Lợn cỏ là giống lợn bản địa, có chất lượng thịt ngon, dễ nuôi và được thị trường tiêu thụ mạnh. Giống lợn này được nuôi chủ yếu ở xác xã miền núi của huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Nuôi lợn cỏ giống địa phương phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào địa phương.

{keywords}
 Bình Thuận thành công với mô hình chăn nuôi lợn cỏ an toàn dịch bệnh

Thức ăn cho lợn cỏ đơn giản lại dễ kiếm, có thể cho lợn ăn ngô, sắn, chuối và các loại rau mà không cần đun nấu. Đặc biệt chúng có thể tự tìm ăn các loại rau, cỏ trong vườn. Lợn cỏ thịt thơm ngon, đảm bảo chất lượng, lại dễ tiêu thụ và cho giá trị kinh tế cao gấp 2,5- 3 lần lợn thịt khác.

Tuy nhiên, tập quán chăn nuôi của đồng bào vẫn theo lối truyền thống, chưa thật sự an toàn, tiềm ẩn nguy cơ bị dịch bệnh đe dọa.

Nắm bắt được điều này, từ tháng 6/2020 đến nay, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Hàm Thuận Bắc và UBND các xã Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ, Hội Nông dân xã tổ chức chọn hộ, chọn điểm tham gia mô hình chăn nuôi lợn cỏ an toàn dịch bệnh. Địa phương phổ biến chính sách hỗ trợ về giống và vật tư cho các hộ tham gia mô hình (100% về giống và  vật tư).

Trước khi giao lợn, trung tâm và UBND xã tổ chức tập huấn về kỹ thuật “Chăn nuôi lợn cỏ địa phương an toàn dịch bệnh” cho các hộ tham gia mô hình và các hộ có chăn nuôi của 3 xã miền núi Trung tâm đã cấp 30 con lợn giống cho 11 hộ được chọn lựa.

Giai đoạn sau 1 tháng nuôi, lợn sinh trưởng phát triển bình thường. Các hộ tuân thủ quy trình kỹ thuật, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho lợn.

Trọng lượng bình quân 13 kg/con, nhiều con đạt 15-16 kg/con, tỷ lệ sống 100%. Giai đoạn sau 7 tháng nuôi, lợn sinh trưởng và phát triển tốt; trọng lượng bình quân 35 kg/con.

Giữa tháng 3/2021, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Hàm Thuận Bắc đã tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình này. Theo đánh giá, qua 7 tháng theo dõi, tổng chi phí cho 1 con lợn gần 4 triệu đồng, với giá bán 150.000 đồng/kg, lãi bình quân 1,3 triệu đồng/con.

Bà Võ Thị Kim Linh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Hàm Thuận Bắc cho biết: Mô hình với mục tiêu là tái đàn lợn địa phương và mang ý nghĩa góp phần bảo tồn giống. Hiện tại đàn heo đang trong thời kỳ sinh sản. Dự tính mỗi con sinh sản trung bình khoảng 6-7 lợn con/lứa. 

Theo bà Linh, để đạt hiệu quả cao trong chăn nuôi cũng như tạo ra sản phẩm sạch, an toàn bán ra thị trường, người chăn nuôi lợn phải chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, các hộ chăn nuôi khi mua  giống phải rõ nguồn gốc, từ những cơ sở giống tốt.

Chuồng nuôi đúng quy cách và bảo đảm mật độ nuôi, diện tích hợp lý, chuồng phải sạch sẽ, thoáng, mát về mùa hè và ấm về mùa đông.

Khu vực chăn nuôi phải cách xa nhà, có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác, không chăn thả tự do. Vệ sinh chuồng trại hàng ngày, định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi, phun thuốc sát trùng 1 – 2 lần/tuần…

Bà Linh khẳng định, quy tình nuôi lợn cỏ được tuân thủ theo quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành như:

Kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi. Chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh, như chuột, chim, ruồi, muỗi…

Tại lối ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi. Nên có ô chuồng nuôi cách ly nuôi lợn mới nhập hoặc nuôi lợn bị bệnh. Có khu vực thu gom và xử lý chất thải, nếu có điều kiện thì nuôi theo phương pháp cách ô (mỗi ô chuồng có khoảng trống 0,8-1m) để giảm thiểu lợn giữa các ô chuồng tiếp xúc với nhau.

Không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng. Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín. Nước thải ô chuồng nào thoát riêng ô chuồng đó ra đường thoát nước chung. 

Từ mô hình chăn nuôi heo cỏ địa phương an toàn dịch bệnh đạt hiệu quả, địa phương cần tiếp tục nhân rộng mô hình cho đoàn viên, hội viên, nông dân chăn nuôi heo theo hướng an toàn dịch bệnh, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chủ động ngừa bệnh bằng các loại vaccine, hạn chế dịch bệnh xảy ra, nhằm đảm bảo sức khỏe cho đàn heo và cho người chăn nuôi tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn cho người tiêu dùng…

Tư Giang