Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước, đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước.

Hỗ trợ ngư dân đánh bắt an toàn, đúng pháp luật

Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để bảo vệ hoạt động khai thác, tài sản của ngư dân trong quá trình đánh bắt cá theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. 

{keywords}
Kiểm ngư viên Chi đội Kiểm ngư số 2 phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân.

Nhìn chung, trong quá trình lao động sản xuất trên biển, ngư dân ta luôn nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền, chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận ngư dân vì lợi nhuận trước mắt nên cố tình tổ chức, tham gia các hoạt động khai thác hải sản trái phép. Nổi lên là việc đánh bắt sai tuyến, vi phạm vùng biển nước ngoài. Lực lượng chức năng nước ngoài đã bắt giữ, tịch thu phương tiện, tài sản của ngư dân hoặc xử phạt bằng nhiều biện pháp như phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự.

Để đẩy lùi hoạt động này, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã miệt mài mang theo nhiều tờ rơi, tờ gấp có nội dung liên quan đến pháp luật biển, kỹ năng nghề cá, môi trường biển… để phổ biến cho ngư dân đánh bắt an toàn trong vùng biển quốc gia. Không chỉ tuyên truyền một lần mà thực hiện nhiều lần theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Tại âu cảng Bạch Long Vĩ, do biển động dữ dội nên số lượng tàu, thuyền của ngư dân đến neo đậu tại đây rất đông, trong số đó có nhiều tàu đánh cá xa bờ của ngư dân các tỉnh miền Trung, như: Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Thuận, v.v. Các tổ công tác của Cảnh sát biển tận dụng yếu tố thời tiết, mang theo nhiều tờ rơi, tờ gấp có nội dung liên quan đến pháp luật biển, kỹ năng nghề cá, môi trường biển… nhanh chóng cập mạn tàu cá, phát tờ rơi và hướng dẫn ngư dân tuân thủ pháp luật, đánh bắt an toàn trong phạm vi vùng biển quốc gia.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Để bà con không vi phạm pháp luật, đánh bắt cá an toàn, các tổ công tác phải linh hoạt vận dụng nhiều phương pháp tuyên truyền. Không chỉ tuyên truyền một lần mà thực hiện nhiều lần theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Cập mạn, trực tiếp trò chuyện, hướng dẫn chỉ là một trong những phương pháp mà lực lượng Cảnh sát biển áp dụng để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đạt kết quả tốt nhất.

Vùng biển Cô Tô được coi là đa dạng sinh học hàng đầu của Việt Nam, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ở vùng biển có nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm với trữ lượng lớn nhất ở vùng biển Bắc bộ này có dấu hiệu suy giảm nhanh chóng, nhất là các khu vực ven bờ. Nguyên nhân được xác định là do sự khai thác quá mức của con người, kết hợp sử dụng các phương pháp khai thác mang tính hủy diệt hàng loạt.

Trước tình trạng trên, việc quản lý, tuyên truyền để ngư dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1 tổ chức thực hiện thường xuyên trên ngư trường rộng lớn với hơn 300 km2, có đường phân định biên giới trên biển dài hơn 190 km kéo dài từ đảo Trần đến đảo Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng).

Anh Đinh Như Long, một ngư dân làm nghề biển đã nhiều năm, thường đánh bắt cá ở vùng ngư trường truyền thống Vịnh Bắc Bộ. Từ khi được Cảnh sát biển tuyên truyền, anh cũng như nhiều ngư dân trên địa bàn đã không sử dụng các thiết bị đánh bắt, khai thác mang tính hủy diệt, đe dọa làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản như giã cào, lưới rê, lồng bát quái, lưới xăm, lưới mắt nhỏ. Đồng thời, anh cũng đã biết rõ hơn những khu vực nào được khai thác, khu vực nào bị cấm để tránh.

“Từ khi có sự đồng hành của cảnh sát biển, ngư dân chúng tôi đã hiểu biết hơn về pháp luật”, anh Đinh Như Long cho hay.

Theo Thượng tá Lê Huy, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1 cho biết: Khu vực huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh là nơi tập trung nhiều tàu đánh cá, tàu thu mua hải sản, tàu vận tải, việc nắm bắt các thông tin thời sự, hiểu biết về pháp luật và việc chấp hành pháp luật của bà con nhân dân, ngư dân còn rất nhiều hạn chế. Do đó, công tác tuyên truyền biển đảo, phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con là hết sức cần thiết.

Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển

Mới đây, thuyền viên Nguyễn Văn Phúc, 33 tuổi, bị tai nạn chấn thương nặng. Các ngư dân liền phát tín hiệu cấp cứu. Ngay sau đó, tàu KN 267 của kiểm ngư đã kịp thời tiếp cận, đưa nhân viên y tế sang cứu chữa cho nạn nhân.

{keywords}
Tàu cá QNg-90499TS được Vùng Cảnh sát biển 2 cứu nạn an toàn trên biển Hoàng Sa vào tháng 7 vừa qua (Ảnh: T.C)

Một lần khác, tàu KN 216 thuộc Chi đội Kiểm ngư số 2 cũng kịp thời cứu hộ nạn nhân Huỳnh Văn Nam, thuyền viên tàu cá BV 92129 TS, bị chấn thương do dây cáp văng vào ngực. Nhân viên y tế của tàu kiểm ngư đã cấp cứu, cho thở oxy, tiêm thuốc giảm đau, cấp thuốc điều trị cho nạn nhân trước khi bàn giao cho chủ tàu.

Để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, thời gian qua Cảnh sát biển Việt Nam đã có những hoạt động và chương trình thiết thực, đem lại hiệu quả cao, cụ thể:

Trên cơ sở thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, Cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên tuyên truyền pháp luật ở các vùng biển, nhất là vùng biển có đông đảo ngư dân đánh bắt cá và các vùng biển giáp ranh, tránh việc ngư dân vi phạm các vùng biển nước ngoài bị cơ quan chức năng của họ bắt giữ, xử lý.

Đồng thời, sẵn sàng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ ngư dân khắc phục các tình huống xảy ra trên biển. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức 70 lượt phương tiện tàu, xuồng tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cứu nạn được 415 thuyền viên, 17 phương tiện tàu thuyền, đặc biệt đã hỗ trợ ngư dân khi bị tàu nước ngoài truy đuổi trái phép.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển. Từ năm 2017 đến nay đã huy động được hơn 60 tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, tài trợ để tổ chức các hoạt động an sinh - xã hội, đóng góp hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới tại 13 xã, huyện đảo; thăm, tặng quà gần 1.600 gia đình người có công, ngư dân nghèo...

Đặc biệt, Cảnh sát biển còn phối hợp với Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, các bệnh viện trong và ngoài Quân đội tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt ngư dân; tặng hơn 500 cuốn sổ tay hướng dẫn cấp cứu thông thường, 340 tủ thuốc quân y.

Phan Thị Thân
Ảnh: Huy Linh