Thời gian 12 ngày tới là cực kỳ quan trọng 

Báo cáo của Sở Y tế cho biết, mặc dù đã triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch nhưng ca bệnh vẫn gia tăng nhanh do không kiểm soát được nguồn lây từ TP. Hồ Chí Minh. Nhiều ca bệnh được phát hiện tại các cơ sở y tế qua test nhanh, chứng tỏ nguồn bệnh đã xuất hiện nhiều trong cộng đồng. Đặc điểm của Bình Dương là nhà trọ đan xen với nhà máy trong và ngoài khu công nghiệp, do đó khi có nguồn bệnh sẽ lây lan rất nhanh sang các nhà máy và nhà trọ khác. Do lây nhiễm vào nhà máy nên số ca F1 tăng gấp nhiều lần so với lây nhiễm trong cộng đồng. Nhóm F1 này nếu không xử lý nhanh sẽ phát triển thành F0 nhanh chóng với số ca mắc tăng cao.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh tại Bình Dương, ông Dương Chí Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế nhận định: "Thời gian 12 ngày tới là cực kỳ quan trọng để tỉnh triển khai Chỉ thị 16 đồng loạt với các tỉnh, thành phố xung quanh (TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai áp dụng Chỉ thị 16). Đây là "thời gian vàng" nếu thực hiện quyết liệt Chỉ thị 16, sẽ giúp làm chậm lại các chuỗi lây nhiễm (nhất là các chuỗi/ổ dịch chưa phát hiện được), cùng với các biện pháp quyết liệt để kịp thời khống chế, tránh lây nhiễm trên diện rộng".

{keywords}
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa duy trì sản xuất.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Y tế đề nghị tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt, căn cơ hơn nữa. Cụ thể, mở rộng thực hiện Chỉ thị 16 nghiêm túc trên địa bàn toàn tỉnh 14 ngày hoặc triển khai tại 8/9 huyện, thị, thành phố.

Thực hiện xét nghiệm kịp thời sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch hiệu quả, nhanh chóng. Do đó, tỉnh cần  trang bị tối thiểu 500.000 kit test nhanh để phục vụ công tác xét nghiệm. Tiến hành tầm soát diện rộng trong 01 tuần tới để phát hiện các điểm, ổ dịch, kịp thời có biện pháp khống chế dịch ngay. Đồng thời phải đảm bảo chắc chắn công suất xét nghiệm PCR tối thiểu lên mức 20.000 mẫu đơn/ngày (tương đương: 100.000-200.000 mẫu gộp/ngày). Đặc biệt phải xét nghiệm và trả kết quả nhanh đối với các trường hợp F1 tại những khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ cao.

Đối với các cơ sở y tế, để tránh lây nhiễm phát sinh ổ dịch tại nơi chữa trị cần xét nghiệm 100% cán bộ y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, tất cả người đến khám tại phòng khám bệnh viện. Tăng cường thực hiện xét nghiệm nhanh cho công nhân, người lao động 1 tuần/lần; xét nghiệm mẫu gộp các hộ gia đình, đối tượng tiếp xúc nhiều người (nhân viên siêu thị, lái xe, ngân hàng, bưu điện…).

Các địa phương chủ động các phương án 

Bên cạnh các giải pháp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, đề xuất của Bộ Y tế, tại hội nghị, các địa phương cũng đã đề xuất, trình bày các phương án phòng, chống dịch căn cứ vào tình hình thực tiễn.

Theo Bà Nguyễn Thu Cúc – Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một: "Thành phố đã lập 118 chốt kiểm soát, 18 khu cách ly, 1.389 Tổ Covid-19 với hơn 5.000 thành viên phụ trách giám sát, nắm bắt địa bàn cơ sở; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, tuyên truyền bằng nhiều hình thức; chủ động chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho nhân dân. Truy vết thần tốc, xử lý kịp thời các trường hợp F0; cách ly F1, giám sát các khu vực phong tỏa, cách ly. Để tránh nguồn lây nhiễm tại các bệnh viện, cơ sở y tế, 14 Trạm Y tế phường đã công bố số điện thoại để khi có trường hợp nhiễm bệnh người dân chủ động gọi điện khai báo, đồng thời Trạm Y tế tiếp nhận cử cán bộ lấy mẫu từ đó hạn chế nguồn lây trong cộng đồng".

