Ngày 28/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với tỉnh Bình Phước tổ chức “Hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu”. Đến tham dự hội nghị còn có đại diện 10 tỉnh, thành phố phía Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe đại diện Cục Thúy y, Bộ NN&PTNT trình bày chuyên đề về “Xây dựng vùng, cơ sở trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi an toàn dịch bệnh trong xuất khẩu” theo quy định của OIE. Đồng thời, thảo luận các nhóm vấn đề để tháo gỡ khó khăn, hạn chế cũng như quy định đặc thù trong vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm đối với động vật trong chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh…

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Trong những năm qua, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh liên tục phát triển và tăng trưởng khá tốt. Năm 2020, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 20% so với toàn ngành nông nghiệp. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, trên địa bàn tỉnh có 307 trang trại chăn nuôi heo với tổng đàn hơn 1,4 triệu con.

Ngoài ra, tỉnh có 112 trại nuôi heo được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Bình Phước đã và đang triển khai xây dựng 6 huyện thành vùng an toàn dịch bệnh đối với gia cầm đang khảo sát, đánh giá để xây dựng vùng chăn nuôi heo.

Hầu hết dự án đầu tư mới về lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh này là chăn nuôi công nghiệp, công nghệ chuồng kín, hiện đại, có hệ thống làm mát, hệ thống cung cấp nước tự động.

Việc triển khai chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Bình Phước được đánh giá là giúp cho các doanh nghiệp chăn nuôi có động lực vươn xa, xuất khẩu ra các thị trường lớn, tiềm năng, đồng thời giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước thông tin, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và đã được cụ thể vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2025. Sở NN-PTNT đã cùng với Cục Thú y khảo sát điều kiện chọn vùng chăn nuôi heo an toàn theo khuyến cáo của OIE để xuất khẩu, trước mắt chọn huyện Bù Đăng đáp ứng được yêu cầu.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, tốc độ phát triển của vùng Đông Nam bộ nói chung, Bình Phước nói riêng nằm ở 3 con số, dư địa phát triển ở khu vực này còn rất lớn phục vụ cho nhu cầu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, ngành chăn nuôi cần hướng đến sản xuất những sản phẩm đủ điều kiện an toàn dịch bệnh. Cụ thể, xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với các chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Trong đó, cần có sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp tại những vùng an toàn dịch bệnh. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi để phát huy hiệu quả cao nhất trong xây dựng và nhân rộng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn trên cả nước thời gian tới...

“Sắp tới đây sẽ có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi cũng đang nhắm tới Bình Phước bởi địa phương rất thích hợp để thu hút đầu tư lĩnh vực này", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Minh Phúc