Trong vài năm gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đặc biệt quan tâm đến hoạt động thống kê các số liệu trong các lĩnh vực do Bộ quản lý. Bên cạnh các dữ liệu hành chính do các đơn vị chức năng của Bộ thống kê hay các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin do Bộ quản lý báo cáo theo định kỳ.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục Thống kê Việt Nam hôm 5/11, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn nhận định, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số đang phát triển như hiện nay, ngành Thống kê trở thành ngành hot hơn bao giờ hết. Với các số liệu thống kê chính xác, các bộ ngành, địa phương mới đưa ra được những quyết sách quan trọng cho lĩnh vực mình quản lý. Đặc biệt, số liệu thống kê phải là số liệu thống kê sống, được cập nhật thường xuyên, Thứ trưởng nhấn mạnh.

{keywords}
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn: "Với các số liệu thống kê chính xác, các bộ ngành, địa phương mới đưa ra được những quyết sách quan trọng cho lĩnh vực mình quản lý".

Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông luôn đánh giá cao số liệu thống kê thông qua điều tra xã hội học của Tổng cục Thống kê thực hiện hàng năm, theo định kỳ. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, thiết thực, theo sát tình hình thực tế xã hội, xu hướng thị trường và góp phần tăng thứ hạng của Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế về chính phủ điện tử, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin của Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế có uy tín.

Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm đến những số liệu thống kê như: tỉ lệ người sử dụng Internet, tỉ lệ hộ gia đình có kết nối Internet, tỉ lệ chi cho phần mềm máy tính so với GDP, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến, tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại di động, tỉ lệ người dân sở hữu điện thoại di động, tỉ lệ người Việt Nam sử dụng mạng xã hội, tỉ lệ hộ gia đình có máy tính, có TV, có radio, tỉ lệ người xem chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, tỉ lệ người dân đọc sách…

Phối hợp thu thập, chia sẻ thông tin thống kê

Việc chia sẻ các dữ liệu thống kê hiện có với các bộ, ngành, địa phương và Tổng cục Thống kê Việt Nam sẽ làm giàu thêm năng lực thông tin của các bên và cũng là góp phần đóng góp vào sự phát triển của đất nước.  

Bởi vậy, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đã chỉ đạo, đối với các chỉ tiêu chưa được đưa vào nội dung điều tra thống kê năm 2021, các đơn vị của Bộ cần làm việc ngay với Tổng cục Thống kê để lảm rõ nội hàm chỉ tiêu, làm rõ việc thu thập dữ liệu phục vụ cho mục đích quản lý, chia sẻ những dữ liệu Bộ đang có để Tổng cục có thể hỗ trợ việc tính toán dữ liệu theo các phương pháp thống kê để có những số liệu đáng tin cậy.

Đối với những đề nghị hỗ trợ về mặt công nghệ, an toàn thông tin cho các cuộc điều tra thống kê năm 2021 của Tổng cục Thống kê, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất Tổng cục Thống kê cần báo cáo lên cơ quan cấp trên là Bộ Kế hoạch Đầu tư để Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Thông tin và Truyền thông ký kết biên bản hợp tác, tạo điều kiện cho sự hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ giữa hai Bộ về lâu về dài trên cả lĩnh vực công nghệ và tuyên truyền. Thứ trưởng chỉ đạo Cục Viễn thông, Cục Tin học hóa, Cục An toàn thông tin hỗ trợ tối đa trong phạm vi khả năng của Bộ. Cục Viễn thông chỉ đạo các nhà mạng hỗ trợ về kỹ thuật đường truyền, tin nhắn tuyên truyền để người dân tích cực tham gia điều tra thống kê, Cục Tin học hóa hỗ trợ các nền tảng kỹ thuật, Cục An toàn thông tin có nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin.

Đối với cơ sở dữ liệu quốc gia tập trung mà ngành Thống kê đang xây dựng và triển khai, Thứ trưởng nhận định, cơ sở dữ liệu này đóng vai trò thiết yếu, là nền tảng để Chính phủ đưa ra những quyết sách quyết định đến vận mệnh quốc gia. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng tư vấn về công nghệ, về an toàn thông tin cho đề án này.

Văn Giáp