyện làm sao phải đạt chỉ tiêu số 28 đặt ra.

Nhà báo Diệu Bình: Độc giả Minh Quân đặt câu hỏi: Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các ngành nghề trong xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những hoạt động gì nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động tham gia BHXH?

{keywords}
 

Ông Lê Đình Quảng: Chúng ta biết rằng, thời gian qua, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp. Từ đó, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Tổng liên đoan đã thấy được tình trạng này cho nên ngay từ khi phát sinh dịch bệnh đã có nhiều giải pháp.

Đầu tiên là kêu gọi, động viên, tuyên truyền, người lao động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền.

Nếu chúng ta thực hiện tốt, phòng tránh được dịch bệnh cũng tránh cho các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch.

Thứ 2, chúng tôi chăm lo quyền lợi cho NLĐ. Những nơi gặp khó khăn, chúng tôi hỗ trợ cho NLĐ.

Đặc biệt, kêu gọi NLĐ, cả cấp công đoàn cùng với người sử dụng lao động tìm mọi biện pháp để duy trì sản xuất. Duy trì sản xuất mới có việc làm, có việc làm mới có điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH.

Ngoài ra, chúng tôi kêu gọi người sử dụng lao động không sa thải, thải loại NLĐ. Nếu thu hẹp sản xuất có thể cho NLĐ luân phiên nhau làm việc, giữ chân NLĐ.

Để khi hết dịch, doanh nghiệp không phải vất vả tuyển dụng lao động, NLĐ nhanh chóng quay trở lại guồng quay công việc.

Như vậy, vừa đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, đồng thời NLĐ vẫn giữu được quyền lợi tham gia BHXH liên tục.

Chúng tôi còn tham gia hoạch định các chính sách, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ví dụ: Chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Theo số liệu chúng tôi nắm bắt được, hiện nay có khoảng 1.500 doanh nghiệp được hưởng chính sách này. Giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, để tồn tại, bảo vệ việc làm cho NLĐ, bảo vệ quyền an sinh xã hội cho NLĐ.

Với nhiều giải pháp như vậy, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, thực hiện 3 chính sách: Chính sách tài khóa, chính sách tín dụng và chính sách hỗ trợ an sinh. Chúng tôi hi vọng, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, NLĐ cũng sẽ đảm bảo quyền lợi về an sinh xã hội.

Nhà báo Diệu Bình: Năm tới, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dự đoán có nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản, dẫn tới nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội của NLĐ.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có phương án, kế hoạch đối phó nhằm đảm bảo quyền lợi NLĐ và hỗ trợ doanh nghiệp không, thưa ông?

Ông Lê Đình Quảng: Luật BHXH quy định rất cụ thể các quyền lợi của NLĐ.

Trường hợp xấu nhất, khi doanh nghiệp phá sản, giải thể, NLĐ sẽ mất việc làm, quyền lợi của người lao động bên BHXH vẫn được bảo đảm.

Trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp này phá sản, có thể tìm việc làm ở doanh nghiệp khác nhưng khi cả xã hội, nhiều doanh nghiệp phá sản, NLĐ rất khó kiếm việc.

Vậy, phải bảo vệ NLĐ bằng cái gì? Rõ ràng, về mặt vĩ mô, chúng ta phải làm sao giải quyết được việc làm cho NLĐ và trong cơ chế thị trường, Việc làm và NLĐ rất linh hoạt.

Nếu việc làm ở doanh nghiệp chưa có, chúng ta có thể làm việc ở khu vực gọi là phi kết cấu. Chúng ta có thể tiếp tục tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện.

Vì cơ chế hiện nay cho phép liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Ở đây, có mấy việc chúng tôi rất quan tâm. Khi trường hợp xấu nhất, doanh nghiệp giải thể, phá sản và NLĐ mất việc làm, không có việc làm trong nơi có quan hệ lao động. Chúng tôi vẫn có tuyên truyền, có lời khuyên cho NLĐ là không nên hưởng BHXH 1 lần.

