Theo phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Đỗ Hoàng Tùng chia sẻ: Ngoài việc triển khai các hoạt động chính trị đối ngoại thành công thời gian qua như Hội nghị cấp cao ASEAN 37, đón các đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm chính thức Việt Nam đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Anh... thì theo phân công của Chính phủ, Bộ Ngoại giao đang triển khai cùng lúc một số giải pháp để thực hiện mục tiêu kép. Trong đó bao gồm:

Thứ nhất, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao tiếp tục đàm phán với 7 đối tác về Quy trình đi lại ngắn ngày, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Lào và Campuchia nhằm thu hút các nhà đầu tư, chuyên gia, quản lý doanh nghiệp từ các nước này vào Việt Nam, đồng thời các đối tác này cũng cho phép các đối tượng tương tự của Việt Nam sang làm việc và hưởng quy chế tương đương. Chúng ta đã đạt thoả thuận với Nhật Bản và kết quả trao đổi với các đối tác khác cũng rất khả quan.

Thứ hai là thúc đẩy việc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đến các đối tác có hệ số an toàn cao là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Lào và Campuchia. Đây là phương tiện để chuyên gia, nhà đầu tư, quản lý doanh nghiệp được hưởng Quy trình đi lại ngắn ngày vào Việt Nam, dần dần tạo nên trạng thái bình thường mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư trong nước.

Tích cực tham gia Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19, cung cấp thông tin về tình hình, kinh nghiệm của các nước trong việc vừa phòng chống dịch, vừa mở cửa, phục hồi phát triển kinh tế, các giải pháp công nghệ hiệu quả mà các nước áp dụng để truy vết, theo dõi y tế đối với người nhập cảnh, việc phát triển vắc xin tại các nước trên thế giới...

Cuối cùng là tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, đưa về nước những công dân có hoàn cảnh hết sức khó khăn, lao động hết hạn lưu trú và thúc đẩy các nước tiếp tục nhận lao động mới từ Việt Nam theo đúng thoả thuận lao động đã ký với các đối tác.

{keywords}
Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Đỗ Hoàng Tùng

Về quy định với các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sinh sống và làm việc hiện nay có những thay đổi như nào, thưa ông?

Từ tháng 3/2020, do diễn biến dịch bệnh phức tạp trên thế giới, Việt Nam đã quyết định dùng cho phép nhập cảnh đối với người nước ngoài, trừ các trường hợp là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, quản lý doanh nghiệp (gọi tắt là chuyên gia) cùng thân nhân nhập cảnh Việt Nam để làm việc, tạo điều kiện cho khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.

Để tạo điều kiện cho các đối tượng này nhập cảnh, các Bộ liên quan đã ban hành từng quy trình về thủ tục nhập cảnh, cư trú, theo dõi, giám sát, cách ly y tế trong quá trình họ làm việc tại Việt Nam.

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid có hướng dẫn cụ thể đến các đối tượng nói trên. Cụ thể là ban hành văn bản số 2847. Theo đó, các doanh nghiệp được phê duyệt phải có phương án cách ly ở các tỉnh địa phương, sau đó được duyệt nhân sự và cấp thị thực tại Bộ Công an. Bộ Công an cũng ban hành hướng dẫn về thủ tục xét duyệt nhân sự cho người nước ngoài nhập cảnh và Bộ Y tế đã ban hành 2 văn bản hướng dẫn y tế đối với người nước ngoài nhập cảnh (Hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh trên 14 ngày ban hành kèm theo văn bản tháng 9/2020 và Hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh dưới 14 ngày).

Các hướng dẫn này đã được đăng tải rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan biết, thực hiện.

Theo các quy định nêu trên, người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời điểm hiện nay, kể cả được miễn thị thực, có thị thực hoặc thẻ tạm trú, thường trú còn giá trị, đều phải được duyệt nhân sự tại Bộ Công an (trên cơ sở phương án cách ly, giám sát, theo dõi y tế được UBND tỉnh/thành phố phê duyệt).

Đối với chuyên gia nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam trên 14 ngày thì phải tuân thủ quy trình cách ly 14 ngày (tại cơ sở cách ly tập trung hoặc cơ sở do cơ quan, tổ chức mời đón khách tại Việt Nam bố trí), và nếu không mắc bệnh mới được làm việc bình thường ở Việt Nam.

