Người nuôi gia cầm nói chung và gà nói riêng rất dễ rơi vào tình trạng thua lỗ nếu để gia cầm mắc bệnh mà nguy hiểm nhất hiện nay là dịch cúm H5N1, H5N6. 

Chăn nuôi gà theo mô hình an toàn sinh học, chăn nuôi theo chuỗi liên kết được coi là giải pháp cho người chăn nuôi phát triển kinh tế, hạn chế được rủi ro từ dịch bệnh. Sau thời gian ngắn triển khai, mô hình này ở Thanh Hóa đã ghi nhận được nhiều kết quả đáng mừng.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Điển hình trong số đó là trang trại gà của ông Nguyễn Thọ Chân (Yên Lâm, Yên Định (Thanh Hóa).

Ông Chân liên kết nuôi gà với Công ty TNHH Japfa comfeed Việt Nam (gọi tắt là Japfa). Gia đình ông có 1,8 ha đất thầu khoán. Năm 2018, ông xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại và nuôi gia công gà lai Mía cho Japfa.

Trang trại nuôi gà được lắp đặt hệ thống máng uống nước và cung cấp thức ăn tự động nên giảm đáng kể nhân công. Tính từ năm 2019, mỗi năm ông lãi 500-600 triệu đồng.

Japfa đầu tư giống, thức ăn, vaccine và cử nhân viên kỹ thuật thường xuyên tư vấn, chăm sóc gà và bảo lãnh để gia đình ông vay vốn ngân hàng. Với 2 trang trại có tổng diện tích 2,6 nghìn m2, ông được công ty bảo lãnh vay ngân hàng 400 triệu đồng, đầu tư hệ thống chuồng trại, đảm bảo công suất nuôi từ 2 đến 2,5 vạn con/lứa.

Toàn bộ quy trình nuôi gà đảm bảo theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Gà thương phẩm sau khi nuôi đủ 3 tháng 15 ngày sẽ được Japfa thu mua về nên người chăn nuôi không lo lắng về đầu ra. Bình quân, mỗi năm ông Chân nuôi 3 lứa gà.

Liên kết chăn nuôi gà sạch là mô hình tiên tiến trên thế giới, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm không có dư lượng thuốc kháng sinh, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vật nuôi được nuôi theo phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng đầy đủ các loại vaccine và có đủ thời gian cách ly...

Một hộ chăn nuôi gà sạch khác là gia đình ông Nguyễn Quang Vinh, thôn 2, (Quý Lộc, Yên Định). Ông Vinh có 2 trại nuôi với công suất 2,5 – 2,6 vạn con/lứa. Ông Vinh khẳng định quy trình nuôi gà an toàn sinh học của Japfa rất chặt chẽ. Sau hơn 3 tháng nuôi, thịt gà cũng thơm ngon.

Trước đây, ông có 1ha bưởi da xanh. Tuy nhiên, để làm dự án nuôi gà sạch liên kết, ông quyết tâm phá bỏ 1ha trồng bưởi, lấy đất xây chuồng trại nuôi gà mía. Trang trại có hệ thống cung cấp thức ăn tự động nên ông chỉ cần thuê 2 nhân công hỗ trợ.

Bà Phạm Thị Thanh Bình - Công ty TNHH Japfa comfeed Việt Nam cho biết, tại Thanh Hóa công ty đang liên kết với 80 trang trại. Mỗi tháng công ty cung cung ứng ra thị trường khoảng 300-400 nghìn con gà thương phẩm. Bình quân, mỗi hộ nuôi được 5 lứa gà gia công/năm và lãi khoảng 250-300 triệu đồng.

Bà Bình cho biết thêm, gà tại các trang trại gia công của Japfa được nuôi theo quy trình VietGAHP, được chứng nhận VietGAHP từ năm 2017.

Chăn nuôi gà sạch theo liên kết an toàn sinh học, là nuôi trong một môi trường được bảo vệ, được chăm sóc tốt và tất cả mọi sự di chuyển ra vào trại, giữa các khu vực trong trại đều phải được kiểm soát.

Vị trí xây dựng chuồng trại gia cầm an toàn phải xa khu dân cư, bệnh viện, trường học, chợ… Kiểm soát dịch bệnh theo từng khu vực trong trại. Sử dụng con giống an toàn. Nuôi cách ly gia cầm mới nhập trại (trong trường hợp nuôi nhiều đàn, nhiều lứa). Phòng bệnh bằng vaccine và xét nghiệm định kỳ, giám sát sự lưu hành các loại mầm bệnh.

Vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại trong thời gian nuôi và sau mỗi đợt nuôi. Xử lý chất thải (bằng bigogas hoặc ủ), tiêu hủy gia cầm ốm, chết. Kiểm soát chặt chẽ sự di chuyển ra vào trại. Chống sự xâm nhập của động vật bên ngoài. 

Quang Sơn