Đây là vấn đề rất nhức nhối hiện nay. Chúng ta biết rằng, một số năm gần đây, tỷ lệ người do điều kiện khó khăn nên đã nhận BHXH 1 lần rất cao. Hàng năm có trên 700 ngàn người xin nhận trợ cấp 1 lần.

Đồng nghĩa với việc họ sẽ mất quyền lợi về BHXH hưu trí. Bởi vì những người này là người có tuổi đời khá cao.

Chúng tôi muốn khuyên mọi người, không nên vì quá khó khăn mà xin nhận trợ cấp 1 lần. Vì chúng ta mất việc, chúng ta vẫn có thể tham gia việc làm ở khu vực phi kết cấu và tham gia BHXH tự nguyện.

Thứ 2: Hiện còn có tình trạng bán sổ BHXH trên mạng. Tức là họ cũng mất việc làm. Do đời sống khó khăn quá, họ bán hoặc cầm cố sổ bảo hiểm. Thực chất là bán cái quyền nhận trợ cấp 1 lần.

Chúng tôi đề xuất các giải pháp, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. tức là công đoàn phải làm sao khi NLĐ vào tổ chức, phải có hoạt động hỗ trợ họ, kể cả hoạt động tín dụng 1 cách thuận lợi nhất cho NLĐ, khi họ gặp khó khăn, tránh tình trạng phải dùng quỹ tài chính đen hoặc tổ chức tín dụng đen. Hay bán/thế chấp quyền BHXH.

Đây là những giải pháp của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đặt trong bối cảnh nếu năm 2021 tình hình Covid-19 tác động xấu, ta phải có giải pháp sao cho NLĐ vượt qua được khó khăn.

Chúng tôi hi vọng, với những gì chúng ta đang nỗ lực phòng chống dịch Covid-19, bức tranh xấu đó sẽ không xảy ra.

Tôi cũng hi vọng năm 2021, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, để duy trì việc làm và duy trì được chính sách BHXH cho NLĐ.

Nhà báo Diệu Bình: Có một độc giả đưa ra thắc mắc, cần được giải đáp gửi đến bà Mai Hạnh là: Trong bối cảnh các đơn vị, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19.

Đối tượng nào được hưởng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước ? Quỹ BHXH hỗ trợ cho tất cả các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là bao nhiêu?

Bà Đinh Mai Hạnh: Như chúng ta đã biết, từ ngày 1/1/ 2018, tất cả người tham gia BHXH tự nguyện, đều được ngân sách nhà nước hỗ trợ các khoản đóng.

Mức hỗ trợ như sau: Đối với NLĐ thuộc hộ gia đình nghèo sẽ được hỗ trợ là 30% của mức đóng, trên mức lựa chọn thu nhập là 700 nghìn đồng/tháng theo chuẩn hộ nghèo (theo mức thấp nhất).

Tính ra 22% của 700 nghìn đồng, nếu chúng ta đóng theo mức này thì hàng tháng chúng ta phải đóng là 154 nghìn đồng. Những người thuộc hộ gia đình nghèo mà tham gia BHXH tự nguyện, sẽ được hưởng là 30% của 154 nghìn đồng. Tức là 46 nghìn 200 đồng/tháng.

Nếu đóng theo mức thấp nhất sẽ được hỗ trợ là 46 nghìn 200 đồng/tháng. Như vậy, mỗi tháng NLĐ chỉ cần đóng khoảng 100 nghìn đồng/tháng.

Người thuộc hộ cận nghèo cũng có thể tham gia vào BHXH tự nguyện. Mức hỗ trợ là 25% của 154 nghìn đồng. Tức là 38 nghìn 600 đồng/tháng.

Ngoài ra, những người dân khác, không thuộc hộ cận nghèo và hộ nghèo sẽ được hưởng 10% - tương đương 15 nghìn 400 đồng/tháng.

Từ năm 2018, tấ cả các trường hợp, đóng theo mức nào cũng được hưởng hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người tham gia tối đa 10 năm. Điều này đã khuyến khích được người dân tích cực tham gia hơn và BHXH tự nguyện.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa bà Mai Hạnh, BHXH Việt Nam đã có những chính sách thay đổi, cải tiến như thế nào để thu hút người dân tham gia nhiều hơn trong thời gian qua?

