Tích cực giải quyết việc làm

Xác định mấu chốt trong công tác an sinh xã hội là phải đảm bảo người lao động có việc làm, có thu nhập, tự chủ cuộc sống, cuối năm 2018, HĐND huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 70 về việc nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả thực hiện cơ chế chính sách, quy định trong công tác đào tạo nghề cho lao động và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện.

Hằng năm, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng, đoàn thể, địa phương rà soát lại thực trạng nguồn lao động, số hộ nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo và nhu cầu phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo của từng hộ. Trên cơ sở đó huyện đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh và thành phố về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo để họ dễ tiếp cận được các chương trình ưu đãi.

Phòng LĐ-TBXH huyện đã sắp xếp, bố trí cán bộ phụ trách đào tạo nghề và giải quyết việc làm từ cấp huyện đến cấp xã; chủ động phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động địa phương, nhất là lao động thuộc hộ nghèo vào làm việc.

Nhờ quyết tâm, các giải pháp phù hợp, giai đoạn 2016-2020, toàn huyện giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%.

{keywords}
Bình Xuyên nỗ lực để đảm bảo NLĐ có việc làm. 

Triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo đa chiều

Để nâng cao thu nhập cho người dân và triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo đa chiều, huyện đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững của huyện và 13 xã, thị trấn; xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; phân công cán bộ phụ trách từng xã, thị trấn để chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, đúng đối tượng.

Cùng với đó, huyện yêu cầu các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chỉ đạo các thôn, tổ dân phố phân công các chi hội, đoàn thể, cán bộ đảng viên phụ trách từng hộ nghèo và giúp các hộ nghèo tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội cơ bản. Tích cực hướng dẫn các hộ nghèo lập phương án và tổ chức sản xuất, kinh doanh theo khả năng, trình độ, quy mô sản xuất từng vùng, từng hộ. Đồng thời, chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng nhằm đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến với hộ nghèo; gắn việc cho vay vốn ưu đãi với việc hướng dẫn cách làm ăn và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Giai đoạn 2016-2020, toàn huyện có khoảng 2.900 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, tỷ lệ hộ khá, giàu ở Bình Xuyên ngày càng tăng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,93% năm 2016 xuống còn 1,45% năm 2020.

Những năm tới, huyện đề ra kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù của Trung ương, của tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; giảm bớt thủ tục hành chính để người nghèo, cận nghèo tiếp cận, hưởng thụ chính sách kịp thời. Cùng với đó, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án đã được phê duyệt về hỗ trợ nhà ở cho các nhóm đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất; tạo điều kiện thuận lợi đối với việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội khu vực đô thị; khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội.

Có thể nói, cùng với tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, những năm qua, Bình Xuyên đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội và coi đây là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài trong mục tiêu phát triển bền vững.

Lê Na
Ảnh: Lệ Yên