Khung hợp tác thống kê ASEAN giai đoạn 2010 - 2015 được thông qua vào tháng 10 năm 2010 đòi hỏi phải xây dựng một nguyên tắc hoạt động chung của ASEAN nhằm đảm bảo sự tin tưởng, khả năng giải trình và đưa ra các chuẩn mực chuyên môn cao nhất cho công tác sản xuất, phổ biến và truyền thông số liệu thống kê ASEAN.

{keywords}
Các Nguyên tắc hoạt động thống kê của ASEAN được Ủy ban ACSS thông qua tại kỳ họp lần thứ 2 diễn ra tại Siêm Riệp, Cam-pu-chia ngày 27 tháng 9 năm 2012.

Các nguyên tắc hoạt động thống kê của ASEAN (CoP) đưa ra những hướng dẫn và tiêu chuẩn, bao gồm những tiêu chuẩn căn bản giúp đảm bảo độ tin cậy của các sản phẩm, dịch vụ thống kê của Cơ quan thống kê các quốc gia thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. Đồng thời, CoP giúp tối ưu hóa dịch vụ cung cấp cho người dùng tin nhằm nâng cao tính minh bạch của số liệu, khả năng tiếp cận thông tin và trên hết là sự hài lòng của người dùng tin. Cụ thể:

- Cung cấp bộ hướng dẫn về cách thức thực hiện;

- Hỗ trợ nâng cao hiểu biết về cách thức đào tạo, giám sát và cung cấp hỗ trợ khi được yêu cầu;

- Cải thiện niềm tin của người dùng tin thông qua cung cấp thông tin về cách thức sản xuất thông tin;

- Giúp người dùng tin hiểu về phạm vi thống kê và các hạn chế của số liệu.

CoP được xây dựng trên cơ sở các Nguyên tắc hoạt động thống kê của thống kê nhà nước do Liên hợp quốc xây dựng năm 1994, phản ánh các giá trị được thể hiện trong Chiến lược phát triển thống kê ASEAN được thông qua vào tháng 7 năm 2011, thể hiện trên ba nhóm chính, gồm: Môi trường thể chế, Quy trình thống kê và Các sản phẩm/đầu ra thống kê.

Các nguyên tắc hoạt động

Mỗi nguyên tắc đều có một bộ chỉ tiêu thực hiện nhằm hỗ trợ đánh giá quá trình thực hiện các nguyên tắc. CoP bao gồm 8 nguyên tắc thuộc ba nhóm chính như sau:

(A) Môi trường thể chế

1. Trách nhiệm thu thập số liệu

2. Tính chuyên nghiệp và trung thực

3. Tính bảo mật

4. Khả năng giải trình

5. Hợp tác và điều phối thống kê

(B) Qui trình thống kê

6. Đảm bảo tính hiệu quả về chi phí

7. Giảm gánh nặng cho người cung cấp thông tin

(C) Các sản phẩm/đầu ra thống kê

8. Cam kết đảm bảo chất lượng (Tính phù hợp, Độ tin cậy, Tính kịp thời, Khả năng so sánh và dễ tiếp cận của số liệu thống kê)

Các nguyên tắc của CoP sẽ được cập nhật nhằm đảm bảo phù hợp với môi trường hoạt động thống kê không ngừng thay đổi.

A. Môi trường thể chế: gồm 5 nguyên tắc chính sau:

Nguyên tắc 1. Trách nhiệm thu thập số liệu

Trách nhiệm của Cơ quan thống kê các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) được quy định rõ ràng để thu thập thông tin và chia sẻ cho Bộ phận Thống kê ASEAN (ASEANstats) nhằm phục vụ công tác biên soạn số liệu thống kê chung của ASEAN.

Các chỉ tiêu

1.1. Nhiệm vụ thu thập thông tin để sản xuất và phổ biến số liệu thống kê quốc gia của Cơ quan thống kê các quốc gia thành viên ASEAN được quy định trong luật và/hoặc các văn bản pháp lý;

1.2. Số liệu thống kê quốc gia do các Bộ, ngành tại các quốc gia thành viên ASEAN sản xuất được cung cấp cho ASEANstats thông qua sự điều phối của Cơ quan thống kê quốc gia để phục vụ công tác biên soạn số liệu thống kê chung của ASEAN;

1.3. ASEANstats sản xuất, phổ biến và truyền thông số liệu thống kê chung của ASEAN theo yêu cầu của Cộng đồng ASEAN dưới sự hướng dẫn của Ủy ban ACSS.

