Theo báo cáo, để thực hiện công tác hỗ trợ cung ứng nguồn nông sản khi cần thiết, Tổ công tác Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) chuẩn bị phương án dự phòng, đảm bảo cung cứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM khi có yêu cầu từ thành phố hoặc từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.

Tổ công tác sẵn sàng cùng các địa phương thuộc địa bàn 19 tỉnh, thành Nam Bộ, các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng nông sản chủ lực để phối hợp triển khai, với các mặt hàng thiết yếu bao gồm gạo, rau củ, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm trong thời gian thực hiện nghiêm giãn cách xã hội với hai phương án dự kiến.

Phương án 1 đáp ứng 100% nhu cầu của TP.HCM (ngoài cung ứng của hệ thống siêu thị). Cụ thể, theo tính toán của Bộ NN-PTNT, trước khi thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, 1 ngày sẽ cần khoảng 7.610 tấn lương thực, thực phẩm, chưa kể trứng gia cầm. Trong đó, nhu cầu mỗi ngày cần 2.000 tấn gạo, 4.200 tấn rau củ, 750 tấn thịt heo, 660 tấn thịt gà, 2,2 triệu quả trứng gia cầm.

{keywords}
Bộ NN-PTNT lên các phương án cung ứng lương thực, thực phẩm cho TP.HCM và Bình Dương

Tổ công tác đã xây dựng phương án có địa chỉ cụ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất với khả năng cung cứng số lượng 10.200 tấn/ngày, chưa kể trứng gia cầm. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra có thể cung cứng 570 tấn/ngày. Các doanh nghiệp, hợp tác xã sẵn sàng cung ứng lương thực, thực phẩm theo yêu cầu của Bộ.

Phương án thứ 2, sẽ đáp ứng 50% nhu cầu của thành phố (ngoài cung ứng của hệ thống siêu thị). Tổ công tác 970 đã có địa chỉ cung ứng với số lượng 4.500 tấn/ngày, chưa kể trứng gia cầm.

Trong số đó, gạo 1.500 tấn, rau củ quả 2.200 tấn, thịt lợn 400 tấn, thịt gà 400 tấn, trứng gia cầm 1,5 triệu quả. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra có thể cung ứng 570 tấn.

Đối với tỉnh Bình Dương, Tổ Công tác 970 của Bộ NN-PTNT cũng lên phương áp dự phòng về nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm. Theo đó, nhu cầu lương thực, thực phẩm của Bình Dương mỗi ngày là 1.474 tấn, chưa kể trứng gia cầm. Trong đó, 540 tấn gạo, 670 tấn rau củ, 190 tấn thịt heo, 74 tấn thịt gà và 930 nghìn quả trứng.

Bộ NN-PTNT đã có địa chỉ cung ứng 600 tấn gạo/ngày, 700 tấn rau củ/ngày. Với năng lực sản xuất, Bình Dương đảm bảo khả năng cung cứng thịt heo và gà nhưng thiếu khoảng 79 nghìn quả trứng gia cầm/ngày. Khả năng cung cứng lượng thiếu của Bình Dương từ các tỉnh lân cận khoảng 90.000 quả/ngày.

Ngoài phương án cung cứng lương thực thực phẩm, trong thời gian qua, Tổ Công tác đã triển khai thí điểm chương trình túi an sinh kết hợp 5 loại nông sản tổng trọng lượng 10kg (combo 10kg/túi) cho một số doanh nghiệp, siêu thị ở TP.HCM.

Túi an sinh này đảm bảo cho nhu cầu 1 hộ gia đình trong 3-5 ngày với các mức giá theo đối tượng khác nhau, dao động trong khoảng từ 100.000-200.000 đồng/combo tuỳ loại.

{keywords}
Combo túi nông sản 10kg cũng là phương áp bán hàng an toàn trong thời điểm giãn cách xã hội

Tổ Công tác cũng cho biết, nhiều combo kết hợp thủy hải sản, thịt các loại và trứng theo yêu cầu của người đặt, có thể giá cao hơn, hàng hóa đáp ứng nhiều hơn. Các túi combo này đều do các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đóng túi theo yêu cầu khách hàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Các doanh nghiệp này được Tổ công tác đưa vào danh sách đầu mối hệ thống kết nối cung cầu nông sản, tổ chức hoạt động hơn 1 tháng nay, thay thế hệ thống chợ đầu mối đã tạm thời đừng hoạt động.

Hiện tại, năng lực cung cấp túi an sinh từ 80.000-100.000 túi/ngày, tương đương từ 800-1.000 tấn/ngày và khả năng lên 150.000 túi/ngày, tương đương 1.500 tấn/ngày nếu có sự hỗ trợ vận chuyển. Tổ công tác phía Nam của Bộ NN-PTNT cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM ưu tiên triển khai mô hình trên cho người dân thành phố.

Ông Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Kinh tế hợp tác (thành viên Tổ công tác 970) cho rằng, chương trình "đi chợ hộ" ở TP.HCM đang triển khai cần có lực lượng nhân sự rất lớn và dễ quá tải công việc khi tiếp nhận, phân loại đơn và phức tạp nhất là đi đến các điểm mua sắm, chọn lựa sản phẩm, thanh toán… 

"Đi chợ hộ" chưa giảm được số người đi lại, vẫn tạo ra tập trung và tiếp xúc đông người ở các điểm mua sắm, tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch Covid-19. Trong khi đó, nông sản bán theo combo giúp người dân không cần đi lại nhiều, ngồi ở nhà có thể tương tác chọn lựa đăng ký mua theo combo với nhiều loại nông sản khác nhau, được đóng gói, chia theo khối lượng cố định. Tiền được thanh toán qua chuyển khoản, đảm bảo an toàn phòng dịch cho cả bên mua lẫn bên bán, ông Hải cho hay.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Hà Giang

Ảnh: Minh Anh