Bà Mai Hạnh: Để khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn nữa vào loại hình BHXH tự nguyện, trong những năm gần đây, ngành bảo hiểm chúng tôi đã tăng cường công tác truyền thông.

Đặc biệt là 2 năm gần đây, chúng tôi triển khai nhiều loại hình như: Tuyên truyền các kênh phương tiện thông tin đại chúng, qua các lễ ra quân, phối hợp với ngành bưu điện, tổ chức 1.700 hội nghị tuyên truyền trực tiếp.

Trong thời gian dịch diễn ra, chúng tôi vẫn triển khai tuyên truyền qua mạng như: Facebook, zalo hoặc livestream trực tiếp.

Tất cả các hoạt động này nhằm tăng cường, để làm sao người dân tiếp cận được với quyền lợi, cũng như các chính sách về BHXH tự nguyện.

Đấy là 1 giải pháp mà chúng tôi đã triển khai và nó mang đến hiệu quả tích cực.

Mộtt điều nữa, cơ chế chính sách, luật BHXH 2014 cũng đã có nhiều đổi mới so với trước. Tuy nhiên, chúng ta đã biết, chính sách về BHXH tự nguyện còn quy định phải đóng đủ 20 năm và hết tuổi lao động, mới được hưởng chế độ lương hưu.

Thời gian 20 năm tương đối là dài. Do vậy chúng tôi vẫn kiến nghị, để làm sao chính sách này hấp dẫn hơn, thời gian tham gia sẽ giảm lộ trình từ 20 năm xuống còn 15 năm và 10 năm, người lao động vẫn được hưởng chế độ hưu trí tương ứng với thời gian đóng.

Thứ 2, hiện tại những người tham gia BHXH tự nguyện đều được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, mức hỗ trợ đó còn tương đối thấp nên chúng tôi đã kiến nghị, tăng thêm mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp tục kiến nghị, cải cách chính sách BHXH tự nguyện cho hấp dẫn hơn, tương đương chế độ của BHXH bắt buộc như: Bổ sung thêm chế độ ốm đau, thai sản.

Nhà báo Diệu Bình: Độc giả Trần Cường mong ông Lê Đình Quảng giải đáp câu hỏi: khi xảy ra tranh chấp với doanh nghiệp về vấn đề quyền lợi BHXH công nhân, NLĐ có thể đến đâu để được hỗ trợ tư vấn pháp lý thưa ông?

Ông Lê Đình Quảng: Tổ chức công đoàn được sinh ra để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Trong các quyền lợi chính đáng, NLĐ có quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN.

Đây là một trong những tranh chấp xảy ra thường xuyên trong quan hệ lao động.

Hiện nay, chúng tôi xác định, tổ chức công đoàn phải quan tâm đến các hoạt động chăm lo, bảo vệ.

Đặc biệt, quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn về BHXH đã được pháp luật quy định. Chúng tôi đã quán triệt các cấp công đoàn tăng cường công tác nắm bắt, tư vấn cho NLĐ khi có tranh chấp xảy ra.

Luật công đoàn đã quy định tại điều 10 về quyền và trách nhiệm của công đoàn là phải tư vấn chế độ chính sách, BHXH cho NLĐ.

Bên cạnh đó, chúng tôi có hệ thống tư vấn pháp luật rộng khắp. Hiện chúng tôi có 16 trung tâm tư vấn pháp luật và 56 tổ tư vấn việc làm và gần 600 tổ tư vấn pháp luật.

Thứ nhất: NLĐ khi có tranh chấp xảy ra về BHXH, đầu tiên có thể phản ánh lên công đoàn cơ sở.

Thứ 2: NLĐ tìm đến các hệ thống trung tâm tư vấn pháp luật, các tổ chức tư vấn pháp luật.

Chúng tôi đang sửa đổi bổ sung Luật Công đoàn. Luật Công đoàn hiện nay đã quy định tại điều 14 là Công đoàn có thể tham gia tố tụng, bảo vệ cho người lao động khi xảy ra tranh chấp về lao động, về BHXH.

