Công tác CCHC luôn được Bình Dương xác định là khâu đột phá có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng đến xây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.

Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030

Theo dự thảo Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 xác định rõ việc tiếp tục đẩy mạnh CCHC nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và là nền tảng, động lực cho sự thay đổi và phát triển.

{keywords}
Công tác CCHC luôn được Bình Dương xác định là khâu đột phá có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng đến xây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.

Cũng theo dự thảo, Bình Dương sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng cao, có trình độ, năng lực ngang tầm nhiệm vụ; gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

Với mục tiêu đó, kế hoạch CCHC nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 sẽ nhấn vào các nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. 

Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 tối thiểu 80% TTHC của tỉnh có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4; ít nhất 80% TTHC được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%. Đến năm 2030, 100% TTHC của tỉnh có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 80%. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 95%. 

Để xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, Bình Dương đề ra mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu của tỉnh tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ. 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thông tin từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Tại cuộc họp góp ý dự thảo Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 diễn ra chiều 27/9, ​Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh nhấn mạnh, CCHC là nhiệm vụ rất quan trọng, cần làm tốt để xây dựng chính quyền tỉnh Bình Dương phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư.

Ông đề nghị các sở, ban ngành tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp thông tin để góp ý cho dự thảo Chương trình. Sở Nội vụ hoàn chỉnh dự thảo Chương trình trên cơ sở các ý kiến đóng góp. Trong đó bổ sung nhóm nhiệm vụ công tác chỉ đạo điều hành CCHC; xây dựng giải pháp cụ thể cho từng nhóm nội dung, chọn nội dung cốt lõi phù hợp với đặc thù và tạo điểm nhấn cho Bình Dương.

Đồng thời phục vụ thật tốt tại cấp xã, phường nơi tiếp xúc gần nhất với người dân; tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cấp huyện, cấp tỉnh. Giữa các cơ quan phải có sự phối hợp chặt chẽ, xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối, liên thông phù hợp với Đề án Thành phố thông minh Bình Dương góp phần rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Song song đó, giám sát, đánh giá chất lượng CCHC của từng cơ quan sát với nhiệm vụ chuyên môn.

Kế hoạch đo lường sự hài lòng đối với các cơ quan công vụ

Hiện tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn năm 2021.

Kế hoạch này nhằm đánh giá về chất lượng việc cung cấp dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh. Thông qua kết quả điều tra xã hội học, nắm bắt yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cá nhân, tổ chức nhằm đề ra các giải pháp phù hợp, thiết thực để các cơ quan hành chính nhà nước cải thiện và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng để xác định SIPAS là cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cung cấp dịch vụ hành chính công cho cá nhân, tổ chức. Cấp tỉnh bao gồm các dịch vụ hành chính công thuộc thẩm quyền giải quyết của 17 sở, ban, ngành (trừ Văn phòng UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh). Cấp huyện: các dịch vụ hành chính công thuộc thẩm quyền giải quyết của 09 UBND huyện, thị xã, thành phố. Cấp xã: các dịch vụ hành chính công thuộc thẩm quyền giải quyết của 91 UBND xã, phường, thị trấn.

Cá nhân, tổ chức được điều tra xã hội học là người đã thực hiện dịch vụ hành chính công thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều tra viên thực hiện điều tra xã hội học thông qua bảng câu hỏi của phiếu khảo sát; người trả lời điền đầy đủ thông tin và trả lời khách quan, đầy đủ các câu hỏi của phiếu khảo sát. Tùy theo điều kiện cụ thể, có thể thực hiện điều tra xã hội học cá nhân, tổ chức bằng một hoặc nhiều phương pháp phù hợp: Đến trực tiếp nhà ở, nơi làm việc của cá nhân, tổ chức; mời cá nhân, tổ chức điều tra xã hội học tập trung; điện thoại; điều tra trực tuyến (qua phần mềm, Cổng/Trang thông tin điện tử).

Trong tháng 9/2021, thiết kế và in ấn mẫu phiếu, đóng dấu, phân loại phiếu, xây dựng bảng biểu và tài liệu hướng dẫn điều tra. Từ tháng 10/2021 đến hết tháng 11/2021, tiến hành thu thập, tổng hợp danh sách cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ hành chính công. Tập huấn, hướng dẫn thực hiện điều tra cho điều tra viên các cấp; thực hiện điều tra xã hội học và gửi phiếu khảo sát hoàn thành về Trung tâm Hành chính công tỉnh. Từ tháng 11/2021 đến hết tháng 12/2021, tổng hợp, kiểm tra và phân loại phiếu; phúc tra phiếu khảo sát các cấp.

Trong quí I/2022, triển khai nhập liệu và phân tích kết quả SIPAS các cấp, báo cáo kết quả cho Văn phòng UBND tỉnh, Hội đồng đánh giá Chỉ số cải cách hành chính tỉnh để xác định kết quả Chỉ số cải cách hành chính tỉnh. Đồng thời, xây dựng báo cáo kết quả chi tiết bao gồm: báo cáo tổng hợp, báo cáo kết quả cấp tỉnh, báo cáo kết quả cấp huyện, báo cáo kết quả cấp xã; in ấn báo cáo và tài liệu kết quả điều tra phục vụ công bố kết quả (Hội nghị công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số SIPAS của tỉnh). Tổng hợp, sắp xếp, lưu trữ phiếu khảo sát, phiếu phúc tra.

Cửu Long