Nguyên tắc 2. Tính chuyên nghiệp và trung thực

Cơ quan thống kê các quốc gia thành viên ASEAN và ASEANstats quyết định các bước khác nhau của hoạt động thống kê từ thu thập đến phổ biến số liệu dựa trên sự xem xét chặt chẽ về mặt chuyên môn, phương pháp và quy trình thống kê.

Các chỉ tiêu

2.1. Các quyết định được đưa ra dựa trên cân nhắc mang tính nghiệp vụ về trách nhiệm, thẩm quyền và kiến thức chuyên môn;

2.2. Cơ quan thống kê quốc gia áp dụng những tiêu chuẩn, hướng dẫn và thông lệ quốc tế phù hợp với phương pháp luận tổng thể của khu vực;

2.3. Cơ quan thống kê quốc gia đảm bảo đội ngũ công chức được tham gia các khóa đào tạo và hội thảo để nâng cao kỹ năng và kiến thức thống kê;

2.4. Với sự hỗ trợ của ASEANstats, các Nhóm công tác và Nhóm chuyên trách có trách nhiệm xây dựng các chính sách, khuôn khổ và hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến sản xuất số liệu thống kê nhằm đảm bảo tính kịp thời, khả năng so sánh của số liệu.

Nguyên tắc 3. Tính bảo mật

Cơ quan thống kê các quốc gia thành viên ASEAN và ASEANstats có trách nhiệm bảo mật thông tin của các hộ gia đình, doanh nghiệp, đơn vị

hành chính sự nghiệp và những đối tượng cung cấp thông tin khác.

Các chỉ tiêu

3.1. Luật và/hoặc các văn bản pháp lý quy định cụ thể trách nhiệm của

Cơ quan thống kê các quốc gia thành viên ASEAN trong việc bảo mật thông tin được cung cấp;

3.2. Có các chính sách, hướng dẫn, điều khoản và điều kiện nhằm đảm bảo tính bảo mật thông tin thống kê trong quá trình sản xuất, phổ biến thông tin thống kê ở cả cấp quốc gia và cấp khu vực ASEAN;

3.3. Có sẵn cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng để bảo đảm an ninh và tính đồng bộ của cơ sở dữ liệu và lưu trữ thông tin thống kê.

Nguyên tắc 4. Khả năng giải trình

Số liệu thống kê ASEAN được trình bày với hình thức rõ ràng, dễ hiểu, đồng thời cung cấp các thông tin về nguồn số liệu và phương pháp tính,

được phổ biến theo cách thức thích hợp, thuận tiện cho người sử dụng và nêu rõ những hạn chế của số liệu.

Các chỉ tiêu

4.1. Số liệu thống kê ASEAN được trình bày dễ hiểu để người dùng tin có thể hiểu đúng số liệu và so sánh được số liệu;

4.2. Cung cấp đầy đủ nguồn số liệu, phương pháp tính và thông tin về những hạn chế của số liệu;

4.3. Khi phát hiện các số liệu thống kê đã công bố có sai sót, cần kịp thời chỉnh sửa và thông báo để người dùng tin biết;

4.4. Cơ quan thống kê các quốc gia thành viên ASEAN có trách nhiệm phản hồi đối với việc hiểu sai và sử dụng sai mục đích số liệu thống kê;

4.5. Các Nhóm công tác và Nhóm chuyên trách xác định rõ những số liệu mà các quốc gia thành viên ASEAN cần cung cấp cho ASEANstats và được ghi rõ trong biên bản của các cuộc họp.

Nguyên tắc 5. Hợp tác và điều phối thống kê

Hợp tác và điều phối thống kê góp phần hoàn thiện Hệ thống thống kê các quốc gia thành viên ASEAN và ASEANstats.

Các chỉ tiêu

5.1. Có cơ chế điều phối quốc gia nhằm điều phối quá trình sản xuất, phổ biến số liệu thống kê và đảm bảo chất lượng thông tin thống kê;

5.2. Có các cơ chế điều phối quốc gia để giúp đầu mối thống kê quốc gia trong việc xây dựng, hài hòa và cung cấp số liệu thống kê theo yêu cầu của ASEAN nhằm phục vụ công tác biên soạn số liệu thống kê ASEAN;

5.3. Thiết lập mối quan hệ hợp tác, phối hợp chặt chẽ trong nội bộ các cơ quan sản xuất số liệu thống kê quốc gia và giữa Cơ quan thống kê các quốc gia thành viên ASEAN với ASEANstats nhằm sản xuất số liệu thống kê ASEAN đảm bảo tính so sánh;