Thực tế cho thấy, nhiều cấp công đoàn đã đại diện cho NLĐ để tham gia các vụ kiện bảo vệ quyền lợi của NLĐ trước phiên tòa.

Công đoàn chính là địa chỉ cho NLĐ khi xảy ra tranh chấp về quyền lợi BHXH.

Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn thông tin thêm đến NLĐ. Theo Nghị Quyết 05 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án Tối cao đã hướng dẫn điều 214, 215, 216 Bộ luật HS có quy định về trách nhiệm khi doanh nghiệp có hành vi vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo các quy định này.

Tổ chức công đoàn các cấp có trách nhiệm thông tin đến cơ quan có thẩm quyền để tiến hành khởi tố theo quy định của pháp luật.

Nếu như công nhân lao động, đoàn viên công đoàn mà thấy doanh nghiệp vi phạm về quyền lợi BHXH. Đặc biệt là tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH theo điều 216, ảnh hưởng quyền lợi người lao động thì phải phản ánh lên các cấp công đoàn.

Các cấp công đoàn tiếp tục phản ánh lên cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo cho việc thực thi pháp luật. 

Nhà báo Diệu Bình: Năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có mục tiêu, kế hoạch gì để đảm bảo tốt hơn nữa quyền lợi của NLĐ khi tham gia BHXH?

Chúng tôi thực hiện Nghị Quyết 28 về cải cách BHXH, trong đó có mục tiêu rất cụ thể.

Đặc biệt, năm 2021 là năm bản lề, năm chúng ta sẽ tiến hành Bộ Luật Lao Động 2019. Năm chúng ta cải cách chính sách tiền lương và rất nhiều chỉ tiêu như chị Hạnh trao đổi.

Đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng rất lớn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện trong năm 2021.

Chúng tôi đảm bảo làm sao số lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc đầy đủ.

Theo số liệu của chúng tôi, có khoảng 3 triệu NLĐ làm việc thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Số lượng đối tượng tham gia vẫn chưa tăng nhanh. Chúng tôi muốn con số này phải tiếp tục tăng hơn nữa.

Tiếp nữa, chúng tôi phải duy trì được số lao động tham gia BHXH, đảm bảo họ không rút ra, không nhận trợ cấp 1 lần. Nhất là khi các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Chúng tôi cố gắng duy trì số lượng các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động vẫn tiếp tục sử dụng lao động, để họ có điều kiện tham gia BHXH, để số lượng đối tượng tham gia BHXH không tụt giảm mà còn mở rộng hơn.

Ngoài ra, chúng tôi đặt ra mục tiêu hết sức quan trọng, đó là sẽ tiến hành nghiên cứu, sửa đổi các chính sách về BHXH theo tinh thần Nghị Quyết 28.

Cũng như chị Hạnh nói, ta phải sửa đổi Bộ luật Lao Động sao cho hấp dẫn hơn, phù hợp hơn để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Cuối cùng, tôi cũng muốn năm 2021, các doanh nghiệp đồng hành cùng người lao động, quan tâm đến điều kiện lao động, quan tâm đến cải cách chính sách an sinh xã hội.

Qua đó, duy trì các chính sách về lao động, đảm bảo môi trường làm việc ngày một hiện đại, tiến bộ, theo đúng tinh thần của Bộ luật Lao động đã có hiệu lực. Tức là xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Nhà báo Diệu Bình: Đây là thắc mắc của bạn Huyền Thư dành cho bà Mai Hạnh: Khó khăn nhất trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là nhận thức của người dân. Đôi lúc người dân còn có sự nhầm lẫn, so sánh với bảo hiểm thương mại? Bà có chia sẻ gì về vấn đề này?

Bà Đinh Mai Hạnh: Như các bạn đã biết, trước đây, nhắc đến bảo hiểm là người dân nghĩ ngay đến bảo hiểm thương mại.

Chúng ta phải khẳng định, chính sách về BHXH nói chung cũng như BHXH tự nguyện nói riêng, là một loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức thực hiện. Quỹ bảo hiểm xã hội này là do Nhà nước đảm bảo. Chúng ta phải khẳng định, đây là một chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.

