Có thể nói cho đến nay Việt Nam đã xây dựng được cơ sở pháp lý khá vững chắc cho việc xây dựng và triển khai Hiến pháp, pháp luật, chính sách về bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số; về cơ bản có thể đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế với sự tác động của toàn cầu hóa và cơ chế thị trường hiện nay.

Cơ sở pháp lý vững chắc

Xét dưới góc độ quyền con người, trong đó có quyền của các DTTS, hệ thống chính sách, pháp luật đã có những bước phát triển, tiến bộ đáng kể trong quá trình hòa nhập đáng kể vào sự phát triển chung các giá trị tiến bộ của nhân loại.

Theo đó, bên cạnh những quy định bảo đảm quyền con người nói chung, chúng ta còn có những điều luật, chính sách quy định đặc thù và các chính sách cụ thể như các chính sách về đất đai, giáo dục, y tế, vay vốn tạo việc làm, bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người... nhằm bảo đảm quyền và thúc đẩy thực thi quyền cho đồng bào DTTS nhằm phấn đấu cho mục tiêu chung là thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc.

{keywords}
 

Có thể khái quát nội dung pháp luật, chính sách về đảm bảo quyền của các DTTS tập trung vào các phương diện sau:

Thứ nhất, bảo đảm về chính trị: Xóa bỏ những quy định mang tính chất bất bình đẳng giữa các dân tộc; tẩy trừ thành kiến giữa các dân tộc; các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và mong muốn của mình; chú trọng đào tạo bồi dưỡng và bố trí cán bộ người DTTS; trong thành phần Chính phủ và Quốc hội có đại biểu các DTTS; hỗ trợ các DTTS dần dần tự quản lý các công việc của mình, để mau chóng phát triển kinh tế và văn hóa nhằm thực hiện bình đẳng các dân tộc.

Thứ 2, bảo đảm về kinh tế: Trách nhiệm của Nhà nước là phải tạo ra những điều kiện kinh tế ngày càng tốt hơn để thúc đẩy bảo đảm các quyền kinh tế làm động lực và cơ hội bảo đảm các quyền và tự do cơ bản khác.

Chẳng hạn hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, thôn bản, trên cơ sở thúc đẩy chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, phát triển nghề rừng bền vững, trồng và chế biến cây công nghiệp và đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (điện, đường, trường, trạm…) nhất là ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thứ 3, bảo đảm về văn hóa: Quyền của các DTTS không thể thoát ly bản sắc và truyền thống văn hóa của mỗi DTTS do đó trách nhiệm của Nhà nước là phải bảo tồn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa của mỗi DTTS, đồng thời thúc đẩy giao lưu, hội nhập văn hóa giữa các DTTS.

Trong đó chú trọng nâng cao trình độ học thức, phát triển loại trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm; xóa bỏ mê tín hủ tục, chấn hưng các phong tục tập quán, lễ hội theo hướng lành mạnh; đẩy mạnh việc vệ sinh phòng bệnh để giữ gìn sức khỏe của đồng bào.

Thứ 4, bảo đảm về pháp lý: Cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền của các DTTS liên quan đến hàng loạt các lĩnh vực: từ chính trị, kinh tế đến Hiến pháp, pháp luật và thực hiện dân chủ nhất là thực tiễn thực thi pháp luật.

Vì thế hiện nay cần thiết phải thông qua ban hành và thực hiện “Luật Hỗ trợ và Phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi” để vừa lấp đầy khoảng trống về lĩnh vực quản lý nhà nước vừa khắc phục sự dàn trải trong việc thực hiện các quy định của các “đạo luật” chuyên ngành khác nhau nhằm tạo lập được khung khổ pháp lý thống nhất góp phần điều phối các hoạt động đầu tư, phát triển vùng đồng bào DTTS một cách tập trung.

Thứ 5, bảo đảm về thể chế: Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải xây dựng thể chế bảo đảm quyền của các DTTS hoạt động hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch có cơ chế giám sát theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền XHCN nói chung và các tiêu chí của cách tiếp cận dựa trên quyền con người nhằm bảo đảm quyền của các DTTS theo nguyên tắc “của cho không bằng cách cho”.

Đó là: (i) Xuất phát và hướng đến quyền của các DTTS; (ii) Phân định rõ chủ thể quyền và chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền trong mỗi chương trình, dự án… (iii) Sự chủ động, tích cực tham gia đông đảo của người dân vào mỗi chương trình, dự án; (iv) Cơ chế giám sát công khai minh bạch và thực thi trách nhiệm đạo đức, pháp lý đối với mỗi chương trình, dự án,...

Cần thiết có Luật Hỗ trợ và Phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Đầu năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng Dự án Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Đề cương, Dự luật sẽ quy định: Chính sách giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng, sản xuất, thương mại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ; Chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển văn hóa, y tế, dân số, bình đẳng giới, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; Chính sách hỗ trợ phát triển phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số các cấp; Chính sách hỗ trợ thông tin truyền thông, tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý…

{keywords}
 

Một số ý kiến chuyên gia đã chỉ ra những lý do khiến việc ban hành luật này là cần thiết.

Thứ nhất, nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn chủ trương của Đảng trong lĩnh vực dân tộc được nêu tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đảng theo phương châm, thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số.

Thứ hai, nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về chính sách dân tộc, về quyền con người, quyền công dân. Theo đó, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Thứ ba, khắc phục về cơ bản những bất cập hiện nay về thể chế và chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Từ khi đổi mới (1986) đến nay, Nhà nước đã ban hành không ít văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều quy định liên quan đến việc hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào ở cấp độ luật quy định riêng về hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các chính sách hỗ trợ được ban hành còn tản mát, quy định rải rác ở nhiều văn bản với các cấp độ khác nhau.

Thứ tư, việc ban hành luật nhằm nội luật hóa, bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến vấn đề dân tộc mà Việt Nam tham gia và cam kết thực hiện, như Công ước về các quyền dân sự, chính trị; Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ...

V.v…

Về mặt lập pháp, Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ là luật khung, quy định các vấn đề về nguyên tắc hỗ trợ, các chính sách hỗ trợ và tổ chức thực hiện. Các luật được ban hành sau này cần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với các nguyên tắc, các quy định được ghi nhận trong Luật này.

Được biết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (kèm theo Quyết định số 460/QĐ-UBDT).

Chương trình này nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (sau đây gọi tắt là vùng DTTS&MN) với phương châm hành động “Tập trung cao độ trong chỉ đạo, điều hành để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định...,về lĩnh vực công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025”.

Nhiệm vụ đặt ra trước hết là tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Chính phủ, Quốc hội; các quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc; trọng tâm là thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, gắn với thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Theo đó, Ủy ban Dân tộc được giao nhiệm vụ thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác dân tộc để trình Quốc hội xem xét, ban hành; hoàn thiện quy trình xây dựng nhằm nâng cao chất lượng chính sách. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Dân tộc hoặc Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS&MN, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Ngọc Châu