5.4. Thiết lập các cơ chế để các cơ quan khác nhau của ASEAN và các đối tác tư vấn cho ACSS trong xác định các ưu tiên thống kê;

5.5. Có cơ chế phù hợp để phục vụ việc trao đổi số liệu giữa các quốc gia thành viên ASEAN với ASEANstats, tạo điều kiện cho việc sản xuất, phổ biến và truyền thông số liệu thống kê ASEAN nhằm đáp ứng nhu cầu dùng tin ngày càng tăng cao;

5.6. Tăng cường hợp tác với cộng đồng thống kê quốc tế nhằm cải thiện phương pháp luận, tính hiệu quả của các phương pháp thống kê và các công cụ phục vụ cho hoạt động thống kê;

5.7. Điều phối hỗ trợ của các nhà tài trợ cho các quốc gia thành viên ASEAN và ASEANstats nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực.

B. Các quy trình thống kê: gồm 2 nguyên tắc chính sau:

Nguyên tắc 6. Bảo đảm tính hiệu quả về chi phí

Có đủ nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn lực này.

Các chỉ tiêu

6.1. Xây dựng các quy trình để tối ưu hóa nguồn lực được sử dụng cho việc sản xuất và phổ biến số liệu thống kê ASEAN;

6.2. Xây dựng các quy trình để đánh giá, xác định nhu cầu mới về số liệu thống kê của ASEAN có tính đến yếu tố chi phí; Tiến hành đánh giá nếu phải ngừng sản xuất số liệu thống kê do thiếu nguồn lực;

6.3. Tối ưu hóa tiềm năng của công nghệ thông tin và truyền thông để phục vụ công tác thu thập, sản xuất và phổ biến số liệu;

6.4. Có đủ nhân lực, vật lực và công nghệ cả về quy mô và chất lượng để đáp ứng nhu cầu về số liệu thống kê ASEAN.

Nguyên tắc 7. Giảm gánh nặng cho người cung cấp thông tin

Gánh nặng trả lời nên tương ứng với nhu cầu của người dùng tin và không nên yêu cầu vượt quá khả năng của họ.

Các chỉ tiêu

7.1. Cần xác định giới hạn nhu cầu về số liệu thống kê ASEAN để giảm tải gánh nặng cho người trả lời;

7.2. Tăng cường sử dụng dữ liệu hành chính để tránh những yêu cầu trùng lặp về thông tin;

7.3. Cơ quan thống kê các quốc gia thành viên ASEAN cần tăng cường chia sẻ thông tin thống kê để tránh thực hiện quá nhiều cuộc điều tra;

7.4. Đánh giá lại nguồn số liệu hiện có khi cần sản xuất thêm số liệu thống kê hoặc nên áp dụng các kỹ thuật thống kê để ước lượng những thông tin cần thu thập trước khi tiến hành các cuộc điều tra mới.

C. Các sản phẩm/đầu ra thống kê: gồm nguyên tắc chính sau:

Nguyên tắc 8. Cam kết đảm bảo chất lượng

Cơ quan thống kê quốc gia các nước thành viên ASEAN và ASEANstats cần cam kết đảm bảo chất lượng của thông tin thống kê; thường xuyên rà soát, cải tiến chất lượng của các sản phẩm và quy trình thống kê. Các tiêu chí về chất lượng của số liệu thống kê ASEAN gồm: Tính phù hợp, Độ tin cậy, Tính kịp thời, Khả năng so sánh và Dễ tiếp cận của số liệu thống kê.

Các chỉ tiêu

8.1. Tính phù hợp: ACSS sản xuất thông tin thống kê đáp ứng được các yêu cầu thống kê của Cộng đồng ASEAN trên cơ sở tham vấn với các đối tượng sản xuất và sử dụng thông tin;

8.2. Độ tin cậy: Hình thành các cơ chế giám sát để thường xuyên rà soát và cải thiện chất lượng của quy trình và sản phẩm thống kê;

8.3. Tính kịp thời: Xây dựng lịch phổ biến thông tin thống kê ASEAN ở cả cấp quốc gia và khu vực ASEAN, chu kỳ công bố số liệu thống kê cần tính đến nhu cầu của người dùng tin;

8.4. Khả năng so sánh: Số liệu thống kê ASEAN phải đảm bảo so sánh được và đảm bảo sự tương thích trong phân tổ chi tiết giữa hệ thống phân ngành quốc gia và hệ thống phân ngành tương ứng của ASEAN;

8.5. Dễ tiếp cận: Thông tin thống kê ASEAN sản xuất ra cần được phổ biến thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại cũng như các xuất bản phẩm truyền thống.

Hồng Liên