Được biết, khu vườn của anh Hồ Xai hiện đang nuôi hàng chục tổ ong. Mỗi năm, từ những tổ ong này, anh thu về hàng chục triệu đồng.

Chỉ tay về 10 lít mật ong để trong góc nhà chuẩn bị mang đến bán cho một khách hàng  ở TP.Đồng Hới, anh Xai tâm sự, mấy năm nay, gia đình anh khấm khá, có của ăn của để tất cả đều là nhờ nuôi ong.

Anh Xai kể, trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Hai vợ chồng một buổi đi  làm nông, một buổi thì cơm đùm gạo bới lầm lũi vào rừng khai thác mật ong. Thế nhưng vẫn chẳng đủ ăn.

Mãi đến năm 2019, cơ may mới thực sự đến với gia đình anh Xai khi được xã cấp vốn nuôi ong từ nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Nhờ có kinh nghiệm sau nhiều năm đi lên rừng lấy mật ong cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của chính quyền địa phương, anh Xai đã mạnh dạn đầu tư làm chuồng nuôi ong.

“Trước đây, người Khùa như chúng tôi muốn có mật ong ăn và bán thì phải vất vả lên núi, lên rừng để lấy, nhưng nay chỉ cần ra vườn là có rồi. Nuôi con ong lấy mật cũng không khó lắm. Ngày ngày, đám ong mật cứ chăm chỉ đi khắp rừng kiếm mật, mình  cũng không phải chăm sóc gì nhiều, thi thoảng mới kiểm tra thùng ong. Vậy mà tháng nào  tháng náy đàn ong đều cho mật…”, anh Hồ Xai tâm sự.

Cũng từ ngày nuôi ong, gia đình anh xai đã không còn bữa đói, bữa no như trước đây nữa mà đã có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi  tháng và nuôi con ăn học.

{keywords}
Người Mày người Khùa có thu nhập ổn định nhờ bán sản phẩm mật ong do chính tay mình nuôi.

Bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã cũng cho biết, bắt đầu nuôi ong từ năm 2019, đến nay, toàn xã đã có 25 hộ nuôi với 125 đàn ong.

Theo bà Thoi, tuy là lần đầu tiên nuôi ong nhưng nhiều hộ đồng bào người Khùa, người Mày ở xã đã nuôi rất thành công, nhiều hộ đã có thu nhập khá. 

Bắt đầu thu hoạch từ tháng 3/2020, trung bình mỗi tháng bà con trên địa bàn xã Trọng Hóa thu được trên 100 lít mật. Hiện, mật ong nuôi được bà con bán với giá 170 nghìn đồng/lít, thấp hơn nhiều so với giá mật ong rừng. Tuy vậy, bà con nơi đây rất vui vì từ nay họ đã có thu nhập ổn định.

Trước đây, người Khùa, người Mày sống ở 2 xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa (Minh Hóa) đến mùa thì lại rủ nhau vào rừng lấy mật ong, bởi đây là một trong những nguồn thu nhập chính của đồng bào. Bao đời nay, người Khùa, người Mày ở đây được xem là “bậc thầy” săn mật ong rừng, bởi họ có thể dễ dàng lấy được tổ ong rừng nằm trên những cây cao chót vót, hay những lèn đá dựng đứng.

Nhận thấy trên địa bàn có diện tích rừng tự nhiên lớn, nhiều loại hoa rừng phong phú, có tiềm năng phát triển nghề nuôi ong lấy mật, chính quyền địa phương 2 xã Dân Hóa và Trọng Hóa đã định hướng và khuyến khích bà con phát triển nghề này, xem đây là một nghề có thể giúp bà con tăng thêm thu nhập, giảm nghèo bền vững. 

Từ nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, như: 135, 30a, 2 xã Dân Hóa và Trọng Hóa đã hỗ trợ mua con giống, tập huấn kỹ thuật để đồng bào người Khùa, người Mày phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết, người Khùa, người Mày ở xã bắt đầu nuôi ong lấy mật từ năm 2019 nhưng đến nay trên địa bàn xã đã phát triển được trên 500 đàn ong với 105 hộ nuôi.

“Mặc dù lần đầu tiên tiếp cận với nghề nuôi ong lấy mật nhưng nhờ được tập huấn kỹ càng nên bà con dần nắm vững kỹ thuật nuôi và biết cách nhân giống đàn ong mật. Đây được xem là một bước tiến dài của đồng bào, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy lộ trình giảm nghèo bền vững của xã”, ông Hạnh chia sẻ.

Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết, xã đang tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ bà con để phát triển nghề nuôi ong lấy mật, xem đây là 1 nghề  chính góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.

“Để nghề nuôi ong lấy mật từng bước vững mạnh, sắp tới, ngoài việc hỗ trợ vốn, xã sẽ tổ chức cho bà con tham gia nhiều lớp tập huấn, học hỏi kỹ thuật chăm sóc cũng như những định hướng cho quá trình phát triển lâu dài”, ông Bắc cho hay.

Mạnh Hưng
Ảnh: Bích Hạnh