Để người dân không hiểu nhầm giữa 2 loại hình bảo hiểm này, chúng tôi phải tăng cường tuyên truyền cho người dân, giúp họ hiểu rõ được về chính sách cũng như quyền lợi được hưởng khi tham gia BHYT và BHXH, BHXH tự nguyện.

Khi họ đủ tuổi hưởng lương hưu, họ sẽ được cấp thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh. Họ không phải tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Khi họ được hưởng các chế độ như chế độ lương hưu. Chế độ lương hưu của họ cũng được tăng hàng năm như các loại hình tham gia BHXH bắt buộc khác.

Mặc dù, có nhiều điểm BHXH tự nguyện không thể so sánh được với BH thương mại nhưng lương hưu và trợ cấp xã hội này có nhiều ưu việt: Không phải đóng thuế, thu nhập tháng đã đóng BHXH làm căn cứ để tính mức bình quân mức hưởng lương hưu cũng được điều chỉnh trên cơ sở trượt giá theo chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ do Chính Phủ quy định.

Chúng ta hiểu rằng, tiền chúng ta đóng góp vào quỹ BHXH không phải là số tiền cố định.

Tôi ví dụ, số tiền chúng ta đóng mức thấp nhất là 154 nghìn đồng/tháng, không phải sau 20 năm chúng ta sẽ được hưởng đúng số tiền đã đóng.

Chúng ta sẽ được hưởng số tiền tính theo mức điều chỉnh trượt giá hàng năm. Tôi gọi đơn giản là hưởng lãi như tiền gửi tiết kiệm.

Khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân còn có quyền tự lựa chọn mức đóng cho phù hợp với điều kiện và thu nhập của mình. Họ được lựa chọn các phương thức đóng.

Một điều nữa, khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân không có thu nhập để tiếp tục tham gia, tiền BH đã đóng sẽ không bị mất đi như các loại hình BH khác mà vẫn được ghi nhận vào sổ BHXH, để tiếp tục tính cộng với các thời gian đã tham gia trước hoặc thời gian sau này. Để tính làm sao cho đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Nhà báo Diệu Bình: Độc giả Vũ Xuân bày tỏ sự băn khoăn với bà Mai Hạnh, họ muốn biết những khó khăn và thuận lợi khi vận động người dân ở vùng sâu vùng xa tham gia BHXH? Xin cảm ơn bà.

Bà Mai Hạnh: Chúng tôi đi vận động người dân ở vùng đồng bằng, thành phố tham gia BHXH tự nguyện đã rất khó khăn.

Chúng tôi phải đi tuyên truyền, vận động rất nhiều lần, giúp người dân hiểu để họ tham gia.

Đối với vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn hơn. Vì ở đây, trình độ của người dân còn tương đối thấp. Thu nhập của họ chưa cao, không ổn định.

Họ chủ yếu làm nương rẫy, đánh bắt cá. Chúng tôi rất vất vả để thực hiện công tác tuyên truyền họ tham gia BHXH tự nguyện.

Tuy nhiên, ở đây cũng có một số thuận lợi nhất định như đồng bào dân tộc thiểu số họ rất tin tưởng vào Già làng, Trưởng bản. Chúng tôi có thể tận dụng những uy tín của Già làng, Trưởng bản để tuyên truyền cho người dân hiểu và tham gia.

Nhà báo Diệu Bình: Giai đoạn 5 năm gần đây (2015 - 2020) có sự thay đổi như thế nào đối với việc tham gia BHXH của người Việt Nam thưa bà Mai Hạnh?

Bà Mai Hạnh: Về việc tham gia BHXH từ năm 2015 đến 2020 chúng ta thấy có sự chuyển biến rất rõ rệt.

