Thời gian gần đây, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh công tác tái đàn, tăng đàn lợn.

Nhiều hộ chăn nuôi mạnh dạn đầu tư chuồng trại lạnh theo quy trình khép kín, tự động để phòng, chống dịch bệnh, giúp vật nuôi phát triển tốt.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh có khoảng 2,4 triệu con, tăng 0,53% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá lợn đẹp bán ra thị trường đang ở mức từ 76-77 ngàn đồng/kg, đây là mức giá tốt và người chăn nuôi đã đạt lợi nhuận khá.

Theo đó, người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư cải tạo chuồng trại, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi.

Đây cũng là định hướng của tỉnh trong phát triển ngành Chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn đảm bảo về vệ sinh an toàn dịch bệnh.

{keywords}
 Chuồng lạnh nuôi lợn giúp đàn phát triển đều, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh minh họa. 

Ông Bùi Hữu Long, quản lý Trang trại Chăn nuôi Phan Tấn Hùng (xã Bàu Cạn, H.Long Thành) cho biết, có thời gian ông tạm ngưng nuôi để xử lý chuồng trại từng xảy ra dịch bệnh và đầu tư vốn lớn nâng cấp lên hệ thống nuôi chuồng lạnh.

Đến nay hầu hết quy trình chăn nuôi đều tự động hóa. Hiện trang trại đã tái đàn với quy mô gần 200 con nái và khoảng 1 ngàn lợn thịt, tăng hơn hẳn so với trước.

Tiêu chí nuôi lợn của ông Long là phải bảo đảm an toàn dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, ông đã nuôi theo chuẩn VietGap, xây chuồng lạnh theo quy trình khép kín.

Chuồng nuôi lợn có hệ thống giàn mát, điều hòa nhiệt độ trong chuồng dao động ở mức 27-300C.

Để bảo đảm môi trường, ông còn đầu tư xây dựng hệ thống biogas, phân được lọc qua hầm thô, sau đó máy hút khí qua bể lọc có thể sử dụng nhu cầu dùng điện trong trại, còn hầm phân tươi thì sẽ ủ với lá cây cho hoai mục.

Quá trình nuôi, ông bảo đảm đầy đủ các khâu tiêu độc khử trùng người ra vào trại với hệ thống tiêu độc khử trùng tự động ngay tại cổng.

Theo ông Long, chăn nuôi lợn khép kín trong chuồng lạnh đang là hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi hiện nay. Tuy số vốn đầu tư ban đầu lớn, nhưng về lâu dài, mô hình mang đến nhiều lợi ích vượt trội so với chăn nuôi chuồng hở.

Chăn nuôi chuồng lạnh, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình này còn góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún của nông dân sang hình thức nuôi trang trại tập trung, khép kín, chăn nuôi bền vững

“Thời gian qua, thị trường lợn hơi luôn đứng ở mức giá tốt nên trang trại mạnh dạn tái đàn. Mặt khác, nhờ đầu tư chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, chi phí sản xuất giảm, rủi ro dịch bệnh được kiểm soát nên trang trại yên tâm tiếp tục mở rộng quy mô đàn”.

Mỗi năm, trang trại chỉ nuôi 2 vụ, mỗi vụ khoảng 5 tháng, sau đó tổng vệ sinh và để trống chuồng chừng 1 tháng để bảo đảm cách ly an toàn.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Sơn xã Bình Lộc (TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) cho biết, gia đình chăn nuôi lợn từ năm 2015. Nhờ chính quyền tạo điều kiện tham quan học tập kinh nghiệm nhiều nơi nên ông  nhận thấy chăn nuôi chuồng lạnh có nhiều ưu điểm.

Năm 2016, gia đình ông đầu tư 1,5 tỷ đồng để nâng cấp từ chuồng hở thành chuồng lạnh trên diện tích chăn nuôi 1ha.  

Các dãy chuồng nuôi được ông xây dựng theo quy trình khép kín, có trang bị hệ thống máy lạnh, quạt gió để duy trì ở nhiệt độ ổn định 27 độ C. Ngoài ra ông còn đầu tư hệ thống hầm biogas để thu gom chất toàn bộ thải và khử mùi hôi chuồng trại.

Ông Sơn cho biết, lợn nuôi trong môi trường nhiệt độ phù hợp, đảm bảo mát mẻ quanh năm giúp đàn lợn tăng trưởng nhanh. Nhiệt độ luôn ổn định nên heo không bị hiện tượng sốc nhiệt, giúp giảm stress đàn heo.

Khi lợn khỏe thì việc hấp thụ và chuyển hóa thức ăn cũng tốt  hơn. Lợn tăng trọng nhanh, rút ngắn thời gian chăn nuôi trung bình khoảng 10 ngày so với chăn nuôi chuồng hở.

Từ đó, giảm được lượng thức ăn, công chăm sóc, tiết kiệm điện, nước. Lợn khỏe mạnh có sức đề kháng tốt nên ít bị dịch bệnh.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Nguyễn Kim Đoán so sánh, hiện trang trại nuôi theo hệ thống chuồng lạnh. mọi khâu ăn, uống của vật nuôi đều được tự động hóa, nhiệt độ, ánh sáng cũng được kiểm soát, điều chỉnh bằng cảm biến.

Trước đây, một trại nuôi có quy mô hơn 1000 con lợn thường cần 3 lao động thì nay chỉ cần 1 người quản lý mà vẫn nhàn rỗi.

Với hệ thống ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi này, trang trại không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân công mà quan trọng nhất là có ít người ra vào khu chăn nuôi, kiểm soát tốt hơn rủi ro dịch bệnh.

“Đây là xu hướng đầu tư chăn nuôi lợn hiện nay vì nuôi bằng trại hở gặp rủi ro rất lớn về dịch bệnh. Những chủ trại muốn gắn bó lâu dài với nghề nuôi heo đều huy động vốn đầu tư lại hệ thống chuồng trại bài bản, theo quy trình khép kín” - ông Đoán nói.

Thu Hằng