UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, hội, đoàn thể liên quan, chính quyền địa phương và tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng. Giảm nguy cơ bị mua bán và tăng cường kỹ năng phòng tránh bị mua bán trở lại. Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đảm bảo sự bình đẳng và tăng tỷ lệ nạn nhân bị mua bán được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ và hòa nhập cộng đồng bền vững. 

{keywords}
Nạn nhân bị mua bán trở về ở Cà Mau được tạo điều kiện tiếp cận các chính sách hỗ trợ. 

Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu 100% người là nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu. Bảo đảm nạn nhân được tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm.

Xây dựng, củng cố, từng bước nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện chức năng tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân. Cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân được tập huấn, nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm và thực hiện hỗ trợ dựa trên sự hiểu biết về sang chấn tâm lý.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Cà Mau sẽ huy động, khuyến khích sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, cá nhân, tổ chức và toàn xã hội trong công tác hỗ trợ nạn nhân. Từ đó nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, chuyển tuyến trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ nhằm giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng, tránh bị mua bán trở lại.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các đối tượng sau khi được xác định là nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu và hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định, đảm bảo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống mua bán người và triển khai, thực hiện dữ liệu thống kê về công tác phòng, chống mua bán người.

Duy Tiến