Những người dự kiến làm việc tại Việt Nam dưới 14 ngày thì được miễn cách ly với điều kiện phải trải qua 2 lần xét nghiệm âm tính, tuân thủ quy trình làm việc đã được duyệt trước, hạn chế tiếp xúc và xét nghiệm thường xuyên mỗi 2 ngày để đảm bảo an toàn cho cả người tiếp xúc tại Việt Nam.

Chỉ có người nước ngoài đến từ các đối tác đã thoả thuận với Việt Nam về Quy trình đi lại ngắn ngày mới được nhập cảnh theo diện cư trú dưới 14 ngày. Cho đến nay, ta đã thoả thuận áp dụng với Nhật Bản từ 1/11/2020 và Bộ Ngoại giao đang trao đổi với các đối tác khác, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore...

Do tồn tại song song 2 quy trình y tế khác nhau và lại chưa có quy định về giám sát, theo dõi y tế đối với công dân Việt Nam về nước trên các chuyến bay thương mại nên Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện Hướng dẫn y tế tổng thể cho người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại, đảm bảo bao trùm mọi đối tượng, tạo thuận lợi hơn cho người nhập cảnh nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch ở trong nước.

Trên thực tế, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?

Theo thống kê của các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam, từ khi bùng phát dịch Covid 19 cho đến nay, ta đã cho phép hơn 200 nghìn người nước ngoài được nhập cảnh là các chuyên gia, người nhập cảnh với mục đích ngoại giao công vụ nhà đầu tư, học sinh sinh viên nước ngoài, quản lý doanh nghiệp…. đáp ứng nhu cầu không nhỏ của các công ty, nhà máy, xí nghiệp ở trong nước trong việc đảm bảo sản xuất, đóng góp cho phát triển kinh tế.

Kết quả như đã thấy là Việt Nam tiếp tục là một trong số rất ít các nước đạt được tỷ lệ tăng trưởng dương trong năm 2020.

Xin ông cho biết thêm về các quy định mới hiện nay trong việc nhập cảnh với người từ nước ngoài về Việt Nam như thế nào (về cách ly, trả phí cách ly, giấy tờ thủ tục...)?

Người từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam hiện được phân loại theo hai tiêu chí:

Theo quốc tịch thì bao gồm công dân Việt Nam và người nước ngoài (không mang quốc tịch Việt Nam).

Theo thời hạn nhập cảnh đối với người nước ngoài thì bao gồm người nhập cảnh trên 14 ngày và người nhập cảnh dưới 14 ngày.

{keywords}
Bộ Ngoại giao tiếp tục đàm phán với 7 đối tác về Quy trình đi lại ngắn ngày, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Lào và Campuchia

Đối với công dân Việt Nam thì có thể về nước trên các chuyến bay hồi hương công dân do Chính phủ tổ chức và cách ly tại các cơ sở cách ly do quân đội quản lý hoặc trên các chuyến bay thương mại được nối lại với 7 đối tác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia và Thái Lan) và cách ly tự trả phí tại các cơ sở dân sự đã đăng ký với các địa phương. Điều kiện để xác định quốc tịch Việt Nam là hộ chiếu Việt Nam còn giá trị và thời hạn cách ly tập trung là 14 ngày.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh và dự kiến lưu trú trên 14 ngày thi phải được xét duyệt nhân sự trước khi nhập cảnh, có phương án cách ly 14 ngày do cơ quan, tổ chức mời khách chuẩn bị và được UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh và dự kiến lưu trú dưới 14 ngày thì chỉ cho phép theo từng trường hợp hoặc đối với người đến từ các đối tác có hệ số an toàn cao, đạt được thoả thuận với Việt Nam về quy trình đi lại ngắn ngày. Việc nhập cảnh, theo dõi, giám sát y tế được thực hiện chặt chẽ, vừa đảm bảo an toàn cho cộng đồng, nhưng vẫn tạo điều kiện cho khách được làm việc, tiếp xúc trong thời gian ở Việt Nam.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện!

Yên Hòa 

Chuyện về chuyến bay được cấp phép 4 giờ trước lúc cất cánh

Chuyện về chuyến bay được cấp phép 4 giờ trước lúc cất cánh

Đến khoảng 17h ngày 9/2 (trước giờ máy bay khởi hành từ Việt Nam 4 tiếng), bạn mới thông báo qua điện thoại về việc cấp phép cho chuyến bay của Việt Nam.