Tại TP. Dĩ An, dịch bệnh đã tấn công vào các "cứ điểm" quan trọng như doanh nghiệp, nhà trọ, chợ truyền thống. Qua xét nghiệm diện rộng phát hiện khá nhiều F0; dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Để đối phó với tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, thành phố đã sẵn sàng các phương án ứng phó và đủ nguồn lực để xét nghiệm; chuẩn bị 50.000 kit test nhanh cho 400.000 dân. Chuẩn bị năng lực cách ly lên 10.000 giường. Cùng với đó là những giải pháp quyết liệt như kiểm tra, vận động doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp đồng hành cùng thành phố phòng, chống dịch, thực hiện khuyến cáo 5K, 3 tại chỗ (ăn, ở, sản xuất tại nhà máy). Nếu doanh nghiệp nào không đáp ứng theo yêu cầu kiên quyết cho tạm dừng sản xuất. Siết chặt áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao năng lực hoạt động cơ sở.

Tới nay, TP. Thuận An đã ghi nhận trên 500 ca F0 và 4.500 F1. Chủ tịch UBND TP.Thuận An Nguyễn Thanh Tâm cho biết: "Để dự phòng trường hợp dịch bệnh bùng phát, thành phố đang thực hiện thí điểm cách ly 20 trường hợp F1 tại nhà trên cơ sở xem xét đủ năng lực điều kiện cách ly tại nhà. Nâng cao nâng lực xét nghiệm, tiêm ngừa diện rộng đảm bảo đúng kế hoạch, kịp thời, đúng đối tượng. Ngoài Trung tâm Y tế thành phố, Thuận An kích hoạt sử dụng trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore làm bệnh viện điều trị; huy động các cơ sở y tế tư nhân phục vụ dự phòng.

Phát huy vai trò các Tổ Covid-19 cộng đồng

Để góp phần giảm tải áp lực cho ngành Y tế và lực lượng phòng, chống dịch, các địa phương đã huy động các Tổ Covid-19 cộng đồng trong công tác giám sát, truy vết các trường hợp đi, về từ vùng dịch, các trường hợp có nguy cơ cao. Ông Nguyễn Văn Lộc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã tích cực tham gia xây dựng các đội hình Tổ Covid-19 cộng đồng theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà". Để công tác phòng, chống dịch tại cơ sở đạt hiệu quả, ông cho rằng cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, trong đó có vai trò tổng chỉ huy của cấp ủy.

Bên cạnh việc chuẩn bị mọi nguồn lực cho hoạt động chuyên môn truy vết, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả; công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng nhằm tạo sự đồng thuận, nhập cuộc tích cực của nhân dân. Đây là yếu tố mang tính quyết định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn hiện nay.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Trương Thị Bích Hạnh cho rằng: "Công tác tuyên truyền sẽ nâng lên một bước mới. Ban Tuyên giáo đang xây dựng chuyên đề phòng, chống Covid-19; ngoài việc tuyên truyền tình hình dịch bệnh còn tuyên truyền kết quả phòng, chống dịch, ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch của người dân. Tập trung công tác phòng, chống dịch trong công nhân, doanh nghiệp và nhiệm vụ phát triển kinh tế, công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân".

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, nhiệm vụ sắp tới rất nặng nề. Trong điều kiện mới đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải đoàn kết, vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, có những quyết định nhanh, chính xác để thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa dập dịch, vừa phát triển kinh tế.

Đối với công tác phòng, chống dịch, Bí thư yêu cầu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tiếp thu ý kiến của Bộ Y tế và cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo. Kiện toàn hệ thống Tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ An toàn Covid-19 trong doanh nghiệp, các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhân dân. Các ngành phải nhanh chóng thực hiện gói hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; nghiên cứu bổ sung gói hỗ trợ của tỉnh; tổ chức các điểm cứu trợ cho đồng bào khó khăn, người lang thang, cơ nhỡ…​

Cửu Long