Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM nhận định, mặc dù có nhiều giải pháp kết hợp, song do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên những tháng đầu năm nay, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, thu, thu nợ trên địa bàn đều không đạt yêu cầu.

{keywords}
BHXH thành phố Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh tuyên truyền phát triển đối tượng. Ảnh minh họa

Cụ thể, số lao động tham gia BHXH bắt buộc giảm tới 210.000 người trong 4 tháng (nhóm DN ngoài quốc doanh giảm 105.000 lao động, DN FDI giảm 79.000 lao động và DN trong nước giảm 14.000 lao động). Trong số 210.000 lao động tham gia BHXH bắt buộc giảm, thì có tới 86.000 người nghỉ không lương, 17.000 người giải quyết chế độ hưu trí và 106.000 người bảo lưu thời gian tham gia.

“Số người tham gia BHYT cũng giảm 210.000 người, nên dù cơ quan BHXH đã vận động trên 100.000 người tham gia BHYT hộ gia đình trong 4 tháng đầu năm 2020 cũng không bù được số tham gia BHYT bắt buộc giảm”- ông Mến cho hay.

Theo Giám đốc BHXH thành phố Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm, BHXH Thành phố xác định phải phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thông qua rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp, cũng như giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện cho từng quận, huyện. Theo đó, mỗi tháng các quận, huyện phải vận động được 8.600 người tham gia BHXH tự nguyện và khoảng 60.000 lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Bên cạnh đó, phối hợp với Bưu điện triển khai các hội nghị tuyên truyền với hình thức đa dạng, nhất là cần xuống trực tiếp các phường, xã để tuyên truyền. Đặc biệt, phấn đấu đạt trên 99,5% HSSV tham gia BHYT (hiện còn 137.000 HSSV chưa tham gia); tăng cường thanh kiểm tra và chuyển hồ sơ đơn vị chậm đóng, nợ đọng BHXH sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự.

“Với những giải pháp đồng bộ cùng sự vào cuộc của các cấp, TP.HCM kỳ vọng đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao”- ông Mến chia sẻ.

Bài: Nguyễn Thị Thu Hằng HP
Ảnh: Nguyễn Như Sỹ