Trước đây, BHXH tự nguyện được luật quy định và triển khai từ năm 2008. Tuy nhiên, thời gian trước 2015, 2016 hầu như chỉ có những người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc, khi nghỉ việc họ mới biết để chuyển sang BHXH tự nguyện, đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Bình thường, những người dân khác lại không biết đến chế độ này. Năm 2016, số người tham gia BHXH tự nguyện mới có 203 nghìn người tham gia. Đến hết năm 2017, chỉ có 224 nghìn người tham gia, tăng khoảng 10%. Đến năm 2018, con số này là 277 nghìn người. Năm 2019, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, số người tham gia đạt 574 nghìn người. Tính riêng năm 2019 là gấp đôi khoảng thời gian từ 2008 – 2018.

Từ đầu năm 2020 đến nay, con số này là 737 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện.

{keywords}
 

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Quảng, nhiều NLĐ vẫn chưa nhận thức rõ và đầy đủ về chính sách trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia BHXH, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

Ông nhận định về vấn đề này như thế nào? Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có phương án gì để nâng cao hơn nhận thức NLĐ về BHXH?

Ông Lê Đình Quảng: Qua theo dõi chính sách thực thi BHYT, BHXH, BHTN, chúng tôi thấy số công nhân lao động hiểu biết vai trò, tác dụng lâu dài của các chính sách an sinh xã hội còn có nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, gần đây sự nhận thức của người dân ngày càng tốt nhưng cũng chưa đầy đủ.

Nguyên nhân một phần do công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến của chúng ta chưa đầy đủ.

Các hình thức tuyên truyền không phù hợp. Cách thức tuyên truyền chưa hợp lý, chưa hấp dẫn. Có những thời điểm chúng ta đưa thông tin khiến người lao động hoang mang.

Cụ thể là khi sửa đổi Bộ Luật lao động, nâng tuổi nghỉ hưu. Chúng ta lại tuyên truyền không nâng tuổi nghỉ hưu, có nguy cơ vỡ quỹ BHXH. Người lao động tham gia BHXH lo lắng…

Tôi còn nhận thấy nhiều người, chưa nhận thức được tính liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Trong nền kinh tế thị trường, việc luân chuyển lao động từ khu vực có quan hệ lao động sang khu vực không có quan hệ lao động là chuyện rất bình thường.

Luật của chúng ta đã quy định việc liên thông rất thuận lợi. Vì vậy, chúng ta phải làm sao để NLĐ hiểu và đảm bảo quyền lợi của mình.

Năm 2020 và 2021, tỉ lệ người lao động thất nghiệp có khả năng tăng. tôi mong người lao động hiểu được sự liên thông giữa 2 chế độ BHXH này để duy trì. Có thể mình đang tham gia BHXH tự nguyện, khi mình mất việc có thểm tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo chính sách an sinh.

Tôi nghĩ cái quan trọng là nâng cao sự hiểu biết của NLĐ về các chính sách bảo hiểm. Giải pháp cần triển khai là tuyên truyền sâu, rộng, một cách đúng và dễ hiểu đến NLĐ. Sử dụng hình thức sinh động, nội dung tuyên truyền đơn giản, thiết thực.

Tôi nghĩ, việc thực thi quyền lợi BHXH với người lao động tại các doanh nghiệp cũng là 1 kênh tuyên truyền hữu hiệu.

Nếu chủ sử dụng lao động chây ì, trốn đóng BHXH, chậm đóng BHXH, người lao động không được giải quyết quyền lợi BHXH. Đó sẽ là hình ảnh xấu, khiến người lao động có cái nhìn không thiện cảm với BHXH.

Nhưng nếu chúng ta thực hiện tốt các quy định, đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi tham gia BHXH, họ sẽ yên tâm tham gia.

Qua những cách như vậy, dần nhận thức của xã hội, của người lao động, của doanh nghiệp và các cấp các ngành sẽ tốt hơn. Tôi hi vọng, chính sách an sinh xã hội sẽ mở rộng toàn dân. Trong đó có cả BHYT, BHXH.

Chương trình giao lưu trực tuyến: Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Điểm tựa an sinh đến đây là kết thúc. Một lần nữa xin cảm ơn sự tham gia của 2 vị khách mời, cám ơn quí vị độc giả đã dành thời gian theo dõi.

Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại trong các chương trình giao lưu sắp tới của Báo VietNamNet.

VietNamNet thực hiện
Ảnh: Quốc Huy