Thời gian qua, các phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, tạo nên động lực tinh thần, vật chất mới cho công cuộc xây dựng quê hương Thanh Hóa.
Phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2015 - 2020 đã thực sự góp phần quan trọng khơi dậy và phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia xây dựng Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và tổ chức đoàn thể các cấp ngày càng vững mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,5%, gấp 1,54 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu cả nước. Quy mô GRDP của tỉnh năm 2020 dự kiến đạt 133.816 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015, đứng thứ 8 cả nước, cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ; GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 2.670 USD, gấp 1,9 lần năm 2015. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn luôn vượt dự toán và có mức tăng trưởng cao là một trong các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước, năm 2020 dự kiến đạt 28.967 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2015.
![]() |
Cụ Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi, thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, làm đơn xin thoát hộ nghèo... đã một phần minh chứng cho sự thực chất, hiệu quả của phong trào “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh. |
Văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật: Giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; xã hội hóa y tế được đẩy mạnh, đã ứng dụng, chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật mới, phức tạp tại các bệnh viện tuyến tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm, giữ vững ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, sáng tạo, đạt nhiều kết quả; là một trong các tỉnh đi đầu trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố theo các nghị quyết của Trung ương; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng cao.
Quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế; sự phối hợp với các cơ quan Trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được đẩy mạnh, MTTQ và các tổ chức xã hội được giữ vững, vai trò, vị thế, uy tín của tỉnh Thanh Hóa ngày càng được nâng cao.
Xuất hiện những tập thể, cá nhân tiêu biểu, trở thành những nhân tố tích cực
Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua đã bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với những kết quả nổi bật như:
Cuối năm 2020, cả nước mới tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhưng từ tháng 10 năm ngoái, Trung ương đã đồng ý để tỉnh Thanh Hóa làm điểm tổng kết trước 1 năm bởi những thành quả vượt kế hoạch đề ra từ những ngày đầu của tỉnh. Tính đến trung tuần tháng 9/2020, Thanh Hóa có 7 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM và TP Thanh Hóa hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Cùng với đó, 379 xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn NTM (sau sáp nhập hiện còn 367 xã). Làm nên thành công ấy là bởi Thanh Hóa đã phát động được phong trào xây dựng nông thôn mới sâu rộng tới tất cả các ngành, các cấp, được hưởng ứng ở khắp nơi trong tỉnh.
Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. UBND tỉnh giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nghèo đến từng huyện, huyện xây dựng kế hoạch giảm nghèo đến từng xã, xã đề ra mục tiêu kế hoạch đến từng hộ và phân công cán bộ, đảng viên hỗ trợ giúp đỡ người nghèo thoát nghèo. UBND tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo, giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Phong trào đã làm chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, đảm bảo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm chính sách hỗ trợ: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như: nhà ở, giáo dục, y tế, thông tin, nước sạch; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Những điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua đó là huyện Như Xuân (một trong 7 huyện của tỉnh thuộc Chương trình 30a) là huyện đầu tiên của tỉnh thoát nghèo; cụ Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi, thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, làm đơn xin thoát hộ nghèo... đã một phần minh chứng cho sự thực chất, hiệu quả của phong trào “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh.
Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ và triển khai tích cực, huy động được nhiều nguồn lực lớn của xã hội vào xây dựng phát triển kinh tế, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, thực hiện các nội dung “3 đồng hành, 5 hỗ trợ doanh nghiệp”; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách hành chính theo hướng lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, đối tượng phục vụ; xây dựng, triển khai các đề án khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; định kỳ lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức gặp gỡ với các doanh nghiệp FDI, hội nghị xúc tiến đầu tư; hàng năm (13-10), UBND tỉnh đều tổ chức lễ tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp và sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu; tôn vinh các doanh nhân được tặng danh hiệu “Vì sự phát triển Thanh Hóa”...
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh có số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất từ trước đến nay, dự kiến thành lập mới 14.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 98.000 tỷ đồng, so với giai đoạn 2011 - 2015, gấp 2,6 lần về số doanh nghiệp và gấp 4,3 lần về vốn đăng ký. Trong giai đoạn 2015 - 2020, có 5 doanh nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, 6 doanh nhân được tặng danh hiệu “Vì sự phát triển Thanh Hóa” và nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý khác.
Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025, tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025 nhằm xây dựng môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả trong cơ quan, tổ chức, xây dựng hình ảnh, tác phong, cốt cách của người cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo. Phong trào đã được các đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng, tác phong, môi trường làm việc tích cực, thân thiện gắn với thực hiện hiệu quả cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... được các cơ quan, đơn vị kịp thời biểu dương và khen thưởng, góp phần khích lệ, động viên các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thanh Thủy
HOẶC ĐĂNG NHẬP BẰNG TÀI KHOẢN
Quên mật khẩu?
Gửi lại mã xác nhận