Chi gần 1,3 tỷ đồng cho đề án chuyển đổi số

Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị công bố Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030.

Theo đó, Đề án xác định chuyển đổi số 4 lĩnh vực ưu tiên trước mắt gồm y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch. 

Tổng kinh phí thực hiện Đề án gần 1.300 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

{keywords}
Ảnh minh họa

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến Tre Trịnh Minh Châu, Đề án đề ra mục tiêu chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Đề án còn đặt mục tiêu ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường đồng thời, xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, là địa phương tiêu biểu về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và nông nghiệp.

Theo đó, giai đoạn 2020-2025, tỉnh Bến Tre phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến đảm bảo mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

60% dữ liệu quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được số hóa, lưu trữ tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và đưa vào khai thác hiệu quả …

Đến năm 2025, Bến Tre thuộc nhóm 30 tỉnh dẫn đầu trong xếp hạng về công nghệ thông tin; kinh tế số chiếm tối thiểu 10% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 5%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 5%.

Ngoài ra, tỉnh phấn đấu hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Là 1 trong 32 địa phương triển khai an toàn thông tin ở mức khá

Theo kết quả xếp hạng an toàn thông tin mạng năm 2019 của các cơ quan nhà nước được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) công bố cuối tháng 9/2020, Bến Tre là 1 trong 32 địa phương được đánh giá xếp loại B - (65 điểm ≤ chỉ số an toàn thông tin < 80 điểm), đã quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức khá.

Thông tin về hiện trạng bảo đảm an toàn, an ninh thông Sở TT&TT Bến Tre cho biết, 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh có sử dụng Internet dưới phương thức tự thuê bao dịch vụ và có mạng nội bộ. Hầu hết các cơ quan có kết nối mạng không dây và thiết lập khóa truy cập nhằm ngăn chặn những kết nối bất hợp pháp; 100% cơ quan đơn vị đã trang bị hệ thống máy chủ và có cài đặt phần mềm chống virus.

Bên cạnh đó, Bến Tre đã và đang triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng mô hình 4 lớp.

Trong đó, để tổ chức lực lượng tại chỗ, Bến Tre đã thành lập đội ứng cứu sự cố và thực hiện tốt công tác tham mưu, tổ chức thực thi và kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh mạng .

Hiện 100% cơ quan trên địa bàn Bến Tre đã có cán bộ phụ trách an toàn, an ninh thông tin nhưng hầu hết là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực an ninh thông tin và an toàn hệ thống.

Năm vừa qua, 2 đơn vị chức năng của Bộ TT&TT là Cục Tin học hóa và Cục An toàn thông tin hỗ trợ tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức về CNTT và an toàn, an ninh mạng cho lãnh đạo quản lý và chuyên viên quản trị mạng, lực lượng chuyên trách an toàn, an ninh mạng của Bến Tre và các tỉnh phía Nam.

Ngọc Dũng