Chính phủ vẫn hướng tới “mục tiêu kép”

Trong gần 2 năm qua, Việt Nam và thế giới đều đang gánh chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 với những biến thể mới nguy hiểm hơn.

Đặc biệt, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam từ tháng 4 đến nay đã gây thiệt hại rất lớn cho Việt Nam, nhất là ở khu vực phía Nam là vùng phát triển rất năng động. Điều này khiến kinh tế, xã hội Việt Nam chịu tác động nặng nề và rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra từ đầu năm, mặc dù Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có rất nhiều chính sách để vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa khôi phục phát triển kinh tế, xã hội.

{keywords}
Cần tăng cường nhiều giải pháp trợ giúp xã hội

TS. Trần Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, đến nay, dù diễn biến dịch còn phức tạp, nhưng công tác phòng, chống dịch đã có những chuyển biến cơ bản, đặc biệt là về công tác ngoại giao vaccine và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho người dân. Chính phủ vẫn hướng tới “mục tiêu kép”, song cũng lắng nghe, cân nhắc với tinh thần cầu thị hơn với những đề xuất mới, như đề xuất cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp duy trì sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch, đề xuất cho phép doanh nghiệp chủ động nhập vaccine, v.v. Nhờ đó, Chính phủ và nhiều ngành, địa phương đã có điều kiện để cân nhắc tích cực hơn các kịch bản, lộ trình và biện pháp mở cửa trở lại nền kinh tế, hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp, nền kinh tế vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng nặng nề. Để tiếp tục duy trì tăng trưởng dương, đòi hỏi Chính phủ phải có các giải pháp linh hoạt cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Tăng cường trợ giúp để không xảy ra kiệt quệ tài chính

GS. TS Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) Việt Nam cho rằng, bên cạnh một chính sách kinh tế cởi mở và tự do như năm trước – điều quan trọng là cân bằng tất cả các yếu tố liên quan trong khủng hoảng Covid-19, bao gồm sức khỏe của xã hội và sức khỏe của nền kinh tế quốc gia.

Theo đó, trước mắt, các tỉnh, thành phố  có ca nhiễm mới cần tập trung các biện pháp y tế và phòng chống dịch. Cần tránh một lệnh cấm đối với tất cả các hoạt động du lịch cũng như phong tỏa hoàn toàn. Một số mối quan tâm trong ngắn hạn cần chú ý là: bong bóng trong thị trường bất động sản và chứng khoán, xuất phát từ lãi suất hay lợi nhuận (được cho là) thấp của các kênh đầu tư như vàng, tiền gửi ngân hàng, hay các kinh doanh tư nhân.

Nhìn nhận vấn đề từ góc độ các giải pháp cho doanh nghiệp, TS. Abel Alonso - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT cho rằng, Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ doanh nghiệp đến một mức nào đó trong đại dịch này. Doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và giải quyết các vấn đề với những gì sẵn có trong tay.

Theo TS. Alonso, ngay cả doanh nghiệp ở các nước phát triển cũng đang chật vật và không có giải pháp tức thì cho những vấn đề này. Doanh nghiệp cần trở nên linh hoạt hơn nữa và lên kế hoạch trước cho các cuộc khủng hoảng tương tự. Để thích ứng và phục hồi giữa đại dịch Covid-19, TS. Alonso gợi ý rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa (lực lượng chiếm phần lớn cộng đồng doanh nghiệp tại hầu hết các nước) nên giải quyết vấn đề theo kiểu “giàn giáo xây dựng”. Tương tự như cách lập giàn giáo xây dựng theo từng tầng một, doanh nghiệp nên tập trung vào việc tồn tại qua từng ngày và dần dần nâng cao sức mạnh cho mình.

Theo ông, khi không có hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa những nguồn lực hạn chế hiện có để duy trì khả năng thanh khoản và nên làm mới bản thân mình bằng cách đa dạng hóa sang các thị trường hay kênh bán hàng mới hoặc thay đổi mô hình kinh doanh.

Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào Francois Painchaud góp bàn, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Việt Nam cần tăng các khoản hỗ trợ bằng tiền cả về giá trị và số lượng người thụ hưởng, các thủ tục hành chính cần đơn giản hơn nữa, nên tăng gấp đôi các khoản hỗ trợ bằng tiền để đạt tỷ lệ thu nhập thay thế khoảng 60%, ngang với mức bảo hiểm thất nghiệp cho lao động ở khu vực chính thức.

Còn về phía WB, khuyến nghị 4 bài học để đi vào trạng thái bình thường mới. Đó là tiêm chủng (đồng thời với xét nghiệm) có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát đại dịch và cũng để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế; vẫn cần có những hạn chế đi lại nhưng phải hợp lý hơn; tìm điểm cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; tăng cường trợ giúp xã hội để ngăn chặn tình trạng kiệt quệ tài chính ở những nhóm dễ bị tổn thương và hạn chế gia tăng bất bình đẳng.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Trung Kiên