Đổi mới phương thức làm việc của chính quyền tỉnh trên cơ sở ứng dụng CNTT

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương Lai Xuân Thành cho biết việc xây dựng, phát triển chính quyền điện tử Bình Dương được thực hiện theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đồng thời tích hợp dữ liệu, liên thông quy trình giữa các cơ quan, rút ngắn quy trình xử lý, giảm hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Bình Dương đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước để phục vụ cho tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, Bình Dương đã có nhiều kết quả trong xây dựng chính quyền điện tử trong cơ quan Nhà nước. Tỉnh Bình Dương hiện xếp thứ 4/63 tỉnh, thành về mức độ tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin; trong đó có nhiều chỉ số thành phần đạt hạng nhất như: hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương được đánh giá vị trí thứ 1/63 Cổng thông tin của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

{keywords}
Sở Kế hoạch - Đầu tư Bình Dương là một trong những đơn vị ứng dụng chữ ký số trong giải quyết TTHC và mang lại hiệu quả cao.

Thời gian qua, Bình Dương đã chủ động xây dựng cổng thông tin điện tử và được nâng cấp từ năm 2015, đáp ứng các yêu cầu về nội dung theo Nghị định 43/2011/NĐ-CP và các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cổng thông tin điện tử là kênh thông tin chính thức của chính quyền tỉnh, đạt 1 triệu lượt truy cập/năm.

Năm 2016, Tỉnh ủy Bình Dương ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kiến trúc CQĐT tỉnh tại Quyết định số 3004/QĐ- UBND ngày 25/10/2018.

Năm 2017 năm 2018, Cổng thông tin điện tử Bình Dương được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng nằm trong top đầu 63 tỉnh, thành. Phần mềm “một cửa” điện tử được triển khai từ giai đoạn 2009 đến nay, liên tục được nâng cấp các tính năng để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hiện tại, phần mềm này đã được triển khai hoàn chỉnh thống nhất ở tất cả 20 sở, ngành, 9 UBND cấp huyện và 91 UBND cấp xã; cung cấp các tiện ích thực hiện các nghiệp vụ xử lý hồ sơ, phản hồi trạng thái qua tin nhắn, các ứng dụng Zalo hỗ trợ tra cứu thông tin hồ sơ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Để phục vụ người dân tốt hơn, Cổng dịch vụ công của tỉnh (https://dichvucong.binhduong.gov.vn) được xây dựng từ rất sớm và liên tục được nâng cấp đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Chính phủ. Quan điểm cung cấp kênh thông tin lấy người dân làm trung tâm theo định hướng tối giản hóa, giúp người dân dễ dàng tìm kiếm, dễ sử dụng các chức năng phục vụ quá trình tương tác với cơ quan nhà nước. Theo thống kê, lũy kế đến tháng 7/2020, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp 1.088 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số 1.964 thủ tục hành chính.

Trong giai đoạn 2019-2020, Cổng dịch vụ công của tỉnh cũng đã tiến hành kết nối, đồng bộ một số tính năng với Cổng dịch vụ công quốc gia. Lũy kế đến tháng 7/020, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp 1.088 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số 1.964 thủ tục hành chính. Cùng với đó, Bình Dương đã chính thức vận hành Hệ thống đường dây “nóng” 1022… Đây là những thành quả quan trọng để tỉnh Bình Dương quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử.

Với mục tiêu nêu cao tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, viên chức trong tiếp nhận, xử lý và cung cấp các thông tin chính đáng cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo thông suốt mọi lúc, mọi nơi, từ tháng 11/2019, tỉnh Bình Dương đã đưa vào sử dụng Hệ thống đường dây nóng Bình Dương 1022.

Tháng 9/2019, Bình Dương triển khai thí điểm hệ thống Phòng họp không giấy VNPT - e-Cabinet đã góp phần giảm bớt thời gian, giảm giấy tờ các phiên họp HĐND, UBND tỉnh và cho thấy sự cải cách, đổi mới phương thức làm việc của chính quyền tỉnh trên cơ sở ứng dụng CNTT.

Theo đánh giá của ông Lai Xuân Thành - Giám đốc Sở TTTT, các tính năng của hệ thống Phòng họp không giấy (e-Cabinet) và ứng dụng "Giao việc tức thời - Nhắc việc thông minh" có rất nhiều tiện ích. Theo đó, trước mỗi phiên họp, toàn bộ tài liệu số của cuộc họp được chuẩn bị và chuyển đến các đại biểu để nghiên cứu trước. Trong mỗi phiên họp, các đại biểu có thể truy cập kho tài liệu số chuẩn bị trước phiên họp kết hợp với các công cụ tiện lợi như ghi chú, đánh dấu trực tiếp trên tài liệu và sử dụng các tiện ích như đăng ký phát biểu, biểu quyết... Sau các phiên họp, các ý kiến, kết quả biểu quyết, chỉ đạo kết luận trong cuộc họp được tổng hợp và thông tin đến các đơn vị và cá nhân liên quan trong thời gian ngắn nhất trên môi trường mạng.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, ông Võ Văn Lượng phấn khởi, bởi sau một thời gian triển khai thí điểm không sử dụng tài liệu giấy trong các phiên họp của UBND tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, giúp bảo đảm công việc thông suốt, hiệu quả, nhanh chóng, đặc biệt bảo đảm kiểm soát tiến độ, chất lượng công việc ở từng khâu, từng cá nhân tham gia xử lý; tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, giảm thời gian, tăng tính kịp thời, hiệu quả trong xử lý công việc. Việc vận hành tích cực, có hiệu quả hệ thống này sẽ giúp cho UBND tỉnh sớm đạt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian, đồng thời giảm tối đa sử dụng tài liệu giấy trong các phiên họp UBND tỉnh.

Nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức

Theo ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, yếu tố con người trong công tác CCHC là rất quan trọng, mang tính quyết định đến sự thành công chung của công tác CCHC từng ngành, đơn vị, địa phương, bên cạnh yếu tố cơ sở hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ. Do vậy, thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng chất cán bộ, công chức, chú trọng về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tác phong công vụ của cán bộ, cán bộ phụ trách tiếp dân, trực tiếp giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Lý Văn Đẹp cho biết thêm: “Tôi cho rằng, giải pháp nào cũng cần quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ. Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được. Trong công tác CCHC cũng vậy, có đầu tư cơ sở hạ tầng tốt cách mấy, hiện đại cách mấy, có nhiều giải pháp hữu hiệu, nhưng nếu thiếu cán bộ có “tâm và tầm” thực hiện giải pháp, chú tâm vào công việc thì cũng không đạt được thành công như mong muốn. Do vậy, những giải pháp của tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành trong thời gian tới là luôn chú ý việc nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cơ sở trong thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra”.

Với những thành tựu trong việc xây dựng chính quyền điện tử trong suốt nhiệm kỳ qua, Bình Dương đang hướng tới xây dựng một chính quyền hoạt động linh hoạt, hiệu quả và có tính chuyên nghiệp cao, tỉnh đã và đang tập trung nhiều nguồn lực cho việc triển khai xây dựng Chính quyền điện tử và cải cách hành chính. Đây là “chìa khoá” góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới xây dựng đô thị thông minh Bình Dương.

Bạch Dương