Từ mô hình cánh đồng lớn của đồng bào Chăm

Mô hình cánh đồng lớn trồng Măng tây xanh lần đầu tiên được đồng bào Chăm thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đăng kí thực hiện với diện tích khoảng 10ha. Chỉ trong thời gian ngắn, người dân đã mở rộng diện tích lên 15ha.

Ông Từ Văn Hay là một trong những hộ có thu nhập khá giả nhờ mạnh dạn trồng cây măng tây xanh liên kết với hợp tác xã. Trước đây gia đình ông Hay trồng rau màu nhưng đầu ra không ổn định, thu nhập bấp bênh. Năm 2017, qua tìm hiểu trên thị trường thấy cây măng tây xanh đang rất hút hàng lại phù hợp với địa hình đất cát ở địa phương nên ông quyết định mua giống măng tây Atticus F1 (Hà Lan) về trồng thử nghiệm.

Qua tìm hiểu kỹ thuật canh tác, ông Hay lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm giúp cây măng tây phát triển tốt kể cả trong mùa khô hạn. Hiện tại, với 3 sào măng tây xanh, mỗi ngày ông Hay thu hoạch từ 8 – 12 kg/sào. Sản phẩm được hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú thu mua với giá 50.000 đồng/kg. Với sản lượng thu hoạch đều đặn, mỗi tháng sau khi trừ chi phí đầu tư ông Hay có lãi từ 15 – 20 triệu đồng từ bán măng tây xanh.

Cũng ở làng Chăm, gia đình bà Châu Thị Xéo trồng hai sào cây măng tây xanh, mỗi ngày bà thu được hơn 400 nghìn đồng. Bà cho biết, so với các loại cây trồng khác, cây măng tây xanh cho thu nhập khá cao. Ngoài ra, bà còn trồng nhiều cây ngắn ngày khác như: cải trắng, dưa hấu, đu đủ… Nhờ đó, thu nhập gia đình từng bước ổn định.

{keywords}
“Biến cát thành vàng” từ sản xuất cánh đồng lớn măng tây xanh. 

Bà Xéo chia sẻ: “Ban đầu vận động bà con làm cánh đồng mẫu lớn làm măng tây khó rồi, làm cánh đồng lớn càng khó hơn nữa. Mình vận động bà con mình làm trước 1 sào, thấy thu hoạch được nên bà con muốn vào HTX trồng Măng tây. Mình làm cánh đồng lớn để đạt Măng tây cao. Mình vận động bà con phát rộng ra làm Măng tây cho nó đẹp”.

Bà con hiến gần 4 ngàn mét vuông đất để làm đường vào cánh đồng lớn

Trong quá trình xây dựng cánh đồng lớn trồng măng tây xanh, Hợp tác xã nông nghiệp Châu Rế ở thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước được thành lập, với 37 thành viên là người dân tộc Chăm, có thu nhập trung bình hoặc thấp.

Ngoài việc thu mua măng tây, Hợp tác xã Châu Rế còn làm các dịch vụ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ tín dụng tiết kiệm và các dịch vụ khác. Nhờ có Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm nên giá măng tây ổn định và tạo điều kiện cho bà con nâng cao thu nhập.

Qua 1 năm hoạt động, xã viên trong Hợp tác xã nông nghiệp Châu Rế đã tăng lên 50 người.

Thấy được giá trị của cây măng tây xanh với qui mô lớn và thực hiện theo tiêu chuẩn Vietgap, bà con thôn Thành Tín tự nguyện hiến gần 4 ngàn mét vuông đất để làm đường nội đồng vào cánh đồng lớn Măng tây xanh. 

Để mô hình sản xuất cánh đồng lớn Măng tây xanh triển khai hiệu quả, từ đầu năm ngoái, Đảng ủy xã Phước Hải, huyện Ninh Phước đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền người dân tham gia thực hiện.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với bà con dân tộc Chăm thôn Thành Tín khi thực hiện mô hình cánh đồng lớn trồng Măng tây xanh là việc ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm. Hiện nay, khu vực trồng Măng tây xanh chưa có điện, chủ yếu dùng máy bơm từ giếng khoan nên chi phí khá cao.

Từ năm ngoái, các thành viên trong Hợp tác xã nông nghiệp Châu Rế đã tiếp tục trồng 5ha cây măng tây giống mới. Đây là giống măng tây đã được ươm và trồng thành công ở làng Chăm Tuấn Tú, xã An Hải.

Hiện nay Ủy ban nhân dân xã Phước Hải, huyện Ninh Phước cũng đang tranh thủ các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để đầu tư, xây dựng hệ thống điện hạ thế vào cánh đồng lớn Măng tây xanh và các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp và người dân thực hiện liên kết “4 nhà” trong sản xuất, giúp người trồng Măng tây xanh có thu nhập ổn định và sớm đưa Phước Hải hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian sớm nhất.

Bích Hạnh