Từ lâu, cam đã là loại cây chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân tại huyện Cao Phong (Hòa Bình). Huyện Cao Phong hiện có hơn 2.800 ha cây ăn quả có múi, trong đó hơn 1.100 ha cam được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thương hiệu cam Cao Phong đã được khẳng định trên thị trường, được đông đảo người tiêu dùng mua và sử dụng trong thời gian qua.
 
Lường trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để chủ động tiêu thụ cam trong vụ thu hoạch tới đây vào các tháng cuối năm, các hợp tác xã, hộ sản xuất nhỏ lẻ của Hòa Bình sẽ đưa cam Cao Phong lên sàn thương mại điện tử  Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam.
 
Theo đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình, từ đầu tháng 8/2021 Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các hội viên cũng như bà con nông dân trên địa bàn. Mỗi tuần Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ tổ chức một hội nghị tiêu thụ một loại đặc sản. Trong đó, tiêu thụ cam Cao Phong là một trong những chủ đề thu hút sự tham gia của nhiều hộ sản xuất nông nghiệp nhất.

Ông Đặng Văn Hà, Hợp tác xã Hà Phong (Hòa Bình) cho biết: đơn vị này đang có khoảng 150 ha trồng cam, với sản lượng ước tỉnh khoảng 1.000 tấn với 3 loại sản phẩm chính là cam lòng vàng, cam canh và cam V2.  Ngoài ra, Hợp tác xã cũng có thêm các sản phẩm chế biến nên rất muốn tiếp cận thêm nhiều khách hàng để quảng bá rộng rãi thương hiệu sản phẩm của đơn vị.

{keywords}
Cam Cao Phong lên sàn thương mại điện tử

“Năm nay dịch bệnh căng thẳng, tôi rất lo cho việc tiêu thụ cam vào 1-2 tháng tới đây. Chúng tôi sẽ vừa duy trì kênh tiêu thụ truyền thông vừa bổ sung kênh tiêu thụ mới là qua sàn thương mại điện tử. Chúng tôi mong được hướng dẫn cách đưa cam lên bán trên sàn thương mại điện tử và rất kỳ vọng vào kết quả giao dịch của năm đầu tiên triển khai này’, ông Hà chia sẻ thêm.

Để giúp người nông dân Hòa Bình nói chung và hộ trồng cam tại huyện Cao Phong nói riêng tiêu thụ nông sản, trái cây, đồng thời triển khai Quyết định 1034/QĐ-BTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, cuối  tháng 8 vừa qua, Bưu điện tỉnh Hòa Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai trên toàn địa bàn. Hiện Bưu điện tỉnh đã hỗ trợ được gần 40 nhà cung cấp đưa 56 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
 
Ông Bùi Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Hòa Bình cho biết, đưa nông sản nói chung và cam Cao Phong lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn sẽ là một trong những giải pháp mới để hỗ trợ nông dân tiêu thụ các sản phẩm của mình.

Giải pháp này sẽ càng phát huy hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh đang xảy ra tại nhiều địa phương. Với mạng lưới và lực lượng lao động phủ rộng tới từng thôn, bản, dù thời tiết không thuận lợi nhưng nhân viên bưu điện vẫn đi tới tận hộ gia đình để hướng dẫn bà con các cách đơn giản nhất để đưa hàng lên sàn Postmart.vn.
 
Ngoài việc hỗ trợ, hướng dẫn, tập huấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp để đưa cam và các nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, Bưu điện còn miễn phí  toàn bộ các chi phí đăng ký, quản lý gian hàng trên sàn Postmart.vn cho người dân. Đồng thời sẽ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về giá cước, đóng gói hàng hóa, quảng bá thương hiệu… nhằm thúc đẩy sản lượng tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản cho các hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử.

Thứ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, thực hiện Kế hoạch 1034, Bộ Thông tin & Truyền thông tập trung vào việc đưa hộ nông dân sản xuất lên sàn thương mại điện tử qua 2 sàn của Bưu điện Việt Nam (Postmart.vn) và Viettel Post (voso.vn). Tập trung phát huy tối đa tiêu thụ trong nước; thông tin tuyên truyền giới thiệu nông sản Việt Nam trên các kênh truyền thông.

Các Sở Thông tin & Truyền thông các tỉnh tham mưu cho tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, hai doanh nghiệp bưu chính để xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết cho tỉnh ngay trong tháng 8.

Các đơn vị công nghệ của Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ hỗ trợ cùng hai doanh nghiệp bưu chính để cung cấp nền tảng số hướng dẫn hỗ trợ hộ nông nghiệp sản xuất lên sàn. Khi một hộ lên sàn phải có chuẩn hoá đầy đủ thông tin về tài khoản, hồ sơ hộ nông dân, ID… Nền tảng cũng được chuẩn hoá để là nền tảng phát triển kinh tế số chung.

“Đến hết năm 2021, Bộ và các địa phương dự tính đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử và từng bước triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo”. Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết.

 Trần Chung