Cách đây 20 năm, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển và thềm lục địa của Việt Nam, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã được thành lập.

Gần 22 năm xây dựng, trưởng thành (28/8/1998 - 28/8/2019), Cảnh sát biển Việt Nam đã khẳng định vị thế là lực lượng nòng cốt trong thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

{keywords}
Chiến sĩ tàu Cảnh sát biển 9002 kéo cờ Tổ quốc, chuẩn bị xuất phát đi làm nhiệm vụ.

Từ một cơ quan Cục Cảnh sát biển trực thuộc Quân chủng Hải quân, đến nay đã thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; các vùng Cảnh sát biển được tổ chức lại thành Bộ Tư lệnh vùng; các cụm trinh sát, phòng chống tội phạm ma túy được tổ chức thành Đoàn trinh sát, Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy. Lực lượng được trang bị tàu, xuồng, máy bay tuần thám, công cụ hỗ trợ hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu tuần tra, kiểm soát, để bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển.

Trong thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát biển đã làm tốt công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển, xứng đáng là lực lượng chủ trì trong bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp pháp luật, dân sự. Lực lượng đã chủ động trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân; thực hiện tốt công tác đối ngoại quân sự, quốc phòng; đồng thời, thường xuyên quan tâm và triển khai hiệu quả công tác dân vận, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng và củng cố thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân trên biển.

Không để bị động, bất ngờ

Trả lời phỏng vấn báo chí, Đại tá Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho hay, trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và nhiệm vụ cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược, từ đó có quyết sách đúng, trúng trong xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cảnh sát biển tích cực tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những đối sách xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển theo nguyên tắc coi trọng biện pháp pháp luật, lấy ổn định, phát triển lâu dài là xuyên suốt, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền của quốc gia ven biển.

Chú trọng xây dựng lực lượng

{keywords}
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam 

Theo Đại tá Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã xác định xây dựng lực lượng vững chắc, tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo trong tình hình mới. Theo đó, xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện về chính trị tư tưởng và tổ chức; tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại; nâng cao chất lượng công tác cán bộ, công tác huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ.

Trong đó, việc xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng là khâu then chốt; xây dựng tổ chức Cảnh sát biển phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mang tính đa ngành, đa lĩnh vực. Trên cơ sở các đầu mối tổ chức hiện có, từng bước nâng cấp, tăng cường vai trò tham mưu chiến lược của cơ quan Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, điều chỉnh tổ chức, biên chế các đơn vị trực thuộc. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án cơ cấu lại Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển thành Trường Cảnh sát biển nhằm bảo đảm công tác đào tạo cán bộ có tính thống nhất, cơ bản và lâu dài.

Tăng cường đối ngoại quốc phòng

Quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đối ngoại quốc phòng, Cảnh sát biển Việt Nam đã có quan hệ song phương, đa phương với lực lượng thực thi pháp luật của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, như: Campuchia, Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ…

Cảnh sát biển Việt Nam là đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia Hiệp định liên chính phủ về chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á; là thành viên của hội nghị Những người đứng đầu lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước châu Á; đại diện cho Việt Nam tham gia Sáng kiến thực thi pháp luật trên vịnh Thái Lan…

Hiện nay, Cảnh sát biển đã có một trung tâm trao đổi thông tin liên lạc, duy trì thường xuyên hoạt động chia sẻ thông tin về tình hình an ninh hàng hải, cướp biển, cướp có vũ trang, tìm kiếm cứu nạn với lực lượng thực thi pháp luật của 20 quốc gia và duy trì đường dây nóng với 7 quốc gia trong khu vực.

Thời gian tới, Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại, thúc đẩy quan hệ hợp tác với lực lượng bảo vệ bờ biển, cảnh sát biển các nước, ưu tiên các nước trong khu vực, các nước có vùng biển giáp với nước ta và các đối tác truyền thống

Lê Thanh Hùng
Ảnh: Đắc Vịnh