ThS. Nguyễn Đình Khuyến, Phó vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê trong một bài phân tích mới đây đã có bài đánh giá về các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam. So với các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện hành theo ông Khuyến:

Kết quả rà soát 158 chỉ tiêu PTBV cho thấy:

39 chỉ tiêu PTBV được quy định trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê 2015. 112 chỉ tiêu PTBV được phát triển trên 101 chỉ tiêu PTBV toàn cầu (40 chỉ tiêu sử dụng metadata toàn cầu; 72 chỉ tiêu dựa trên metadata quốc tế nhưng có thay đổi khi áp dụng vào Việt Nam; một số chỉ tiêu toàn cầu khi áp dụng tại Việt Nam được tách ra thành nhiều chỉ tiêu nhỏ..).

Những chỉ tiêu PTBV toàn cầu không quy định trong Bộ chỉ tiêu thống kê PTBV của Việt Nam tập trung vào các chỉ tiêu định tính, chỉ tiêu được biên soạn trên phạm vi toàn cầu và do các tổ chức quốc tế tính, các chỉ tiêu không phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam, các chỉ tiêu chỉ áp dụng ở các khu vực đặc thù,... 140 chỉ tiêu thống kê có lộ trình A (thực hiện từ năm 2019); 18 chỉ tiêu thống kê có lộ trình B (thực hiện từ năm 2025).

{keywords}
Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững: Những “bằng chứng thực tiễn xác thực”

Về hình thức thu thập thông tin, ông Khuyến cho hay, 158 chỉ tiêu PTBV được thu thập thông qua các nguồn sau:

65 chỉ tiêu thu từ Điều tra thống kê, trong đó chủ yếu là thu từ các cuộc điều tra trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia, gồm: Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra kinh tế; Điều tra lao động và việc làm; Điều tra biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình hàng năm; Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam,… Ngoài ra còn một số cuộc điều tra ngoài Chương trình điều tra thống kê quốc gia được các tổ chức quốc tế hỗ trợ như: Khảo sát PAPI; Điều tra bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Điều tra sử dụng thời gian,…

35 chỉ tiêu thu từ Chế độ báo cáo thống kê, bao gồm Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia và chế độ báo cáo thống kê của các Bộ, ngành; 22 chỉ tiêu biên soạn thông qua việc khai thác, sử dụng dữ liệu hành chính; 16 chỉ tiêu thu từ kết hợp 2 nguồn: Điều tra thống kê và Chế độ báo cáo thống kê; 09 chỉ tiêu thu từ kết hợp 2 nguồn: Điều tra thống kê và Dữ liệu hành chính; 02 chỉ tiêu thu từ kết hợp 2 nguồn: Chế độ báo cáo thống kê và Dữ liệu hành chính; 09 chỉ tiêu thu từ nhiều nguồn (liên quan đến chỉ tiêu GDP).

Ngoài các nguồn truyền thống kể trên, để thu được thông tin chỉ tiêu PTBV đầy đủ và hiệu quả cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, sử dụng các nguồn dữ liệu phi truyền thống như big data, dữ liệu hành chính, dữ liệu viễn thám,…

Bình luận về nguồn số liệu hiện có, theo ông Khuyến, số liệu của các chỉ tiêu thống kê PTBV được khai thác từ các nguồn sau: Báo cáo tình hình kinh tế xã hội hàng năm của Tổng cục Thống kê; Báo cáo Lao động phi chính thức 2016 của Tổng cục Thống kê; Cuốn sách Thông tin thống kê giới tại Việt Nam 2016 của Tổng cục Thống kê; Niên giám thống kê của các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; Niên giám thống kê ngành Y tế; Niên giám thống kê ngành Giáo dục; Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Báo cáo kết quả điều tra SIPAS; Ấn phẩm: Nghèo đa chiều của trẻ em Việt Nam vùng dân tộc thiểu số: Thực trạng, biến động và những thách thức.

Kết quả rà soát số liệu của 158 chỉ tiêu thống kê, cho thấy: 59/158 chỉ tiêu thống kê đã có số liệu (37,34%); 26/158 chỉ tiêu có số liệu đến cấp vùng (16,45%). Đối với 05 chỉ tiêu có quy định phân tổ theo vùng thì 03 chỉ tiêu đã có số liệu đầy đủ theo từng vùng gồm: 1.1.3. Tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều, 3.1.1. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi và 3.2.2. Số ca mắc mới lao trên một trăm nghìn dân. 02 chỉ tiêu hiện chưa có số liệu theo vùng gồm: 2.2.1. Tỷ lệ thiếu dinh dưỡng và 2.1.2. Tỷ lệ mất an ninh lương thực mức độ vừa và nghiêm trọng trong dân số. Việc thu thập số liệu của 2 chỉ tiêu này hoàn toàn khả thi khi được lồng ghép thu thập qua hệ thống thống kê nhà nước. 33/158 chỉ tiêu đã có số liệu phân tổ đến cấp tỉnh/thành phố (20,88%).

99/158 chỉ tiêu chưa có số liệu (62,66%), trong đó: 16 chỉ tiêu sẽ được thu thập từ các cuộc điều tra trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia như: Điều tra lao động việc làm, điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình, khảo sát mức sống dân cư,...; 27 chỉ tiêu sẽ được thu thập từ Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia hoặc chế độ báo cáo thống kê của bộ, ngành; 08 chỉ tiêu đã được lồng ghép vào điều tra quốc gia như: Điều tra về lao động trẻ em, điều tra về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, khảo sát mức sống dân cư, ...; 18 chỉ tiêu mới quy định nguồn thu thập thông tin là điều tra thống kê nhưng chưa quy định cụ thể là cuộc điều tra nào; 23 chỉ tiêu sẽ được thu thập qua dữ liệu hành chính; 07 chỉ tiêu có kỳ công bố 5 năm, 10 năm được thu thập qua các cuộc Tổng điều tra của ngành Thống kê.

Bộ chỉ tiêu thống kê PTBV của Việt Nam là cơ sở để cung cấp những bằng chứng thực tiễn xác thực cho quá trình giám sát, đánh giá việc thực hiện 115 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Kết quả rà soát đã chỉ ra một bức tranh tổng thể về thực trạng của các chỉ tiêu này như tính sẵn có của số liệu, khả năng áp dụng, các hình thức thu thập thông tin, nguồn số liệu.

Hoàng Đức, Ngọc Trang